Cách đây chưa lâu, dư luận ở Đà Nẵng đã từng phải rúng động bởi vụ hành hạ, ngược đãi, làm nhục phụ nữ mà nạn nhân là chị Mai Thị Kim Oanh, trú ở phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Chồng chị Oanh chết đã hai năm trong một vụ lật thuyền khi đi thăm hồ nuôi tôm của gia đình trong một ngày mưa lụt. Một nách nuôi hai con nhỏ, kinh tế khó khăn đã đành, chị Oanh còn luôn phải chịu sự giám sát, quản chế chặt chẽ của gia đình nhà chồng vì họ sợ mất dâu, mất của. Từ ngày con trai chết, đáng lẽ phải càng yêu thương, chia sẻ với người con dâu sớm phải chịu cảnh góa bụa thì bà Nguyễn Thị Nga (1939), ở tổ 49 Quang Thành, phường Hòa Khánh Bắc lại càng siết chặt hơn nữa sự giám sát, quản lý đối với chị Oanh. Bà sợ con dâu còn trẻ đẹp, lại sẵn có ngôi nhà hai tầng mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng dễ bị ngã lòng trước sự ve vãn, tán tỉnh của lũ đàn ông. Với suy nghĩ ích kỷ đó, không chỉ bản thân mà bà còn phân công cho con trai, con gái, con rể, cháu tăng cường theo dõi nhất cử nhất động của người con dâu.
Tối ngày 26-4-2004, biết được anh Lê Văn Bảy là bảo vệ chợ Hòa Khánh được chị Oanh nhờ đóng hộ cái ki-ốt để mở quầy dịch vụ bưu điện, do xong việc quá trễ nên đã ngủ lại nhà chị Oanh, bà Nga cùng 5 người con gồm là: Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Thị Bé, Lê Thạnh (rể) và một người bạn của Dũng mang theo cây gỗ, máy ảnh, điện thoại di động trong đêm tối bất ngờ tập kích vào nhà chị Oanh theo một kịch bản chẳng khác nào trong phim hình sự: cũng bao vây, chốt chặn, khống chế, chụp ảnh hiện trường để làm bằng chứng… Khi không bắt được “gian phu dâm phụ” như họ vẫn tưởng vì chị Oanh ngủ ở tầng dưới với 2 đứa con và người giúp việc, còn anh Bảy ngủ ở trên lầu, nhóm người này đã vô cớ đánh đạp, xé quần áo của anh Bảy và chị Oanh rồi kéo hai người sát vào nhau, dàn dựng cảnh “hiện trường” để chụp ảnh. Sau đó, họ mang những tấm ảnh này ra chợ Hòa Khánh tán phát cho nhiều người cùng xem với mục đích làm nhục chị Oanh. Vụ án này đã được Toà án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử vào cuối năm 2004, 5 người trong gia đình bà Nga phải lãnh những mức án nghiêm khắc về tội làm nhục người khác.
Còn tại phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, nhiều người biết đến chị Hồ Thị Tâm qua những lần chị phải vào bệnh viện cấp cứu do sự hành hạ, ngược đãi của người yêu là Nguyễn Thanh Phong, nhà ở tổ 18. Mặc dù trước khi đến với Phong, Tâm đã biết đến quá khứ không mấy tốt đẹp của anh ta. Với biệt danh là Cu Tây, Phong đã 1 lần đi tù về tội trộm cắp tài sản và 2 năm tập trung cải tạo vì những thói hư tật xấu. Mặc cho những người thân can ngăn, Tâm vẫn quyết đến với Phong, hy vọng bằng tình yêu của mình sẽ cảm hóa được con người cục cằn, hung bạo này. Thế nhưng, mong ước lương thiện đó đã sớm bị tắt lụi, từ khi quen biết và quan hệ tình cảm với Phong, lúc nào Tâm cũng sống trong tâm trạng bất an, lo sợ. Phong hay ghen tuông vô lối, dù chưa phải là vợ chồng nhưng bất kể là chuyện đúng hay sai, hễ không vừa ý là Phong trút mọi tức giận lên người Tâm. Chiều ngày 15-11-2004, Phong đến quán tạp hóa của Tâm tại số 28 Nguyễn Công Trứ- Đà Nẵng và gọi Tâm ra để nói chuyện. Do bận nhiều khách đến mua hàng, Tâm không ra nên liền sau đó bị Phong xông vào quầy đấm đá túi bụi. Hắn dùng thanh gỗ dát giường đánh Tâm không thương tiếc, đến khi được mọi người phát hiện thì Tâm đã tơi tả, nằm bất động như một xác chết. Sau khi được đưa cấp cứu tại bệnh viện, mặc dù giữ được tính mạng nhưng Tâm cũng bị nhiều di chứng nặng nề do những chấn thương nhiều nơi trên thân thể, gãy sống mũi, chấn động não, với tỉ lệ thương tích 13%. Trong khi Tâm “thập tử nhất sinh” thì gã nhân tình cục súc là Phong đã bỏ trốn và bị cơ quan CA ra lệnh truy nã. Biết không thể trốn tránh mãi, đầu năm 2005, Phong ra đầu thú. Những tưởng sau lần này Phong sẽ ăn năn, phục thiện nhưng chỉ được vài ngày, trong khi được cơ quan CA cho tại ngoại để điều tra, Phong lại tiếp tục giở thói vũ phu, côn đồ. Ngày 6-1-2005, Phong đến quầy tạp hóa đánh và dùng điếu thuốc lá đang cháy châm vào mặt Tâm gây bỏng, sau đó hắn tiếp tục lấy thanh sắt đâm vào hông Tâm, gây thương tích 11%. Ngay cả khi vụ án được đưa ra xét xử vào ngày 11-3-2005, Tâm đến phiên tòa với tư cách là người bị hại mà trên mặt vẫn đầy những vết bầm tím, đó là dấu tích còn lại của trận đòn trước đó 3 ngày mà gã nhân tình đã gây ra cho cô.
Sở dĩ hai vụ trên được dư luận biết đến và căm phẫn lên án là bởi vì những hành vi gây ra cho những người bị hại quá dã man, để lại những tổn thương nghiêm trọng về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm đối với người phụ nữ và đã bị đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật. Còn trong thực tế, số vụ bạo hành, ngược đãi đối với phụ nữ còn thể còn lớn hơn nhiều. Việc chồng đánh vợ vài bạt tai không để lại thương tích hoặc thương tích không đáng kể, bóp muối, thoa thuốc vài ngày là khỏi thì chắc không thể thống kê được bởi trong suy nghĩ của rất nhiều người, ngay cả những phụ nữ bị đánh đập cũng coi đó là “chuyện nhỏ”, báo cáo với tổ dân phố, với công an làm gì cho xấu hổ, hoặc có báo cáo thì thể nào cũng nhận được lời khuyên “thôi thì đóng cửa bảo nhau”. Chính vì nắm bắt được tâm lý đó và không bị ai phê phán, xử lý nên không ít người chồng coi việc đánh vợ; cha mẹ, anh chị đánh con gái, em gái là bình thường, là để “dạy dỗ”, miễn sao đừng để lại thương tích. Có lần trao đổi với một cán bộ tòa án, người viết được biết: Vài năm trở lại đây, số cặp vợ chồng đưa nhau đến tòa xin ly hôn người ta thường ít đề cập đến nguyên nhân do chồng ngược đãi, đánh đập vợ mà thường nêu lý do là “tính tình không hợp nhau”, “quan điểm sống không phù hợp”, nhưng thực chất đằng sau cái lý do chung chung ấy rất nhiều cặp choảng nhau như cơm bữa không ít. Nếu chịu khó ngồi nghe các bà vợ là đương sự trong các vụ án ly hôn tâm sự thì ít nhiều họ cũng từng là nạn nhân của các vụ bạo hành trong gia đình mà người thực hiện lại chính là chồng của họ. Sở dĩ họ không đặt vấn đề tố cáo hành vi đánh đập, ngược đãi của chồng đối với mình trước hết là muốn được giải quyết việc ly hôn chóng vánh, không để lại “hận thù” với phía bên kia, hơn nữa luật đòi hỏi phải có chứng cứ, có thương tích thì lấy đâu ra.
Không như đa phần phụ nữ là nạn nhân của các vụ bạo hành nhưng đành cam chịu hoặc bỏ qua, tại huyện Hòa Vang cách đây cũng từng xảy ra 2 vụ án giết người mà thủ phạm là phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Trang, trú tại xã Hòa Phong, vì bị chồng đánh đập, trong lúc quẫn trí đã tự vệ bằng cách dùng dao đâm chính người chồng của mình dẫn đến tử vong. Hay như chị Hoàng Thị Hương, trú tại phường Hòa Thọ Tây thì vì ngăn cản chồng đi uống rượu đã bị bạn của chồng đánh giữa chỗ đông người và đã phản kháng lại một cách tiêu cực bằng cách đâm người đó chết để rồi phải nhận bản án 6 năm tù và bao cay đắng khác phía sau đó…
Thành phố Đà Nẵng đang nêu cao quyết tâm xây dựng nếp sống đô thị văn minh, hiện đại, người dân cư xử, giao tiếp có văn hóa. Để mục tiêu xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, hạnh phúc” không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành hiện thực trong cuộc sống thì mỗi gia đình phải thực sự là một tổ ấm, các thành viên đều thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, không chấp nhận lối cư xử bạo hành, ngược ngạo, thiếu đạo đức. Trong tiến trình đến với những điều tốt đẹp đó, người phụ nữ với vai trò chủ thể của quan hệ gia đình và xã hội cũng phải biết chủ động bảo vệ mình bằng việc mạnh dạn tố cáo với các cơ quan chức năng, với Hội phụ nữ các cấp đến nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ trong cuộc đấu tranh với những việc làm, hành vi mang tính thô bạo, vũ phu của người thân, để nó không trở thành những thói quen xấu đầu độc bầu không khí gia đình cũng như huỷ hoại cuộc đời của chính mình.
K.T