Nếu ai có dịp được gặp chị, thì ấn tượng đầu tiên đó chính là đôi mắt – Một đôi mắt phảng phất một nỗi buồn xa xăm trên gương mặt đầy cương nghị. Nó khiến người ta không thể không tò mò muốn tìm hiểu về chị và để rồi, khi hiểu chị, người ta sẽ cảm phục và yêu thương chị hơn. Người phụ nữ mà tôi sẽ kể cho bạn nghe sau đây đó chính là cô giáo Trần Thị Hằng –- Giáo viên trường Tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Sinh ra và lớn lên trên đất cảng Hải Phòng – Thành phố Hoa phượng đỏ. Từ thuở thiếu thời chị đã mơ ước trở thành cô giáo, để được đứng trên bục giảng, gắn bó với các em thơ, với bảng đen, phấn trắng. Chị đã từng tâm sự với mọi người rằng: “Chị thật sự hạnh phúc và tự hào vì đã thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu đó là trở thành cô giáo để truyền thụ kiến thức và đem đến tình yêu thương cho các em thơ”. Khi nghe được những lời tâm sự ấy và được nhìn vào đôi mắt chị, bạn sẽ cảm nhận được một điều sau niềm hạnh phúc ấy là cả một nghị lực phi thường của một con người giàu tình yêu thương…
Là con gái, ai cũng mong ước có được một mái ấm cho riêng mình, có chồng con sum vầy bên mâm cơm chiều do chính tay mình chuẩn bị. Nhưng với chị, ước mơ tường chừng như rất đỗi bình thường ấy lại rất khó khăn và hiếm hoi vô cùng, bởi chị đã yêu và quyết định gắn bó cuộc đời mình với một người lính đảo. Anh Lập chồng chị là một chiến sĩ đảo Trường Sa. Anh chị quen nhau trong một dịp chị đi tìm tư liệu về quần đảo Trường Sa để làm đề tài cho hội thi giáo viên giỏi. Tình yêu của anh chị được gắn kết bởi sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu biển – –Một tình yêu trong sáng và giản dị, dạt dào và mãnh liệt như những con sóng cuộn trào.
Ảnh minh họa
Yêu anh, chị yêu cả những bài thơ viết về biển, bởi nơi nghìn trùng xa xôi ấy có một nửa của chị đang làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao cho. Và cũng vì yêu anh, chị đã dũng cảm chấp nhận xa gia đình hai bên nội ngoại để chuyển công tác từ Hải Phòng vào Đà Nẵng chỉ để có được cảm giác gần anh hơn.
Mỗi lần có người từ đảo về đất liền, anh lại gửi cho chị những món quà từ đảo. Nhìn chị nâng niu những kỷ vật từ nơi biển đảo xa xôi ấy, bạn sẽ hiểu được tình yêu của anh chị dành cho nhau sâu sắc đến nhường nào! Tình yêu ấy khiến tôi ngưỡng mộ và trân trọng biết bao!
Nhưng món quà lớn nhất cuộc đời anh dành tặng chị không chỉ là những kỷ vật mang về từ miền biển đảo xa xôi ấy mà đó chính là bé Vân Anh – bé Vân Anh là kết quả của một lần hiếm hoi khi anh về phép thăm chị. Sau những ngày phép ít ỏi ấy anh lại vội vã ra đảo mà không kịp biết rằng mình sắp được làm bố. Từ lúc mang thai, ốm nghén… chị vất vả một mình và đến khi vượt cạn, chị cũng không có anh bên cạnh. Chỉ đến khi bé Vân Anh tròn 1 tuổi, hai bố con mới có dịp gặp mặt nhau. Lần đầu tiên được bố bế, cô bé khóc thét lên vì tưởng người lạ. Khi con đã bắt đầu bén hơi bố thì ấm áp vì chị không cô đơn.
Có người từng hỏi chị: “Làm vợ lính, lại là lính đảo xa, có lúc nào chị cảm thấy thiệt thòi không?”. Những lúc người chiến sĩ hải quân ấy lại phải trả phép để trở lại với đảo xa. Ngôi nhà chỉ còn lại hai mẹ con bỗng trở nên trống vắng. Nhưng dù vậy, lòng chị vẫn luôn như thế, chị chỉ nói rằng: “Có gì đâu, anh Lập còn thiệt thòi nhiều hơn chị ấy chứ, bởi chị còn có bé Vân Anh bên cạnh nên nỗi nhớ anh cũng vơi bớt phần nào. Còn bên anh, bốn bề chỉ có biển xanh và những người lính đảo là đồng đội, có nhớ vợ nhớ con thì cũng chỉ biết ngắm nhìn qua ảnh. Nhưng đâu riêng gì chị, những người vợ lính đảo cũng đều vậy cả thôi!”. Rồi chị lại cười và khe khẽ hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”.
Quả thật, không phải người phụ nữ nào cũng giàu nghị lực để vượt qua nhiều khó khăn, vất vả như chị. Từ việc chăm sóc, nuôi dạy con đến việc thay những chiếc bóng đèn bị cháy, sửa lại chiếc ghế hỏng trong nhà… tất cả đều một tay chị làm. Thương nhất là những ngày mưa bão, trong nhà nước ngập sâu như một cái ao, chị phải vội vã sơ tán đồ đạc, hì hục tát nước một mình. Lúc đó, câu nói của đứa con thơ: “Mẹ ơi, con muốn có bố ở nhà!” làm trái tim chị như thắt lại. Chị chỉ biết ôm con vào lòng thật chặt và nói với con mà như vỗ về với chính mình: “Bố đang làm nhiệm vụ rất cao cả con à, mẹ con mình phải cố gắng để bố yên tâm công tác con nhé!”. Ngước đôi mắt tròn xoe nhìn mẹ, bé Vân Anh nhoẻn miệng cười. Và cứ thế, nước mắt của nỗi cô đơn hòa cùng nước mưa chảy vào lòng chị mặn chát.
Theo năm tháng kể từ lần đầu tiên gặp chị, cuộc sống của chị đến bây giờ vẫn thế. Hằng ngày, chị vẫn miệt mài lên lớp, chăm sóc bé Vân Anh – kết quả tình yêu của anh chị. Và khi màn đêm buông xuống chị lại ngắm nhìn những món quà anh gửi về từ biển… và nhớ anh. Chị mong một ngày không xa, anh lại xuất hiện bên khung cửa sổ của lớp học nơi ngôi trường tiểu học mà hàng ngày, chị vẫn đang thực hiện ước mơ làm cô giáo của đời mình.
Một vóc dáng mảnh mai, một bờ vai nhỏ nhắn nhưng sao sức sống trong con người chị lại mãnh liệt đến vậy! Những ai đã từng gặp chị đều thấy ở chị sự hòa đồng, giản dị, luôn quan tâm và chia sẻ với mọi người. Ngôi trường nơi chị công tác, đồng nghiệp luôn dành cho chị những tình cảm yêu thương và nể phục. Nhiều năm liền chị là giáo viên dạy giỏi khối lớp 4 và nắm giữ các vị trí là tổ trưởng tổ Đảng, thư ký hội đồng sư phạm nhà trường, nhiệm vụ nào chị cũng đều hoàn thành tốt.
Chiều nay nhớ anh, chị lại dắt con ra biển. Nhìn những con tàu rời bến ra khơi, những con sóng của nỗi nhớ lại cồn cào trong chị. Có lẽ nơi đảo xa, anh cũng đang hướng về đất liền, đang nhớ về chị và con gái.
Câu chuyện về cô giáo Trần Thị Hằng mà tôi vừa mới kể đã giúp tôi biết trân trọng và hiểu thêm giá trị của hạnh phúc đó chính là tình yêu – chính bởi yêu anh, yêu biển, yêu mảnh đất hình chữ S đến cháy bỏng, chị đã vượt qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống đời thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cô giáo, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho các em thơ. Và tôi hy vọng đó cũng chính là tấm gương để cán bộ nữ chúng ta suy ngẫm và học tập.
Nguyễn Thị Lan Anh
(PCT Hội LHPN quận Hải Châu)
* Bài viết đạt giải nhì cuộc thi viết "Tôi kể chuyện này" do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức (kèm theo phóng sự).