Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, cộng với hình thức ưa nhìn, tôi được gia đình đặt nhiều kỳ vọng trong việc lựa chọn bạn đời. Nhưng mãi tôi vẫn “phòng không chiếc bóng”. Người ba mẹ ưng ý thì tôi không hài lòng. Người tôi thấy phù hợp, ba mẹ lại không vừa mắt. Tôi đâm ra chán nản.
Tôi thường mang chuyện đời tư kể lể với anh đồng nghiệp thân thiết ở công ty để kiếm tìm sự sẻ chia. Anh dày dặn kinh nghiệm, luôn đưa ra lời khuyên hữu dụng. Chúng tôi trò chuyện hợp gu và trùng nhau về nhiều quan điểm sống. Tình cảm bạn bè gần gụi lâu dần nhen nhóm thành tình yêu lúc nào chẳng hay, khi cả anh và tôi đều nhận ra mình đã phải lòng đối phương. Mọi thứ sẽ suôn sẻ nếu như anh không rơi vào hoàn cảnh éo le “gà trống nuôi con”.
Ba mẹ tôi quyết liệt phản đối. Song tôi vẫn một mực gạt bỏ hàng rào can ngăn, đi theo tiếng gọi của con tim. Vì tôi tin những chăm sóc ân cần của anh. Tôi tin vào bát cháo hành nóng hổi anh đã lóng ngóng nấu hôm tôi ngã bệnh. Tôi tin vào cái siết tay dịu dàng lúc tôi vuột mất hợp đồng béo bở, bị sếp quở phạt gay gắt. Tôi chấp nhận gọi anh là chồng dù mâm sính lễ của anh bị cha tôi hất văng tung tóe.
Cha tôi đã không chịu nổi cú sốc này mà đổ bệnh nặng. Thêm căn bệnh tim tái phát, một thời gian sau cha tôi mất. Gương mặt anh rúm ró, hằn sâu nỗi đau thương vì mặc cảm tội lỗi. Chính tôi phải nén lòng, cố gắng vực dậy tinh thần anh bằng cam kết sẽ sống hạnh phúc bên nhau thì ở thế giới bên kia cha tôi sẽ mỉm cười mãn nguyện. Tuy nhiên, trước mắt tôi còn bức tường thành khắc nghiệt hơn là đứa con gái 10 tuổi của anh. Con bé trắng trẻo, có má lúm đồng tiền nhưng hiếm cười và hay nhốt mình trong phòng từ ngày mẹ mất. Bữa cơm đầu tiên đầy đủ ba thành viên, con bé lầm lì cắm cúi ăn cơm trắng chan nước tương. Tôi xót ruột, gắp con tôm kho vàng ruộm bỏ vào chén thì con bé dằn mạnh đũa xuống bàn, mặt hằm hằm: “Con không thích” và bỏ lên phòng. Anh giận run người, định phạt con thì tôi ngăn lại bảo anh cho con bé thêm thời gian thích nghi với sự thay đổi này và đón nhận tôi.
Tôi dò hỏi anh sở thích của con, sắm thật nhiều áo đầm màu xanh dương và gấu pooh cho con. Con bé chẳng nói chẳng rằng đem tống hết vào ngăn tủ, không thèm ngó ngàng tới, mà suốt ngày chỉ mân mê hộp phụ kiện do người mẹ quá cố mua tặng. Có mặt ba, con bé miễn cưỡng gọi tôi là cô, nhưng vắng anh, nó trả lời trống không hoặc cố tình tảng lờ tôi. Anh buồn nhiều vì con gái bướng bỉnh khiến không khí gia đình luôn nặng nề. Chứng kiến cảnh anh lặng yên đốt thuốc thâu đêm, lòng tôi như xát muối. Tôi quyết tâm kiên trì nhích từng bước một, cố gắng thu hẹp khoảng cách với con bé. Tôi tin thương yêu chân thành rồi sẽ được đền đáp.
Không biết bao nhiêu lần tôi phải đứng ngoài cuộc sống của con bé. Phải đến khi con bé 12 tuổi, tôi mới được con gọi là mẹ. Đó là lúc con bé đột ngột sốt cao mà chồng bận đi công tác, một mình tôi chạy ngược xuôi lo thủ tục nhập viện. Con bé được chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Tôi gần như thức trắng mấy ngày đầu, luôn túc trực bên giường bệnh vì con bé liên tục mê sảng, nhiệt độ chẳng có dấu hiệu thuyên giảm. Con bé sút cân thấy rõ, gương mặt trở nên xanh xao.
Nhìn con, tôi lén quẹt giọt nước mắt chực rơi, ráng tươi tỉnh cho con yên tâm. Con bé ngoan ngoãn nuốt từng thìa cháo tôi đút, uống từng viên thuốc tôi đưa. Câu nói đầu tiên con bé thốt ra sau nhiều ngày là hai tiếng xin lỗi tha thiết. Con dụi dụi đầu, vòng tay ôm ngang hông tôi và anh xuất hiện ở ngưỡng cửa ôm chặt hai mẹ con trong vòng tay rắn rỏi. Khoảnh khắc ấy tôi mới cảm nhận thực sự hơi ấm của gia đình.
THANH NGUYÊN