Ngày mới lấy chồng, cách đây hơn 10 năm, tôi 22 tuổi, quá khờ khạo và cũng rất ngoan hiền. Tôi đã thể hiện sự “Công, dung, ngôn, hạnh” của một người con dâu lớn để “làm gương” cho ba cậu em trai của chồng bằng việc ngay sau ngày cưới đã bỏ hết bao bộ quần áo kiểu cọ bông hoa mà thay vào đó là quần đen áo bà ba sẫm màu theo yêu cầu của ba mẹ chồng.
Tôi không được đi buôn đi bán như ngày trước mà chỉ ở nhà lo cơm nước và mọi chi tiêu đều do mẹ chồng “duyệt chi”. Ngay cả tiền để mua một gói băng vệ sinh cho mình tôi cũng không có. Ba chồng tôi, chồng tôi, hai người em trai đi làm đều đưa tiền cho mẹ chồng cất giữ. Đứa em trai út của chồng còn đi học.
Khi tôi có bầu sắp sinh thì ba mẹ chồng quyết định cho “ăn riêng” và che một mái chái đủ kê cái giường và chiếc bàn con dùng để nấu ăn. Thế nhưng ngay lúc “dầu sôi lửa bỏng” này chồng tôi lại mất việc làm! Ăn riêng, nghĩa là từ cái chén, đôi đũa tôi đều phải tự mua sắm. Nhưng tôi làm sao mua sắm được khi cái bụng è ạch, không một đồng vốn lận lưng? May sao những ngày “ở cữ” tôi được nhà chồng cho một bữa cơm, bữa còn lại có khi là ăn bắp cải luộc hoặc… nhịn. Chồng tôi bảo, anh bận… đi tìm việc làm, không lo cơm nước cho vợ được. Nhà hàng xóm cạnh bên làm nghề bào rau ghém, bắp chuối. Họ phải thức khuya dậy sớm nên hay nghe em bé nhà tôi khóc, họ sang thăm và phát hiện bà đẻ bị đói nên cứ cách ngày mang sang cho một chiếc bắp cải to.
Thật ra, tôi cũng đáng “tội” khi không được cha mẹ ruột chăm sóc lúc sinh nở. Vì cha mẹ không đồng ý cho tôi ưng anh, mà tôi vẫn cãi. Vậy là tôi thành kẻ bơ vơ, thiếu đói lúc sinh con. Ngày đó… vào mùa mưa, đứa con đầu lòng của tôi đã ra đời khi mẹ nó chỉ có đủ tiền mua 10 miếng tã vải. Chồng tôi “ngồi đồng” hết sáng tới chiều ở quán cà phê để “tìm việc làm”, tôi nhờ đứa cháu gọi anh là cậu sang quán kêu anh về giặt giúp mớ tã, anh hẹn. Anh hẹn mãi… rồi tôi phải lấy những bộ quần áo cũ kiểu cọ ngày xưa ra cắt tã cho bé cũng không đủ dùng. Vậy là tôi phải đi giặt tã cho con, bằng cách dùng hai chiếc que quơ qua quơ lại miếng tã trong thau nước. Chỗ nào sậm màu quá mới thò tay vào giặt. Cảm giác của người đàn bà ở cữ mới mấy ngày cộng với cơn mưa đang nhịp nhàng trút nước buốt lạnh đến tận đỉnh đầu mà mười mấy năm rồi tôi vẫn chưa quên được!
Sau khi con cứng cáp, tôi đi buôn bán dù chỉ là bán rau cải, hàng rong, đủ cơm rau qua ngày. Chồng tôi vẫn chưa chịu nhận việc làm. Việc thì không hợp sức, việc lại quá xa nhà, việc hợp sức, gần nhà thì anh bảo… nhìn cái mặt sếp là không ưa! Rất nhiều lần anh đi “tìm việc” về rất khuya, tôi nóng lòng đi tìm, nhưng cha chồng và hai em chồng đi làm về đã mệt, không thể đưa tôi đi. Tôi muốn nhờ một người em họ nhà chồng thì cha chồng bảo “Ở đâu có cái thói gái có chồng còn để đàn ông con trai khác chở? Muốn nhờ thì phải đến bàn thờ tổ tiên đốt nhang xin phép và lạy ba mẹ chồng mới được đi!”. Nóng lòng đi tìm chồng, lo ngại sự bất an nếu anh về khuya và uống say nên tôi đã làm theo lời cha mẹ chồng mà nước mắt tủi hận chảy ngược vào lòng. Lấy chồng để làm gì? Tôi đã làm gì sai để mọi người đối xử với tôi kỳ lạ vậy? Nhà chồng tôi nghèo, ăn nồi sáng lo nồi chiều nhưng họ bảo “nghèo cho sạch/rách cho thơm”. Cái “sạch”, cái “thơm” của họ là con dâu phải ngoan ngoãn và “Công, dung, ngôn, hạnh” như thế.
Ảnh: Phạm Lĩnh Sơn
Tôi đã giữ “Công, dung, ngôn, hạnh” bằng chính sự hiểu biết của mình và bằng mọi yêu cầu của nhà chồng nhưng rồi cuộc hôn nhân cũng không tròn vẹn, vì nó là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để xác lập một mái ấm. Tôi đã lầm khi nghĩ rằng mình đủ “Công, dung, ngôn, hạnh” là sẽ được hạnh phúc. Để làm gì khi người đồng hành không biết thế nào là “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”? Anh ta chỉ là một người ba mươi năm bám vào mẹ. Làm chồng, làm cha rồi nhưng chưa chịu “lớn”. Gặp khó khăn trong cuộc sống anh luôn đổ thừa tại, bị, vì… nọ kia. Bản thân anh ta không bao giờ có lỗi cũng như có trách nhiệm nào trong cuộc sống của vợ con. Vậy một người vợ dù đủ trăm lần “Công, dung, ngôn, hạnh” nhưng người chồng không hề có “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” thì làm sao cuộc sống gia đình được vuông tròn?
HOÀNG PHƯƠNG