Trong vô vàn lời bao biện cho hành vi gây ra bạo lực của nam giới đối với phụ nữ, có không ít ý kiến cho rằng bản chất của nam giới là nóng nảy, bản tính của nam giới là hung hăng, hiếu chiến… Tuy nhiên bạo lực chỉ làm đàn ông tự hạ thấp mình.
Rào cản bắt đầu từ nhận thức
Theo Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), đơn vị đã tiến hành khảo sát ở rất nhiều địa phương về bạo lực gia đình (BLGĐ) cho rằng: Đa số cán bộ và người dân tại các địa bàn khảo sát có những hiểu biết nhất định về hành vi BLGĐ.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận của họ chưa thật sự đầy đủ và đúng đắn về BLGĐ cũng như nguyên nhân và hậu quả của nó với cá nhân, gia đình và xã hội.
“Người dân nhìn nhận BLGĐ như một hệ quả của đời sống đói nghèo, thất học, ghen tuông hoặc chất kích thích. Với họ, bạo lực là cách người đàn ông xưa nay vẫn dùng để giải quyết mâu thuẫn, thiết lập trật tự gia đình, củng cố vai trò của nam giới, giải tỏa bức xúc, căng thẳng”, TS Trịnh Thị Bích Liên, Trưởng phòng Phụ nữ của CSAGA, cho biết.
Ngoài ra người phụ nữ tự cho rằng có nhẫn nhịn, chịu đựng BLGĐ mới chứng tỏ mình giữ được nét đẹp truyền thống Việt
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch hội đồng sáng lập CSAGA, cho rằng: “Phần lớn người dân có xu hướng đổ lỗi cho người bị bạo lực. Họ cho rằng một số hành vi bạo lực có thể bỏ qua. Nếp nghĩ này khiến cộng đồng thiếu cảnh giác trong việc phát hiện, xác định và hỗ trợ giải quyết BLGĐ. Vẫn còn đó quan điểm BLGĐ là chuyện trong nhà, để lộ ra ngoài là điều đáng xấu hổ…”
Cũng theo bà Vân Anh, cán bộ chính quyền các cấp đã nhìn nhận đúng đắn hơn về BLGĐ nhưng họ cũng chưa phá bỏ được những định kiến giới để xác định việc giải quyết BLGĐ trước hết nhằm đảm bảo các quyền của phụ nữ, giảm áp lực giới cho đàn ông. Điều đó cho thấy sự nhận thức của cán bộ cũng như người dân về phòng chống BLGĐ đã khiến cho tình trạng này chưa được giải quyết triệt để.
Ngoài ra, những tác động tiêu cực của đời sống xã hội đã trở thành những tác nhân khiến BLGĐ diễn biến phức tạp.
Đạo đức truyền thống bị mai một, những nét đẹp văn hóa vùng miền bị xâm lấn bởi nhiều luồng văn hóa độc hại, tất cả đang tiềm ẩn những nguy cơ không cưỡng được đối với sự bình yên trong mỗi gia đình.
Bất lực thì mới sử dụng bạo lực
“Ngay cả những người đàn ông từng đánh đập, lăng mạ vợ con, bên cạnh thói gia trưởng, hành động cục cằn thô lỗ, họ cũng có thể có nhiều đức tính tốt. Họ sẽ đáng yêu hơn, sẽ đáng kính trọng hơn nếu họ biết rời xa với những sai lầm trong quá khứ”, ông Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.
Người phụ nữ bị bạo hành phải chịu nhiều dạng tổn thương về thể chất, tinh thần. Nhiều vụ bạo lực nghiêm trọng khiến người phụ nữ bị chấn thương sọ não, tàn tật, mất sức lao động, thậm chí tử vong…
Không ít trường hợp phụ nữ bị bạo lực đã suy sụp, hoang mang, bế tắc và có ý định tự tử.
Anh Bùi Đức Lâm (thị trấn Mường Khến, Tân Lạc, Hòa Bình), thành viên CLB “Người đàn ông đích thực”, thổ lộ: “Trước đây tôi cũng có những trận đòn, những lời nhiếc mắng, những hành động cưỡng ép, cấm đoán đối với vợ. Chính những hành động đó của tôi khiến cho mối quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, mất niềm tin vào nhau và sứt mẻ tình cảm.
Khi tham gia CLB, tôi nhận thấy rằng chỉ những người bất lực mới sử dụng bạo lực với người vợ của mình”.
Cùng quan điểm với anh Lâm, anh Bùi Văn Thiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quy Hậu (Tân Lạc, Hòa Bình), cũng là thành viên CLB “Người đàn ông đích thực”, cho rằng: Người gây ra bạo lực phải đối mặt với mất mát và đổ vỡ, gia đình phải gánh chịu những tổn thất lâu dài, cộng đồng xã hội mất đi sự bình yên.
Sức mạnh của đàn ông phải được thể hiện qua trách nhiệm với gia đình chứ không phải gây ra bạo lực gia đình.
Rõ ràng những người đàn ông tiến bộ là những người vượt qua được những sai lầm của mình. Chính họ chứ không ai khác là những người bảo vệ hạnh phúc gia đình mình, bảo vệ quyền phụ nữ và kiên quyết nói không với bạo lực gia đình./.
(Theo báo Phụ nữ Việt Nam)