Sự thấu hiểu lẫn nhau, sự chấp nhận nhau và một cơ sở tài chính ổn định là ba điều kiện bạn không thể thiếu nếu muốn chính thức bước vào đời sống hôn nhân.
Đó là những chia sẻ của thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân. Chuyên gia tâm lý cho rằng hôn nhân là sự kết tinh của tình yêu, nhưng hôn nhân không phải là một cái đích mà là một hành trình với đầy đủ dư vị ngọt ngào, cay đắng. Bước vào đời sống hôn nhân tức là bạn đã chấp nhận bước vào một hành trình mới mẻ, đầy thách thức và cũng không kém phần thú vị, giống như thực hiện một chuyến ra khơi. Nếu ta càng chuẩn bị kỹ càng thì hành trình của chúng ta càng xuôi chèo mát mái, và chúng ta cũng biết ứng xử phù hợp nếu lỡ chẳng may gặp bão.
Và dưới đây là những hành trang không thể thiếu khi chuẩn bị "ra khơi", theo gợi ý của thạc sĩ Hồng Quân.
Việc đầu tiên bạn phải làm là hãy tự hỏi “việc ra khơi có thật sự cần thiết đối với mình?”. Nếu câu trả lời là “không” thì bạn hãy khoan kết hôn. Hãy cho mình thêm thời gian để chiêm nghiệm lại bản thân. Bởi trong xã hội ngày nay không hề hiếm những người tôn thờ sự tự do cá nhân, không thích đời sống hôn nhân, họ yêu chỉ để mà yêu, chứ không phải yêu là cưới.
Còn nếu câu trả lời là có, nghĩa là hôn nhân thật sự cần thiết đối với bạn thì hãy trả lời câu hỏi tiếp theo “Đã thật sự chín muồi để bạn tiến tới hôn nhân”?
Sự “chín muồi” bao hàm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chín muồi về tình cảm. Bạn hãy xem hai bạn đã thật sự hiểu nhau? Tất nhiên, chúng ta không thể nào hiểu người khác một cách trọn vẹn nhưng ít nhất, bạn cần phải hiểu những điều thiết thực, có liên quan chặt chẽ đến đời sống chung của hai người. Đây là yếu tố phải quan tâm hàng đầu trước khi bạn quyết định kết hôn bởi chỉ khi nào hai bạn tương đối hiểu nhau thì mới có thể song hành cùng nhau đi đến bến bờ hạnh phúc. Đừng nghĩ rằng cứ để cho thời gian sống chung với nhau sẽ giúp hai người hiểu nhau hơn mà hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ. Làm được như vậy, tức là bạn đã chuẩn bị một nền tảng vững chắc cho cuộc hôn nhân của mình. Điều quan trọng là sự hiểu biết lẫn nhau phải đến từ cả hai phía, xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi người. Những điều đó là:
– Định hướng tương lai. Người ấy dự định sắp xếp cuộc sống tương lai như thế nào? Dự định đó có phù hợp với bạn, hỗ trợ bạn hay đối lập với bạn? Nếu người ấy sẽ lập nghiệp ở thành phố trong khi bạn không thể thích nghi với nhịp sống của thành thị thì bạn phải suy nghĩ lại quyết định kết hôn của mình. Trong những trường hợp như vậy, cần phải có sự bàn bạc, trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất với nhau trước khi về sống chung một mái nhà.
– Quan niệm về con cái. Đây là vấn đề quan trọng trong hôn nhân. Bạn cần phải biết được người ấy mong đợi khi nào sẽ có con, có mấy đứa con và khoảng cách giữa các lần có con như thế nào? Quan điểm trong nuôi dạy con của người ấy ra sao. Đứa con có thể là sợi dây kéo bố mẹ lại gần nhau hơn, nhưng nuôi dạy con cũng có thể làm nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn trong gia đình. Khi biết được điều này bạn sẽ có sự chuẩn bị trước để sắp xếp cuộc sống. Cần phải mạnh dạn, thẳng thắn đề cập đến chuyện này và đi đến thống nhất trước khi chính thức thành vợ – chồng.
– Tính cách của người ấy. Để có được điều này, bạn cần phải có thời gian. Thời gian càng dài, sự tiếp xúc càng nhiều thì người ta càng bộc lộ rõ tính cách, bản chất của mình ra. Chắc chắn qua thời gian yêu nhau, bạn đã biết phần nào về người ấy. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những tình yêu sét đánh, kết hôn sau khi gặp mặt 2, 3 tháng thường có tỷ lệ ly dị cao nhất.
Trước khi kết hôn, bạn nên liên kết tất cả các sự kiện xảy ra giữa hai người lại để phác họa nên chân dung tâm lý của người ấy với những nét tính cách đặc trưng nhất. Làm được điều này sẽ giúp cho bạn có cách ứng xử hợp lý hơn khi hai người về chung nhà.
Hiểu nhau rồi, liệu bạn có sẵn sàng thỏa hiệp, dung hòa được với người ấy, liệu bạn có chấp nhận được những thiếu sót của nhau.
Mỗi người là một cá thể độc lập nên sự khác biệt là điều hiển nhiên. Trong thời gian yêu nhau, bạn nhìn qua "lăng kính màu hồng” nên sẽ khó thấy rõ những khuyết điểm, hạn chế của người kia. Sau kết hôn, thời gian hai người bên nhau sẽ nhiều hơn và mỗi người sẽ sống thật với con người của chính mình mà khi yêu nhau, vì một lý do nào đó nên đã không được bộc lộ ra.
Kết hôn rồi, bạn sẽ phát hiện ra những điều mà trước đây mình chưa từng biết về người ấy và chắc chắn rằng giữa hai người sẽ có nhiều sự khác biệt. Có những khác biệt rất nhỏ như người thì lấy kem đánh răng từ phía trên, người thì lấy kem đánh răng từ phía dưới tuýp, người thích ngủ lạnh, người thích ngủ ấm… nhưng cũng có một số khác biệt đến mức đối lập sẽ gây cảm giác khó chịu cho bạn. Trong những trường hợp như vậy, nếu không biết cách để dung hoà thì mâu thuẫn sẽ dễ xảy ra.
Tâm lý phổ biến của người trong cuộc là mong đợi sự thay đổi, điều chỉnh của bạn đời theo ý của mình mà ít khi chủ động điều chỉnh bản thân. Vì vậy, trước khi kết hôn, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý và tâm thế điều chỉnh bản thân cho phù hợp với đối tượng. Điều chỉnh ở đây không có nghĩa là biến chúng ta thành một người khác mà là sự thay đổi trong cách phân tích, nhìn nhận vấn đề từ cả hai phía để có được điểm chung trong cuộc sống vợ – chồng.
Bên cạnh yếu tố tinh thần, sự thấu hiểu và chấp nhận nhau thì yếu tố vật chất – sự ổn định về tài chính cũng rất quan trọng. Hôn nhân không phải là cuộc dạo chơi, thích thì đến, không thích thì bỏ. Chấp nhận kết hôn có nghĩa là bạn đã chấp nhận chia sẻ trách nhiệm và cả những gánh nặng về tài chính với người bạn đời. Sau kết hôn, bạn sẽ không còn nhận được sự chu cấp về tài chính của gia đình nữa mà sẽ phải tự bươn chải với cuộc sống của chính mình. Sẽ có vô số các khoản chi tiêu cho đời sống vợ chồng đòi hỏi bạn phải cùng gánh vác. Đó là chưa kể đến khi bạn có em bé, chi phí sẽ gia tăng một cách đáng kể.
Do vậy, để tài chính không trở thành nguyên nhân của những xung đột trong đời sống vợ – chồng thì cách tốt nhất, hai bạn phải ổn định về mặt tài chính trước khi kết hôn. Hãy cùng nhau dự liệu những khoản chi tiêu cho đời sống gia đình và hãy so sánh, đối chiếu với mức thu nhập của hai người để có phương án giải quyết phù hợp nhất.
(Theo xaluan.com)