Việc chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ các em trong lứa tuổi dậy thì có phần khác với việc nuôi dạy các em ở lứa tuổi trước đó.
Với lứa tuổi này, ngoài việc chăm lo bồi dưỡng cho các em về mặt vật chất như ăn đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giữ gìn vệ sinh thân thể, phòng tránh bệnh tật, cha mẹ và gia đình còn cần tạo điều kiện cho các em vui chơi, hoạt động thể thao, thể dục giúp phát triển tầm vóc, giành mọi thuận lợi cho các em về mặt học tập giúp các em tiếp thu đầy đủ các tri thức khoa học tự nhiên cũng như xã hội kể cả phong cách sống và ứng xử trong cuộc đời, tạo điều kiện cho các em phát triển đúng đắn về trí tuệ, tinh thần và tâm lý.
Để làm được như vậy, cha mẹ và gia đình cần:
– Luôn có thái độ tôn trọng các em, thường xuyên trao đổi bàn bạc với các em về mặt học tập, lao động, quy cách ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Giáo dục các em tình cảm cao thượng trong cuộc sống không gì tốt bằng chính tấm gương lao động, tình thương yêu và cách xử thế của người lớn với nhau trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Không nên dùng hình phạt, nhất là đánh đập hay lăng nhục các em vì sẽ không hiệu quả mà còn gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của các em.
– Luôn quan tâm đến quan hệ bạn bè của các em, đưa ra các lời khuyên thiết thực, biểu dương những mặt tốt, đáng khen ngợi của các em cũng như bạn bè các em; đồng thời cũng nói rõ với các em về những điều xấu mà chính các em hoặc bạn bè mắc phải để giúp các em tự phân tích và biết tự kiềm chế. Không nên khuyên bảo chung chung, giáo điều, cứng nhắc. Càng không nên buông xuôi cho các em muốn làm gì cũng được với lý lẽ “trăng đến rằm trăng tròn”.
– Ở tuổi dậy thì, các em gái cũng như trai đã có sự phát triển về mặt sinh lý, nên bố mẹ cần trao đổi, chuyện trò giúp các em hiểu biết đúng đắn về giới tính để các em tự biết cách ứng xử phù hợp và phòng tránh không mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có thai quá sớm. Với các em trai, người bố nên chủ động trao đổi, trò chuyện kiến thức về giới tính, tình dục để các em hiểu một cách cơ bản; ngược lại với các em gái thì vai trò người mẹ trong việc này là rất quan trọng và không ai có thể thay thế mình được.
Vẫn biết những điều nêu trên không phải dễ dàng gì khi giáo dục cho các em ở lứa tuổi dậy thì, nhiều khi chính bố mẹ và người lớn trong gia đình cũng không biết nên trao đổi và ứng xử với con em mình ở lứa tuổi này cho phù hợp. Tuy nhiên, nếu biết cách chúng ta sẽ có kỹ năng chăm sóc, giáo dục các em đúng đắn, hướng các em đến sự phát triển toàn diện cả về mặt thể chất, trí tuệ và tâm lý./.
(Hỏi đáp sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên- Bác sĩ Phó Đức Nhuận)