Không ít bậc cha mẹ trẻ thở dài: “Giờ có một, hai đứa con mà coi ra việc dạy dỗ còn khó gấp mấy lần hồi ba má mình có cả chục đứa”…
Kẻ thả tay, người bỏ việc vì con
Chiếc máy vi tính để trên phòng con trai chị T đã được chuyển xuống vị trí ngay giữa nhà và cho online (kết nối mạng-P.V) “thả cửa”. Nhiều người thắc mắc, nhưng rồi cũng tỏ ra đồng cảm với cách thay đổi này của chị.
Trước đây, có máy vi tính trong phòng, con chị T dồn cả sức khoẻ, tinh thần vào game. Thấy vậy, chị cất máy vào thùng đóng kín coi như cấm chơi. Nhưng suốt thời gian dài sau đó, sức học của cu cậu vẫn không có dấu hiện tiến triển. Tâm trí cậu vẫn để đâu đâu. Sau nhiều lần tính tới tính lui, vợ chồng chị lại gắn máy tính và để ở vị trí dễ quan sát nhất với lý do: “Thà cho con ngồi trong nhà chơi, mình nhìn thấy hằng ngày, còn hơn để nó trốn lớp ra tiệm internet. Tệ hại hơn, có khi con mình còn bị bọn xấu dụ dỗ vào các tệ nạn khác thì nguy”. Thêm vào đó, chồng chị T đành cắt giờ làm để canh thời gian đưa đón con trai cả các buổi học chính lẫn học phụ đạo. Anh nửa đùa, nửa ngao ngán: “Riêng chở đi học cũng hết trọn ngày”.
Một phụ huynh khác dù có con rất ngoan, nhưng mỗi khi con cắp cặp đến lớp, nỗi lo vẫn nơm nớp trong chị. Vị phụ huynh này cho hay: “Hôm trước cháu về nhà với vết trầy trên má. Nó nói bị ngã trên trường, nhưng qua bạn bè, tôi biết con bị một cháu cùng lớp đánh. Nghe đâu cậu bé này có sức đe nạt bạn bè dữ lắm”. Sau sự việc đó, gia đình chị chỉ biết im lặng theo dõi con từng ngày như một sự bảo vệ. Chị giải thích: “Doạ cậu bé ấy cũng không phải là cách tốt, báo nhà trường cũng sợ cậu trả đũa”.
Đánh đập hay cấm đoán; đâu là giải pháp hay?
Thường thì cha mẹ hay “nổi điên” khi phát hiện con hư hỏng. Có người dùng biện pháp cấm đoán như sự cách ly hoàn toàn với cái xấu: “Con không được theo đứa này”. “Con không được làm thế kia”. “Cấm mày chơi cái đó”…. Cũng có cha mẹ dạy con bằng cách đánh đập “cho nó chừa”.
Theo Thạc sỹ Bùi Văn Vân, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng: “Đánh quá, cấm quá có khi mất con. Vì khi bị trói buộc, trẻ sẽ tìm tới xu hướng tự thoát thân”. Trường hợp gia đình anh N là một minh chứng. Anh N thất thần đến nhờ chúng tôi cùng anh đi tìm hai đứa con (12 và 13 tuổi) đi khỏi nhà cả đêm chưa thấy về. Anh N tìm khắp các con đường, cửa hàng, siêu thị, khu vui chơi và cả đăng thông báo tìm trẻ lạc trong vô vọng. Khi thấy con, hỏi ra, anh mới giật mình: “Con đi chơi về muộn, có người doạ sẽ báo ba đập, con sợ quá nên không dám về nữa”. Hoá ra, lâu nay, nhưng cơn giận nóng nảy của ba mỗi khi con làm điều sai đã dẫn đến sự khiếp sợ âm thầm đến mức hai đứa trẻ phải trốn nhà.
Dạy con từ thưở nằm nôi
Thạc sỹ Tâm lý Bùi Văn Vân cho rằng: “Nhiều người lầm tưởng con hư mới nháo nhào dạy dỗ. Giống như cơ thể, cần khám khi chưa thấy đau, chứ đợi đến lúc đau rồi mới chữa thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều”. Theo thầy Bùi Văn Vân, hai hạn chế lớn nhất trong việc giáo dục con cái hiện nay là cha mẹ thiếu kiến thức sư phạm giáo dục gia đình và quan tâm con không đúng cách. Trẻ con cần được giáo dục ngay từ thưở còn nằm nôi bằng lời ru, câu chuyện. Đến khi bé lớn hơn, cha mẹ sẽ gửi gắm những lời khuyên răn qua những buổi cùng học, cùng chơi với con. Nhiều người lầm tưởng cho học hành, cho mặc đẹp, chăm con lớn từng ngày đã là đủ. Thực tế, cha mẹ chưa làm hết chức năng của mình là “hiểu” con. Làm bạn để nắm bắt tâm lý trẻ sẽ giúp cha mẹ hiểu con đang lớn như thế nào và dạy con lúc nào.
Khi con đã hư, cha mẹ cần kiên trì giáo dục lại. Thầy Bùi Văn Vân cho rằng việc này đòi hỏi công sức rất nhiều, cũng giống như đã bắt trúng bệnh, cắt đúng thuốc nhưng quan trọng là kiên trì chữa trị mới khỏi. Thêm vào đó, với một số gia đình, chuyện công khai con hư là điều không nên. Vì vậy họ “đóng cửa trong nhà nói nhau nghe”. Thầy Vân cho biết: “Phụ huynh cần hình thành vòng-bạn-bè để nhận sự hỗ trợ. Ngoài bạn xấu, trẻ còn có những đối tượng bạn khác. Nên kêu gọi sự giúp sức của các bạn bè cùng trang lứa”. Việc này cũng hữu ích đối với trường hợp trẻ ngoan nhưng bị bạn xấu tác động. Thêm vào đó, thay vì cấm, cha mẹ nên tìm việc thay thế để bù vào sở thích không lành mạnh của trẻ.
Khác với các thể chế giáo dục khác, lợi thế của giáo dục gia đình là thực hiện trên nền tảng của tình yêu thương máu mủ ruột rà. Vì vậy, việc dạy dỗ con cái trước sau vẫn phải xây dựng trên tình thương, sự bình tĩnh và kiên trì của các bậc cha mẹ./.
Thu Hoa