Chị làm vợ anh đã gần hai mươi năm. Không phải người vô tâm, hời hợt nhưng chị chẳng bao giờ nghĩ phải làm thế nào để giữ chồng. Chị thương yêu anh vô điều kiện và hết lòng với chồng một cách tự nhiên như mẹ chị ngày xưa hết lòng với cha chị. Chị chẳng bao giờ so đo về tình yêu với chồng.
Chị nghĩ có lẽ anh cũng không bao giờ nghĩ đến việc giữ chị. Anh gia trưởng, quyết đoán nhiều việc lớn trong nhà. Gia trưởng nhưng anh biết lo, biết vai trò trụ cột của mình. Anh chí thú làm ăn, có trách nhiệm và rất thương con.
Anh không bao giờ nói thương vợ hay những lời có cánh khác. Nhưng cách anh từ chối những cuộc nhậu để về nhà ăn cơm chị nấu đủ để chị biết anh nghĩ đến chị nhiều như thế nào. Hay cách anh chưa kịp thay quần áo đã vội vào phụ chị nhặt rau khi chị than đau lưng đủ để chị biết anh rất quan tâm tới sức khỏe của chị. Anh rất ít nói. Anh không bao giờ nói gì nhưng cách anh sống hết lòng với vợ con còn hơn cả ngàn lời nói.
Ngày chị có bầu, anh đi chợ nấu ăn vì sợ chị té nơi con dốc đầu chợ và cũng để chị có thêm giờ nghỉ ngơi sau những giờ làm việc ở cơ quan. Là đàn ông nhưng anh biết đổi món để con trong bụng mẹ được khỏe mạnh. Chị sinh mổ, anh nấu cơm mang vô bệnh viện hai vợ chồng cùng ăn. Mỗi ngày anh dậy sớm giặt tã cho con, đi chợ, nấu ăn sáng cho chị rồi đi làm. Trưa anh tất tả từ cơ quan về nấu cơm, bế con cho chị ăn trước rồi vội ăn để kịp giờ đi làm. Khi ở nhà anh luôn dành cho con bú bình. Con khóc đêm anh luôn có mặt dỗ con phụ vợ…Chị sinh con mà anh gầy tọp đi. Ai ở cữ sợ chồng có nhân tình nhưng chị thì tuyệt nhiên không. “Có cho anh nằm cạnh hoa hậu cũng xin kiếu”. Anh nói thế trong một lần nói chuyện vui với vợ.
Chồng chị không thích màu mè hoa lá. Lễ tình nhân, sinh nhật vợ là những thứ anh chỉ nhớ khi còn đang yêu nhau. Gạo nấu thành cơm rồi là chẳng nhớ gì nữa. Anh quên hết. Nhưng mỗi chiều anh vẫn nhớ về nhà sau giờ làm để chơi với con, “lùa” con ra đường đá banh, rủ con chạy bộ để vận động. Một mái đầu chớm bạc chạy lúp xúp đằng sau để được thua hai mái đầu xanh trông thật cảm động. Chị thấy mình chẳng cần gì những lời có cánh.
Có những ngày đi làm về trông anh rất mệt. Anh rủ con đá banh trong nhà. Bố ngồi làm trọng tài để “lén” con nghỉ ngơi và chỉ can thiệp khi hai chị em chí chóe thưa kiện. Con gái lớn khi mới biết chữ hay viết thư ra câu đố cho bố. Mê xem đá banh đến đâu anh vẫn vui vẻ vờ hẹn con: “Khó quá, để bố suy nghĩ bố trả lời sau”.
Chồng chị thương con nhưng cũng rất hiểu biết để dạy con. Con lớn đến đâu anh tập cho con tự lập đến đấy, không được lệ thuộc vào mẹ. Con gái lớn lúc hai tuổi ăn xong đã phải phụ mẹ xếp những chiếc ghế nhựa nhỏ chồng lên nhau. Cả hai chị em đều đươc bố dạy tự đánh răng, tự tắm rửa. Chủ nhật ở nhà, anh gọi con dậy ra đường chơi cho có ánh nắng. Ăn sáng xong một lát là hai chị em quét nhà cho bố lau nhà. Thỉnh thoảng tổng vệ sinh, anh lau dọn nhà, không quên phân công hai con đứa lau cửa đứa lau bàn ghế.
Chồng chị là người tốt. Anh gia trưởng nhưng tử tế, nghiêm túc và hết lòng với vợ con. Anh chỉ không thích nói, không thích màu mè hoa lá. Có lần, ông hàng xóm rót vào tai chị những lời có cánh trong lúc đi bộ buổi sáng, chị chỉ thấy buồn cười: sao người ta có thể sáo rỗng đến thế được? Chị nghĩ đến những ông chồng phải tìm cách giữ vợ, tìm cách tỏ ra quan tâm đến vợ như không quên sinh nhật vợ, lễ tình nhân, kỷ niệm ngày cưới…mà thấy buồn cười: “thường ngày ông ấy có tử tế với vợ không nhỉ?”
Chị nghĩ có lẽ đàn bà không cần gì cả. Chỉ cần các ông tử tế thôi thì có lẽ sẽ chẳng người vợ nào lạc lòng, lạc lối. Các ông hãy sống tử tế với vợ mỗi ngày không gò ép, không lên gân. Đó chính là cách giữ vợ hiệu quả nhất.
Chị nghĩ vậy.Thật lòng nghĩ vậy. Nếu không muốn mất nhau, hãy giữ nhau mỗi ngày. Giữ nhau tự nhiên như hít thở.
NHUNG TRẦN