Có một giao dịch viên trong ngành bưu điện Đà Nẵng được tuyển dụng khi một chân đã bị cắt cụt. Người giao dịch viên đặc biệt này đã làm nên những điều kỳ diệu cho Tổ quốc và nổi bật về sự đảm đang, hiền dịu, khéo vun đắp tình yêu, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nỗi đau và nghị lực
Lê Thị Thu Hiền lớn lên trong một gia đình nghèo ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, ngày ngày vừa đi học, vừa tảo tần phụ giúp mẹ lo toan bao việc mưu sinh. Học hết THPT, Hiền thi đỗ vào Trường Công nhân Bưu điện II. Đến đầu năm 2000, khi Hiền mới nhận bằng tốt nghiệp thì bị tai nạn giao thông rất nặng. Thế là bao nhiêu gia tài, sản nghiệp, mẹ Hiền đã phải bán đi để cứu chữa con.
Sau một năm điều trị, các vết thương của Hiền mới lành, nhưng đôi chân không còn nguyên vẹn. Ngày Hiền ra viện, mẹ Hiền đón về mà nước mắt tuôn ròng! Nhìn đứa con gái bé bỏng, gầy rộc, ngồi run run trên xe lăn, chân phải đã bị cắt cụt đến tận bẹn, lòng mẹ Hiền đau như dao cắt! Càng thảm hơn là hai mẹ con đâu còn nhà ở để mà về! Từ đó, Hiền cùng mẹ đã đến ở nhờ nhà của cô Trương Thị Thủy ở cùng phường. Mẹ của Hiền phải đi nấu cơm thuê để kiếm tiền lo cho cuộc sống hai mẹ con và trang trải nợ nần.
Đắng cay, bất hạnh khôn cùng, nhưng những năm qua, Hiền đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực phấn đấu vươn lên. Hiền tiếp tục học vi tính, ngoại ngữ và miệt mài rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ, rồi xin đi làm cho một đại lý bưu điện tại phường nhà. Cô gái khuyết tật này hăng hái tham gia các hoạt động thể thao và đặc biệt say mê môn cầu lông trên xe lăn. Nhiều lúc ngã nhào, nhiều lần bong gân, rớm máu, đau ê ẩm cả người, nhưng lần nào Hiền cũng cố đứng lên, cắn răng chịu đau và kiên trì luyện tập.
Khả năng chơi cầu của Hiền ngày càng giỏi, được ngành thể dục thể thao Đà Nẵng chọn vào đội tuyển để đi tranh tài với các tỉnh, thành khác và đã đạt nhiều Huy chương Vàng tại các kỳ Đại hội thể thao Người khuyết tật toàn quốc. Đặc biệt, Hiền đã hai lần liên tiếp được đứng trên bục cao nhất tại đấu trường Pragames về nội dung cầu lông đơn nữ (2003 và 2005), góp phần làm vẻ vang nền thể thao nước nhà.
Niềm vui và hạnh phúc
Đến năm 2005, Hiền được Ban Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng tuyển dụng và trở thành Giao dịch viên tại Bưu điện Đà Nẵng II (quận Liên Chiểu). Hằng ngày, mẹ Hiền và bạn bè, đồng nghiệp thay nhau đưa đón Hiền đi làm. Hiền năng nổ, hòa đồng với mọi người, dù đi lại khó khăn nhưng chưa lúc nào trể nãi trong công việc. Mọi khách hàng làm việc với Hiền đều cảm thấy hài lòng và cảm mến cô giao dịch viên tận tình, chu đáo. Bạn bè, đồng nghiệp ai cũng quý mến Hiền bởi khả năng chuyên môn giỏi, tư chất thông minh, tháo vát và lối sống chan hoà, khiêm tốn.
Sau 8 năm ở nhờ nhà của chị Thủy, Hiền và mẹ đã làm được một ngôi nhà xây khang trang tại tổ 11 phường Hoà Khánh Bắc. Rồi một chàng trai cùng tuổi với Hiền đã đem lòng yêu thương cô gái khuyết tật mà giàu nghị lực và tài năng. Và một đám cưới nồng ấm được tổ chức. Vợ chồng Hiền đã có một bé trai, cuộc sống tuy chưa dư dả, nhưng tràn đầy hạnh phúc. Chồng Hiền, kỹ sư Đinh Ngọc Đại, khá điển trai, nhanh nhẹn và hết mực thương yêu vợ con.
Mặc dù không làm được những việc nặng nhọc, nhưng Hiền rất khéo chăm con, vận dụng tốt các kiến thức về nuôi con khỏe, dạy con ngoan, lại khéo giữ gìn ngọn lửa tình yêu sau hôn nhân, do đó, trong gia đình luôn đầy ắp tiếng cười giữa những con người luôn biết quan tâm giúp đỡ nhau. Con trai của vợ chồng Hiền đã gần 5 tuổi, rất hoạt bát, kháu khỉnh, thường được cô giáo khen là học sinh ngoan nhất trong lớp. Kỹ sư Đinh Ngọc Đại tâm sự: Mình đi làm ở nhiều nơi, tiếp xúc với biết bao cô gái trẻ trung, xinh đẹp, nhưng những lời nói dịu dàng, tính đảm đang, thùy mị và sự chăm lo chu đáo cho chồng con của vợ mình, đó là hình ảnh đẹp nhất trong lòng mình!
Được sự động viên, hỗ trợ của người chồng hiền từ, nhân hậu, Hiền tiếp tục tham gia các hoạt động thể thao và tiếp tục gặt hái nhiều thành tích tiêu biểu. Cuối năm 2011, Hiền đạt Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật toàn quốc và Huy chương Đồng tại đấu trường Pragames.
Chúng tôi gặp lại Hiền khi Hiền đang trong tâm trạng “niềm vui nhân đôi”, bởi vừa được UBND thành phố khen thưởng về thành tích thi đấu thể thao khu vực Đông Nam Á. Hiền vừa bế con, vừa hồ hởi nói: Có được niềm vui to lớn ấy là nhờ có mẹ và chồng em luôn quan tâm giúp đỡ và nhờ các cô chú lãnh đạo, anh chị em đồng nghiệp tận tình động viên, hỗ trợ. Trả lời câu hỏi lúc nào trong đời Hiền cảm thấy hạnh phúc nhất, cô gái khuyết tật mà đầy tài năng từ tốn nói: Đó là ba lần em được đứng trên bục giải thưởng, được nhìn thấy cờ Tổ quốc bay lên ở đấu trường Đông Nam Á. Cả ba lần, em đều thấy hạnh phúc tột cùng và nghẹn ngào cảm động đến trào nước mắt! Rồi Hiền quay sang nhìn mẹ, nhìn chồng và ôm cậu con trai vào lòng mà nói: Còn đây là hạnh phúc không có gì sánh được của đời em!
Bài và ảnh: MINH NGỌC