(PLO)- Hôm nay, hàng triệu người dân Việt hướng về Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, nơi tổ chức Quốc tang tưởng niệm người thủ lĩnh chính trị – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hôm nay 25-7, mọi lá cờ Việt Nam ở cả trong và ngoài lãnh thổ đều được treo rủ. Trong ngày Quốc tang đầu tiên tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bầu trời Hà Nội thi thoảng có mưa.
Người dân trên những con đường, góc phố Thủ đô đang chung một nỗi niềm tiếc thương, nhiều người cùng mặc đồ đen, mong đến lượt vào dâng hương, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những người cùng thời
Chưa đến 6 giờ sáng người dân từ nhiều tỉnh thành phía Bắc đã tìm đến Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông. Trong phạm vi 500m, mọi con đường dẫn khu vực hàng quán đều ngừng kinh doanh.
Công tác tổ chức được triển khai tỉ mỉ, với các đoàn khách Trung ương, địa phương, các đoàn khách quốc tế, với thời gian hẹn trước cụ thể. Chưa biết bao giờ mới đón hết các đoàn đăng ký trước như vậy, nhưng trước nhu cầu mong mỏi của người dân, Ban Tổ chức Quốc tang thông báo từ 18 giờ chiều nay, người dân có thể trực tiếp vào viếng, với giấy tờ tùy thân là căn cước gắn chíp, hoặc tài khoản VNeID cấp độ 2.
Ông Nguyễn Bá Đệ, 82 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng là một người đang đợi đến lúc được vào viếng. Trên ngực là Huy hiệu Cựu chiến binh, một tay chống gậy, đôi chân lê từng bước, ông được con trai đưa đến từ sớm nhưng phải quay về.
“Biết tin Tổng Bí thư từ trần, tôi đã rất buồn. Khi biết là người dân có thể vào viếng Ông nên sáng nay tôi đã đến sớm, nhưng vì lý do an toàn, trật tự nên tôi đành phải về, buổi chiều sẽ quay lại”, ông nói.
Người đàn ông ngoài 80 tuổi này từng là bộ đội với 10 năm chiến đấu ở chiến trường B5 miền Nam. Ông cho biết, vì là người cùng thời với Tổng Bí thư nên thấu hiểu vô cùng những gian khổ, khó khăn của thế hệ thời kỳ này. “Tôi hiểu và biết ơn Tổng Bí thư vô cùng. Ông đã dành cả đời mình để cống hiến cho đất nước, và dành cả đời để đấu tranh cho hạnh phúc của nhân dân, luôn trăn trở làm sao để người dân có cuộc sống tốt đẹp, công bằng”, cựu binh Nguyễn Bá Đệ bày tỏ.
Một cựu binh khác cũng có mặt từ rất sớm ở ngã tư Lê Quý Đôn – Nguyễn Cảnh là ông Nguyễn Văn Kiệm, 85 tuổi – quận Cầu Giấy. Lên kế hoạch từ trước, 3 giờ sáng nay ông dậy chuẩn bị, rồi 5 giờ gọi xe ôm từ nhà trên phố Trần Cung tới Nhà tang lễ.
Trên ngực treo đầy huân huy chương, đối với ông Kiệm, đó là những ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với mình sau hơn 20 năm chiến đấu, vào sinh ra tử trên khắp các chiến trường khác nhau.
“Tôi muốn mang theo những kỷ niệm, sự ghi nhận này đến đây để gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối, cũng là để báo cáo với Tổng Bí thư rằng tôi đã luôn sống trọn vẹn cuộc đời của một người lính, một Đảng viên. Cùng ở cái tuổi gần đất xa trời này, tôi có sự thấm thía và thấu hiểu vô cùng đối với Tổng Bí thư. Mong Tổng Bí thư yên nghỉ, Ông đã có một cuộc đời thật đẹp, thật đáng sống, với nhiều di sản để lại”, ông Kiệm xúc động nói.
Còn trong ký ức của ông Đặng Trần Lưu, cũng quận Cầu Giấy, hình ảnh Tổng Bí thư bắt tay từng người tại một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 10 năm ngoái như mới vừa diễn ra.
“Ngày hôm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trò chuyện rất thân thiết, gần gũi với chúng tôi, bày tỏ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng. Từng câu chữ đều thể hiện tâm huyết của Tổng Bí thư và ông đã làm được.
Nên hôm nay tôi và một số cán bộ lão thành quận Cầu Giấy đến đây để tiễn Ông, như thay cho những người đã có mặt trong buổi tiếp xúc cử tri hôm ấy gửi đến Ông một lời cảm ơn chân thành nhất”, ông Lưu nói.
Trong những người mong vào thắp nén hương tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có không ít bà con ở các tỉnh xa.
Ông Bùi Thông Minh, 78 tuổi, nguyên cán bộ Thành ủy Đà Nẵng, cho biết đã ra Hà Nội mấy ngày nay, và từ góc nhìn của người từng nhiều năm làm công tác tuyên giáo, thấy “Thủ đô chưa bao giờ buồn như thế này”.
“Anh Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách lớn của dân tộc, dành trọn đời hi sinh cho nước, cho dân, vô cùng xứng đáng để tôn vinh, ghi ơn. Tôi tin rằng hơn bao giờ hết, giờ là lúc chúng ta cần đoàn kết lại để giữ gìn, phát huy được những thành quả của Tổng Bí thư”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết từng tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Trong trí nhớ về những lần gặp trực tiếp ấy, Tổng Bí thư là một người vô cùng bình dị, chân thành, một nhà trí thức, lý luận xuất sắc, yêu văn chương và có khả năng dùng lời văn, tiếng thơ của mình để cảm hóa mọi người.
“Tôi biết là Tổng Bí thư có sức khoẻ yếu, nhưng sự ra đi của bác vẫn quá đột ngột, khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Tôi đã liên hệ với đoàn lãnh đạo Đà Nẵng ra viếng để nhập đoàn, tiễn biệt anh Trọng”.
Hàng trăm km chỉ là một khoảng cách địa lý
Cũng như vậy, từ TP.HCM, bà Đào Thị Việt Anh, hiện đang công tác tại Cơ quan BHXH Thủ Đức, cho biết vì muốn trực tiếp vào viếng Tổng Bí thư nên đã bay ra Hà Nội từ đêm qua, ở nhà người thân nghỉ rồi sáng sớm đến Nhà Tang lễ Quốc gia.
“Tôi chưa được gặp Tổng Bí thư nhưng rất ngưỡng mộ, biết ơn về những việc làm của ông. Tôi có xem các phim và tư liệu về ông, người dành trọn cuộc đời cho Tổ quốc, mà không cầm được nước mắt”, bà Việt Anh rưng rưng nói, đồng thời cho biết sẽ chờ cho đến khi được vào viếng.
Còn bà Nguyễn Thị Xuyên từ 3 giờ sáng đã cùng 7 người khác từ Bắc Giang, thuê chung một xe chạy 70km để kịp có mặt lúc 5 giờ 30 ở khu vực gần Nhà Tang lễ Quốc gia với hi vọng được vào viếng Tổng Bí thư. Cũng như nhiều người khác, họ không biết làm thế nào để có thể vào nhìn Nhà lãnh đạo quốc gia lần cuối.
“Chúng tôi chỉ là những người dân bình thường, cùng chung một tình cảm, niềm tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư nên cùng nhau đến đây. Chúng tôi không biết nhiều về ông, nhưng cảm nhận đó một con người giản dị, gần gũi vô cùng. Ông giản dị còn hơn một cả một người dân bình thường, và liêm khiết, trong sạch suốt một đời.
Đất nước đã mất đi một người như vậy, cứ nghĩ đến điều đó là tôi lại thấy thương tiếc lắm, nên dù có xa xôi thế nào thì tôi cũng phải đến đây. 70km hay 700km thì cũng chỉ là một khoảng cách địa lý mà thôi”, bà Xuyên nói.
Trong khi đó, 4 giờ sáng, từ Nghệ An, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thủy cũng đã bắt chuyến xe khách sớm ra Hà Nội.
Anh Thủy cho biết ngay khi nắm được thông tin chi tiết về lễ tang Tổng Bí thư, hai vợ chồng không ai rủ ai, đều có chung một quyết định là phải đến trực tiếp nhà tang lễ để tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối.
“Cả gia đình tôi đều rất ngưỡng mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Chúng tôi muốn gặp ông lần cuối để bày tỏ lòng biết ơn của những người Việt Nam yêu nước đến ông”, anh Thủy nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Khuyên, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết đã bỏ buổi chợ sáng để đến Nhà tang lễ. Dọc đường còn gặp hai sinh viên đại học, đều thấy “bác Trọng là người vì nước vì dân nên phải đến viếng bằng được”.
Những người bạn làng Lại Đà…
Cách Nhà Tang lễ Quốc gia 15km, làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh – quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng nghìn người dân cũng có mặt rất sớm. Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức, từng hàng người nối nhau đi qua cổng đầu làng, dọc theo con đường nhỏ ngang qua ngôi nhà nơi Nhà lãnh đạo sinh ra và lớn lên, để rồi đến Nhà văn hóa thôn – khu vực tổ chức Quốc tang.
Ông Vương Khắc Côn, người bạn thuở nhỏ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xúc động nhớ lại: “Từ nhỏ đến lớn, chúng tôi học cùng nhau, cùng nhau sinh hoạt thiếu nhi, cùng nhau chăn trâu, tắm sông, củ khoai chia đôi. Từ nhỏ đến lớn chúng tôi đều rất thân thiết. Sau này, anh Trọng giữ chức vụ cao rồi, nhưng mỗi khi về làng với bạn bè vẫn rất chân tình. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe. Có lần còn tranh thủ đến tận nhà thăm nhau”.
Ông Côn nhớ nhất cái ngày ông được 70 tuổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, còn mang theo một bức ảnh chung. “Điều ấy khiến tôi vô cùng xúc động. Một người có chức vụ như vậy nhưng không hề quan cách. Anh Trọng là người cực kỳ khiêm tốn, luôn nhường nhịn bạn bè, không bao giờ tranh cãi”.
Còn ông Lê Tràng Sĩ, hội trưởng Hội Thương binh nặng huyện Đông Anh, đang dẫn theo đoàn 30 thương binh nặng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà, cho biết: “Chúng tôi nêu cao tinh thần bộ đội cụ Hồ, học tập, lấy tấm gương bác Trọng để giáo dục con em, hàng xóm láng giềng, cùng nhau chấp hành đường lối của Đảng, cũng như có thêm động lực để tiếp tục xây dựng đất nước”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ninh, đi cùng bà con xóm 5 – thôn Lại Đà, đánh giá rất cao công tác chuẩn bị lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà, với việc bày trí khu vực viếng trang nghiêm, tôn kính, chu đáo, thuận tiện cho người dân đến viếng.
“Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có những người như bác Trọng để gánh vác công việc đất nước, chăm lo cho nhân dân”, ông Ninh nói.
Nguồn: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh