Bắt gặp những người phụ nữ lăn tay vào các hồ sơ vay vốn, tự nhiên trong chị chợt thoáng suy nghĩ: "Đã ở thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn những người lăn tay như thế này? Phải làm một điều gì đó cho họ". Thế là chị Nguyễn Thị Ân, Chủ tịch Hội LHPN P. Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) quyết tâm bắt tay xây dựng một lớp học xóa mù chữ duy trì được 3 năm nay.
Chị Nguyễn Thị Ân.
“Để có được lớp học xóa mù đó là cả tâm huyết của tôi"-chị Ân bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi. Chị bảo những ngày đầu đi khảo sát, rất hiếm người "công nhận" là mình mù chữ. Lân la mãi mới tìm ra được ở khu vực Chơn Tâm 1A, 1B có 2 trường hợp bị tái mù chữ và khu vực Đà Sơn, Khánh Sơn có 7 trường hợp mù chữ. Và lúc đó chị khao khát xây dựng một lớp học xóa mù nhằm phổ cập cho các chị em biết được con chữ. Tuy nhiên, lúc đầu thực sự rất khó khăn để vận động các chị em đến lớp vì hầu hết đều mặc cảm, rồi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, con nhỏ không ai trông và đặc biệt là đi học sau khi đi làm về rất mệt mỏi. Thế nhưng chị vẫn quyết tâm tìm cách vận động, thuyết phục khi đưa ra các lợi ích thiết thực như "biết chữ để đọc tên đường phố mà đi; đặc biệt là khi con cái học hành cũng tự tin khi biết con mình đang học cái gì, đã chuẩn bị bài vở đến đâu…". Cả việc "làm căng" không cho chị em không biết chữ vay vốn bởi vì không biết chữ thì làm sao mà ký, rồi vốn liếng lấy về không biết tính toán thì cũng mắc nợ cả… Vậy là có được lớp học xóa mù!
"Thực sự thì cũng không suôn sẻ gì, có nhiều khi học viên vào lớp với tâm trạng bất an, tôi đã phải dừng lớp học lại để chia sẻ tâm trạng cùng học viên. Có học viên lượm rác trên bãi rác Khánh Sơn, cuốc phải bịch nylon chứa nước bẩn bắn vào mắt, thế là tôi phải chạy đi mua nước nhỏ mắt về nhỏ cho. Có học viên vào học sau khi chồng thượng cẳng tay hạ cẳng chân, nhưng tôi cùng các học viên khác động viên để họ vượt qua… Điều khó nhất của lớp học là phải duy trì, vì vậy, tôi phải dạy theo kiểu vừa học mà chơi, chơi mà học. Đáng mừng là tổng kết lớp học xóa mù cho các chị em đợt vừa rồi, cũng được nhiều ông chồng đồng tình vì cách xử sự mới của vợ, trở nên ôn hòa, cuộc sống gia đình trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều"-chị Ân bộc bạch. Phần nhiều giờ học của lớp không chạy theo giáo án của trung tâm giáo dục thường xuyên mà mục đích chính là để các học viên có được sự tự tin, có được cách đối nhân xử thế với gia đình, đặc biệt là biết cách chăm sóc bản thân. Tuy vậy, vừa qua lớp học không thể tiếp tục được vì một số học viên có thai, một số học viên khác do mặc cảm. "Và cũng một phần là do bản thân tôi phải quán xuyến quá nhiều công việc trong công tác hội nên không thể tiếp tục được"-chị Ân thật thà thú nhận. Tuy vậy lớp học xóa mù của chị Ân đã giúp cho nhiều phụ nữ trong phường sáng ra rất nhiều.
Lớp học xóa mù cho chị em phụ nữ P.Hòa Khánh Nam do chị Ân tổ chức.
Vừa lo công tác hội với đủ thứ bà rằn, vừa lo lớp xóa mù, chị Ân còn cùng một số chị em trong Hội tổ chức lớp dạy nghề miễn phí với các môn học như: tập chăm sóc người già, trẻ em, nấu ăn, chế biến các loại nước uống, dọn vệ sinh nhà cửa và các kiến thức khi sử dụng điện, gas an toàn trong gia đình cho 30 học viên phụ nữ nghèo theo tiêu chuẩn của Sở LĐ-TB&XH. Lớp học được đánh giá rất tốt khi số lượng học viên tham gia tích cực, 70% học viên học chuyên cần và cấp chứng chỉ học nghề cho 27 học viên. Dự kiến, trong tháng 3 này, Hội LHPN P. Hòa Khánh Nam sẽ tổ chức một lớp học trang điểm và một lớp may công nghiệp cho các chị em nghèo… "Tôi chỉ còn làm một thời gian ngắn nữa là về hưu, vì vậy, đây cũng chính là điều tôi trăn trở và mong mỏi người kế nhiệm tôi có thể tiếp tục công tác này thực sự tâm huyết để mang lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt là chị em phụ nữ trên địa bàn mới mong giúp chị em phụ nữ thoát nghèo thực sự bền vững, giúp cho họ không gặp vấn đề vì bạo lực gia đình thông qua những trao đổi, tâm sự cùng họ"-chị Ân nói đầy tâm huyết.
Nguồn: CADN