Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm, ra trường cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc về dạy tiếng Pháp tại Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu). Trong quá trình đứng lớp, cô đã thể hiện niềm đam mê ngôn ngữ Pháp bằng cách viết truyện ngắn và cũng xem đây là một hình thức tự trau dồi, hỗ trợ thêm cho việc dạy học của mình. Nhưng điều bất ngờ là những truyện ngắn cô viết bằng tiếng Pháp đã đoạt các giải thưởng lớn tại các cuộc thi văn chương Pháp dành cho người nước ngoài trong thời gian qua.
Đại diện Câu lạc bộ tiếng Pháp thành phố Đà Nẵng trao bằng chứng nhận và tiền thưởng
giải nhất cuộc thi quốc tế “Giải thưởng lớn về văn chương vùng Caluire et Cuire, Lyon,
Pháp” cho cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc.
Từ niềm đam mê đến các giải thưởng
Năm 1998, cô sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Ngọc tốt nghiệp khoa Pháp văn Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng). Hồi mới ra trường, Mỹ Ngọc được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty kinh doanh, nhưng rồi tự thấy mình không hợp với công việc, cô đã thi tuyển vào ngành giáo dục-đào tạo và trở thành giáo viên tiếng Pháp tại Trường THCS Trưng Vương từ đó đến nay.
Những năm tháng giảng dạy tiếng Pháp ở Trường THCS Trưng Vương như là cơ duyên đưa Nguyễn Thị Mỹ Ngọc đến với giải thưởng văn chương Pháp. Theo Ngọc, trong chương trình tiếng Pháp có phần dạy về truyện ngắn. Xuất phát từ chỗ phải nghiên cứu để phục vụ cho việc giảng dạy, cô dần dần trở nên yêu thích thể loại này. Bởi lẽ, truyện ngắn được cấu trúc rất chặt chẽ, tính cách của nhân vật cũng phải được miêu tả một cách đặc trưng và thú vị nhất là kết thúc truyện thường rất bất ngờ. Đối với cô, viết truyện là cách để rèn luyện thêm về tiếng Pháp, từ cách diễn đạt, sử dụng thành ngữ, cấu trúc câu…
Thoạt đầu, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp nhằm thỏa niềm đam mê văn chương Pháp, cũng như phục vụ công việc dạy học của mình chứ không với mục đích thi thố hay để trở thành nhà văn. Như để thử khả năng của mình, năm 2008, Mỹ Ngọc tham dự cuộc thi truyện ngắn “Dix mots de la Rencontre” do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức. Và ở cuộc thi này, cô đã xuất sắc đoạt giải nhất, nhận được phần thưởng là một chuyến du lịch tại nước Pháp.
Từ thành công ban đầu này, niềm say mê ngôn ngữ và văn chương Pháp trong cô như được thổi bùng lên hơn nữa. Ngày ngày, cô tiếp tục viết truyện ngắn bằng tiếng Pháp một cách đều đặn và nhiều hơn. Mới đây, trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng 40 năm Ngày Quốc tế nói tiếng Pháp 20-3-2010, Mỹ Ngọc đã gửi 10 truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp tham gia cuộc thi quốc tế “Giải thưởng lớn về văn chương vùng Caluire et Cuire, Lyon, Pháp”. Trong đó, một số truyện như “Người đàn ông lý tưởng”, “Cơn bão”, “Ước gì đời là giấc mơ”… đã được các nhà văn Pháp đánh giá cao và xuất sắc giành giải thưởng đặc biệt cho nhà văn nước ngoài.
Hầu hết những truyện ngắn của Mỹ Ngọc được lấy chất liệu từ cuộc sống, viết về những con người bình thường… nhằm gửi đến mọi người một thông điệp rằng: Trong mọi may mắn có thể có rủi ro và ở đời không có điều gì tuyệt đối, cũng như không có ai hoàn hảo…
Khơi dậy niềm say mê ngoại ngữ của học sinh
Sau khi đoạt các giải thưởng, Mỹ Ngọc tâm sự, viết truyện ngắn là cách để cô khuyến khích học trò của mình rèn luyện thêm khả năng viết mà thôi. “Trong mỗi giờ dạy, tôi thường bắt buộc học sinh mỗi ngày phải viết được một câu, chưa nói hay dở thế nào nhưng phải đúng ngữ pháp. Đúng, đủ, logic là yêu cầu tối thiểu trong diễn đạt. Khác với tiếng Anh, tiếng Pháp không phải là ngôn ngữ thông dụng, học sinh không thể học ở bất cứ nơi nào, nên giáo viên buộc phải có những hình thức giúp học sinh rèn luyện nhiều hơn”, Mỹ Ngọc cho biết. Vì thế, sau khi viết xong mỗi truyện ngắn, Mỹ Ngọc thường đọc cho học sinh trong lớp nghe.
Với giải nhất cuộc thi truyện ngắn “Dix mots de la Rencontre” năm 2008, phần thưởng là chuyến du lịch ở Pháp đã giúp Mỹ Ngọc có thêm nhiều tư liệu quý giá để phục vụ quá trình giảng dạy học sinh. Cô cho biết, chẳng hạn như có những từ đã dùng nhiều lần, nhưng cô và trò không thể hình dung được, do không gần gũi trong thực tế, như: phúc bồn tử, hay công việc của người thợ đóng móng ngựa… Cô đều tìm cách lưu giữ hình ảnh để minh họa cho học sinh dễ hình dung và khắc sâu. Nhờ đó, giờ dạy của cô Ngọc càng có sức thu hút, làm dấy lên niềm say mê tiếng Pháp đối với những học sinh đang theo học ngôn ngữ này.
Dù đã đoạt một số giải thưởng về truyện ngắn ở các cuộc thi văn chương Pháp, nhưng chưa bao giờ Mỹ Ngọc nghĩ mình là một nhà văn. Với cô, đoạt giải thưởng ở các cuộc thi văn chương Pháp dành cho người nước ngoài là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời đi dạy của mình. Nhưng hơn tất cả, giải thưởng đã là sự khích lệ cho học trò của cô yêu thích thêm những giờ học tiếng Pháp. Qua đó, giúp các em hiểu rằng, khi học bất kỳ một ngôn ngữ nước ngoài nào thì cần phải tìm hiểu và yêu mến nền văn hóa của quốc gia đó mới học tốt được./.
Phương Chi