Hỏi : Tài sản riêng của vợ chồng bao gồm những tài sản nào?
Trả lời: Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng như sau:
1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân còn tồn tại và đồ dùng, tư trang cá nhân.
2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.
Hỏi: Ly hôn là gì ?
Trả lời : Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật do Tòa án quyết định. Việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật do người vợ hoặc người chồng yêu cầu bằng đơn khởi kiện xin ly hôn gửi đến Tòa án. Tòa án sẽ hòa giải đoàn tụ vợ chồng, nếu không thành thì Tòa án sẽ xem xét và quyết định bằng bản án xử cho ly hôn hoặc không cho ly hôn. Nếu xử không cho ly hôn gọi là bác đơn xin ly hôn.
Hỏi : Vợ chồng có quyền đại diện cho nhau trong giao dịch dân sự không ? Thủ tục ủy quyền đại diện như thế nào ?
Trả lời : Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về Đại diện cho nhau giữa vợ chồng như sau :
1. Vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải có sự đồng ý của cả vợ, chồng ; việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
Ví dụ : nhà ở là tài sản chung của vợ chồng, bên vợ hoặc chồng tự ý đem bán, không được bên kia ủy quyền (có công chứng xác nhận) là hợp đồng mua bán nhà không hợp pháp.
2. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó.
Hỏi: Khi hôn nhân đang tồn tại, vợ, chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung không ?
Trả lời : Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau :
1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung ; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản ; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận.
Hỏi: Quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng được pháp luật quy định như thế nào ?
Trả lời : Điều 31 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về Quyền thừa kế tài sản giữa vợ chồng như sau :
1. Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế.
2. Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
3. Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiệm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế.
Hỏi: Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn được thực hiện như thế nào ?
Trả lời : Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau :
1. Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
2. Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con ; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con ; nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Hỏi : Quy định về xử phạt hành vi ngược đãi hành hạ thành viên trong gia đình hoặc người có công nuôi dưỡng mình như thế nào ?
Trả lời :
Điều 11 Nghị định số 87/2001/NĐ- CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có quy định như sau : Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình, các thành viên khác trong gia đình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 10 Nghị định số 110/2009/NĐ- CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000. Ngoài ra, người có hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, văn hóa phẩm độc hại, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định : người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Hỏi : Những ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn ?
Trả lời :
Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên, người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Do đó, khi người vợ đang thuộc một trong các trường hợp trên (không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai), mà người chồng có yêu cầu xin ly hôn, thì Tòa án giải quyết như sau :
1. Trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Tòa án trả lại đơn kiện cho người nộp đơn.
2. Trường hợp đã thụ lý vụ án thì Tòa án cần giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn. Nếu người nộp đơn rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu người nộp đơn không rút đơn yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn của họ.
Trịnh Hương
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn Tp Đà Nẵng