Không vẽ đường, hươu vẫn tự chạy…
Tiến sĩ Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết “Ở Việt Nam, mặc dù những vụ bê bối liên quan đến tình dục không nhiều như ở Trung Quốc, Thái Lan … nhưng hiện tượng các thiếu nữ, nữ sinh tự quay cảnh riêng tư rối tung đưa lên mạng đã cho thấy sự thay đổi lớn của xã hội Việt Nam trong vấn đề tình dục”. Cũng theo TS Dương, hiện những thứ giáo điều, những lời khuyên như, đang là học sinh phải tập trung học, không được yêu, không được “ăn cơm trước kẻng”… nay đã không còn sức thuyết phục. Vì thực tế người lớn nói cứ nói, còn giới trẻ cứ … bỏ ngoài tai. Thậm chí khi xảy ra vụ “Vàng Anh”, một số học sinh còn thản nhiên cho đó là “chuyện nhỏ”.
Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) cho thấy: Thanh niên Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách nhằm thích ứng với môi trường kinh tế xã hội đang biến chuyển nhanh chóng. Một trong những thử thách đó là tình dục và sức khỏe sinh sản. Còn theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, 66,7% nam giới hiện nay chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân, nhưng lại có tới 69,7% bố mẹ cho rằng việc giáo dục giới tính không được nhắc đến trong gia đình vì lý do con còn nhỏ.
Trước thực tế, các thông tin về tình dục quá nhiều, nếu giới trẻ tiếp thu không có chọn lọc sẽ rất nguy hiểm. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Bố mẹ phải vào cuộc ?
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đồng Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội khẳng định: Hiện nay những chuẩn mực xã hội về tình dục so với thực tế cuộc sống đã quá khác. Lâu nay chúng ta vẫn khăng khăng đề cao sự trong trắng và trinh tiết, nhưng quan niệm này đã quá chật hẹp so với thực tế. Vì hiện nay, tình dục trước hôn nhân, tình dục ngoài gia đình khá phổ biến mà chúng ta cứ giữ quan niệm chỉ có tình dục trong hôn nhân (dù đây là quan niệm lý tưởng và tốt đẹp) thì có hợp thời nữa không?
Hệ thống giáo dục chính thống ở Việt Nam hiện cũng rất dè dặt khi nói đến vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục…Việc đưa giáo dục giới tính vào chương trình dạy từ lớp 5 đã khiến nhiều phụ huynh sợ hãi. Trong khi, đứa trẻ 3 tuổi đã biết mình được sinh từ đâu, vậy đưa giáo dục giới tính vào từ lớp 5 có sớm không? Tại sao lại sợ hãi và tiêm nhiễm vào đầu đứa trẻ từ tấm bé rằng tình dục là xấu xa, đáng xấu hổ? Hoặc khi con hỏi đến, phụ huynh nào cũng có thái độ căng thẳng và lãng tránh theo kiểu tròn trịa “con gà quả trứng”. Trong nhà trường, thầy cô cũng giãy nãy nghĩ rằng mình đang chuẩn bị nói điều xấu, làm vẩn đục tâm hồn trẻ.
Quan điểm tình dục chỉ nên nói ở chốn riêng tư, không nên luận bàn ở nơi công cộng vẫn tồn tại. Điều đáng nói là, chúng ta không thể hiện một cách nghiêm túc trong giáo dục, nhưng thực tế thực hành tình dục lại được phơi bày ở chốn công cộng – TS Khuất Thu Hồng phân tích. Theo TS Hồng, muốn hiệu quả, cần có sự giáo dục một cách hệ thống kiến thức về giới tính, tính dục và tình dục cho giới trẻ từ khi còn nhỏ, tùy thuộc vào từng lứa tuổi khác nhau sẽ cung cấp kiến thức phù hợp và thiết thực. Trách nhiệm này thuộc về cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cần có thái độ bình thường hóa nhưng không dung tục, coi đó như một trong những vấn đề bình thường của cuộc sống hàng ngày với thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm, không phải nói cho qua chuyện. Thực tế đã chứng minh, càng tù mù, khiến các bạn trẻ tự tò mò hiểu theo cách không mong muốn thì kết cục “gậy ông đập lưng ông ”là điều khó tránh.
Hà Minh
Menu