Đợi
Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy nay còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em
Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt còn anh đứng mãi đây.
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ
Nước chảy…Kìa em, anh đợi em
Vũ Quần Phương
Nguyễn Tuân đã có lần định nghĩa về thơ thật đơn giản mà sâu sắc: “Thơ là mở ra một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị phong kín” (1). Bài thơ của Vũ Quần Phương trên đây cònphong kín được điều gì? Chuyện đợi chờ đã từng có một vọng phu hoá đá trong dân gian, một núi tương tư của thi sĩ miền sông Đà núi Tản; chưa kể ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, thi sĩ chân quê Nguyễn Bính và nhiều người viết nữa về sau, hỏi còn gì để nói – dù chỉ là một cách nói – cho lạ đi?!
Bài thơ là cuộc đối thoại, đúng hơn một độc thoại, của Anh nói với Em; rồi thì chân cầu nước chảy, màn đêm buông xuống, lòng anh quay quắt nhớ mong em…Chuyện ấy trong thơ, trong đời đâu còn lạ nữa! Nhưng nếu chỉ có thế thì tại sao mỗi lần đọc bài thơ này, nghe bài hát (phổ nhạc) này lòng người day dứt không yên?! Day dứt vì một chân tình, đã hẳn, mà còn day dứt vì có một chân trời của thơ mà ta chưa bước tới. Phía ấy bị che chắn kỹ đến mức không thể tìm thấy lối vào! Thôi đành, bẻ lau vạch cỏ tìm đi (2)…
Chỗ đứng của nhân vật trữ tình tưởng như rõ rồi – Anh đứng trên cầu – ba lần lặp lại đầu mỗi khổ thơ. Không hẳn đó là nơi thanh vắng hẹn hò trong yêu, chuyện cũ rồi. Hình như đây là địa điểm, là cột mốc cuối cùng để vượt qua hay không vượt qua, là hạn cuối cùng của sự chọn lựa và quyết định. Điều ấy sẽ rõ hơn khi ta chú ý đến tầm nhìn, đúng hơn là cái tâm nhìn, của anh.
Là hóng phía em ư?! Đợi đến nghi ngờ: Em đến? Em không đến? Mà khả năng không đến là hoàn toàn có thật, chỉ có em là không có thật mà thôi. Nhưng tôi cho rằng, anh nhìn em, trông em đến chỉ bằng…nửa con mắt. Còn con mắt đăm đăm, đau đáu anh nghiêng về phía hành vân lưu thuỷ kia! Bạn hãy đọc lại bài thơ. Nước chảy là hình tượng thơ được lặp lại như một giai điệu xốn xang kỳ lạ, như một ám ảnh:
– Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy nay còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em
Nước chảy…Kìa em, anh đợi em.
Nước chảy xiết cả không gian, xói lở cả thời gian, tha thiết giữa lòng người. Hối hả và không kịp nữa rồi. Cuộc đời biến động khôn lường, nào ai tắm hai lần trên một dòng sông, đã hẳn; nhưng giây phút này đây, là muộn mất rồi, là không – thể – đợi – chờ – được – nữa! Trời ơi, còn nắng, nhưng đã nắng hạ sắp tàn trong nỗ lực cuối cùng soi chiếu – nắng soi bên ấy lại bên này – để rồi tắt lịm, và heo may đời người đang đến…Khổ cuối bài thơ ngỡ như một hoá đá tương tư:
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ
Nước chảy…Kìa em, anh đợi em.
Không, không phải là lời thề hứa thuỷ chung mà đúng hơn là sự chối từ: em quen thành lạ! Em đã không đến, mãi mãi không đến. Em là không có thật, mãi mãi không có thật. Bi kịch đời anh là tin vào ngày em đến, tin mãnh liệt, tin có căn cứ, niềm tin không ngây thơ. Vậy mà…
Thế là, Đợi mà thực chất là không đợi nữa; là sự chuyển hoá một thề nguyền. Đấy cũng là một khía cạnh thuỷ chung phút giây thức ngộ, đốn ngộ như kiểu một công án thiền. Vẻ đẹp của bài thơ là chỗ ẩn giấu trong vỏ bọc lòng yêu như lửa đỏ – mà bên ngoài vẫn cứ trắng như không (3).
Bạn hãy đọc bài thơ, trong thời khắc này, theo một cách nào đó riêng của bạn chăng?!
N.M.H