Hỏi: Cứ mỗi dịp Tết, tôi và những người hàng xóm thường tụ tập chơi bài. Chúng tôi chỉ chơi vui vẻ và mỗi ván chỉ 5.000 đồng. Như vậy chúng tôi có phạm tội đánh bạc không?
Trả lời:
Điểm 1, Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/ 2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa ánNhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 (BLHS) quy định: “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có một trong các điều kiện sau: Được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; đã bị kết án về “Tội đánh bạc” nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc.
Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định: “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”
Như vậy, tiền mang theo của người chơi bạc (kể cả chưa sử dụng) nhưng các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có đủ căn cứ xác định sẽ được dùng để đánh bạc thì vẫn được coi là tang vật vụ án. Để xác định tiền mang theo người sẽ được dùng để đánh bạc hay không, các cơ quan tố tụng thường căn cứ lời khai của các nhân chứng, của các đồng phạm và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ.
Các hành vi chơi số đề, cá độ bóng đá, tá lả, 3 cây, xóc đĩa… nếu được thua bằng tiền hoặc hiện vật thì đều bị coi là đánh bạc. Ví dụ, một người chơi một số đề với số tiền 30.000 đồng (nhưng trúng thưởng 2,1 triệu đồng) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, một người chơi một số đề với số tiền 1.999.000 đồng nhưng không trúng thì không phạm tội đánh bạc nhưng có thể bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc trái phép.
Mặc dù bạn và một số người chỉ đánh bài mỗi ván ăn thua chỉ 5.000 đồng nhưng nếu tổng số tiền dùng để đánh bạc có giá trị từ 2 triệu trở lên, hoặc người tham gia đánh bạc đã bị kết án về tội đánh bạc nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hành vi vẫn cấu thành “Tội đánh bạc” theo Điều 248 BLHS.