Người ta thường nói “con hư tại mẹ” nhưng không ít đứa trẻ ngỗ ngược, hỗn hào là do sự cưng chiều thái quá của ông bà và người thân.
Chồng là con trai một mà mãi đến năm 35 tuổi mới lập gia đình nên dâu con như chị Thu Ngân (Q. Tân Bình- TPHCM) biết chắc là phải sớm sinh cho nhà chồng cháu đích tôn nhưng… đâu phải muốn là có được!
Cưng chiều quá đáng
Sau cưới mới một tháng, chị Ngân đã phải nghe mẹ chồng nhắc nhở, nào là “Sinh con để nối dõi tông đường”, rồi “Năm con heo vàng, phải sinh cho ông bà thằng cháu trai đích tôn”… Thật may mắn cho chị Ngân, khoảng hai năm sau, ước mong của ông bà và cũng là của chị được toại nguyện.
Từ ngày có cháu, mẹ chồng chị sao nhãng việc sinh hoạt câu lạc bộ dưỡng sinh, chỉ mải ở nhà chăm lo cu Bin. Mỗi khi nghe cháu khóc, bà lại la lên: “Ai làm gì cháu? Đã bảo trẻ con khóc nhiều sẽ kém thông minh, cứ chọc cho nó khóc, là sao?”. Cứ kiểu ấy, chỉ đôi ba tháng, nhà chị Ngân lại đổi người giúp việc vì Bin có vài vết muỗi cắn hoặc bị ói khi ăn hay leo trèo té ngã… Không chỉ ông bà cưng chiều, các cô của Bin suốt ngày thi nhau ẵm bồng cháu. Bin mà bị bố mẹ la là các cô lại xúm vào bênh chằm chặp.
Bin như “ông tướng” trong nhà, được mọi người ra sức phục dịch và chiều ý, hễ vòi vĩnh gì là có ngay. Trong phòng Bin, chỉ đồ chơi thôi cũng đủ để mở một cửa hàng. Nhiều khi biết đòi hỏi của Bin là hơi quá đáng nhưng bà nội vẫn đáp ứng. Tuần trước, đi Thảo Cầm Viên chơi, thấy con két màu sắc sặc sỡ, Bin khóc đòi bằng được. Thế là bà nội liền gọi điện hết người quen để hỏi mua két. Chị Ngân vội can ngăn bởi trước giờ, nhà có ai biết chăm sóc chim cảnh gì đâu nhưng mẹ chồng chị vẫn bảo: “Coi sách báo thì biết thôi. Người ta nuôi được thì mình nuôi được, đó chẳng lẽ để cháu khóc mãi rồi bệnh?”. Cuối cùng, bà cũng mua được con két nhưng Bin chỉ hồ hởi với thú cưng dăm ngày rồi quên luôn nó!
Cháu vàng, cháu bạc
Thấy ông bà cưng chiều quá mức, sợ Bin hư nên chị Ngân hết lời năn nỉ mẹ chồng cho phép “dạy con từ thuở còn thơ” nhưng bà lại cho rằng chị muốn ly gián tình cảm bà cháu nên càng “hậu thuẫn” Bin khiến cu cậu ngày thêm lì lợm. Khi không vừa ý là Bin gào thét, ném hết đồ đạc, có khi còn cào cấu, trầy cả mặt người giúp việc…
Riết rồi ngay cả mẹ, Bin cũng chẳng sợ. Có buổi tối, Bin đói bụng đòi phở nhưng chị Ngân chỉ mua được cháo. Chị vừa đặt tô cháo trước mặt con, Bin liền gạt đổ xuống đất. Giận quá, chị xách chổi lông gà vừa quất vào mông Bin vừa răn: “Sao con hất đổ cháo? Có biết làm vậy là hỗn lắm không?”. Nghe tiếng Bin khóc rân, bà nội vội lao đến can, vừa giằng cây roi vừa mắng con dâu tội đánh con. Được nước, Bin đả đớt mắng và cầm cây đũa dứ dứ về phía mẹ. Thế mà bà còn nói vuốt Bin: “Ai đánh cháu vàng, cháu bạc của nội là chết với bà”. Chị Ngân chào thua trước những chiều chuộng quá mức ấy.
Vòi vĩnh độc chiêu
Còn chị Ngọc Mai (huyện Củ Chi-TPHCM), do đi làm ở xa, ở nhà thuê mướn, không có điều kiện nuôi con, chị phải gửi con trai 4 tuổi về Bình Thuận cho bà ngoại nuôi giúp. Sau một thời gian cuộc sống khá ổn định, vợ chồng chị đón con lên và phát hoảng vì những kiểu vòi vĩnh có một không hai của con. Suốt đêm, con bé cứ khóc i ỉ. Tưởng con bệnh, vợ chồng chị lo lắm, hỏi thì con bé khóc to lên và nói: “Con không ngủ với quạt này đâu. Con muốn quạt giấy!”. Rút quạt điện ra, hàng giờ phe phẩy quạt tay, chị Mai ngỡ con sẽ ngon giấc, ai dè con bé trở chứng đòi chị bế và lắc lư mới chịu ngủ. Đã vậy, con bé không chịu đi tiểu tiện ở nhà vệ sinh mà đòi phải ngồi bô…
Chỉ hai đêm bị con quấy, vợ chồng chị Mai thâm quầng mắt vì mất ngủ. Điện thoại về cho ông bà ngoại, chị Mai mới biết rõ mọi việc. Thì ra ở nhà ông bà và các dì quá cưng chiều cháu phải xa mẹ, luôn đáp ứng mọi yêu sách của nên con bé ngày càng được đằng chân lân đằng đầu…/.
(Theo Người Lao Động)