Đối với tôi mốc thời gian này vô cùng quan trọng, vì nó đánh dấu con gái tôi đã tròn 4 tuổi. Nhìn lại khoảng thời gian đã trải qua, từ ngày tôi còn bế con nhỏ xíu từ bệnh viện về nhà mà giờ đây con đã lớn gấp nhiều lần. Khoảng thời gian vừa qua quả là một thử thách không hề đơn giản đối với tôi cũng như cả gia đình.
Nuôi dạy con cái là một quá trình luôn đòi hỏi sự tận tâm và cầu thị của các bậc làm cha mẹ. Khi làm mẹ, chúng ta không chỉ cho con một cuộc sống mà còn cần phải dạy cho con biết mình sẽ phải sống như thế nào cho cuộc đời này. Đây cũng chính là khoảnh khắc chúng ta nhận ra cha mẹ mình đã thật tuyệt vời biết bao khi nuôi nấng và giáo dục chúng ta trưởng thành như hiện tại.
Mỗi năm khi tới sinh nhật con, tôi dành thời gian để nhìn lại 1 năm đã qua, xem những điều mình chưa làm được, những điều chưa tốt với con mà cần phải nghiêm túc xem xét. Cũng chính thời điểm này tôi đã nhận ra, chúng ta không chỉ dạy con mà chính con cũng đang dạy chúng ta biết bao điều quan trọng.
1. Trẻ con học từ các mối quan hệ xung quanh mình, và chúng ta chính là những ví dụ sinh động nhất
Từ lúc mang thai tới khi sinh con và những tháng ngày sau đó tôi đã học được rằng chúng tôi đang cùng tham gia một chuyến hành trình. Mọi người sẽ nhìn thấy tình cảm giữa mẹ và con tôi qua cách chúng tôi ứng xử với nhau. Con gái cũng biết rằng, nó hoàn toàn có thể dựa vào cha mẹ và tin tưởng rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ và hướng dẫn con đi đúng hướng. Bằng cách để cho con có khoảng trống đủ lớn để con tự khám phá và cha mẹ chỉ có mặt khi cần, con vẫn sẽ có đủ điều kiện để khám phá thế giới. Những kỹ năng này sẽ giúp con bắt đầu xây dựng mối quan hệ mới với giáo viên và bạn bè đồng thời thích nghi được với môi trường ở trường mầm non.
2. Sức mạnh đáng kinh ngạc khi nói lời xin lỗi
Giống như bất kỳ bà mẹ nào, tôi cũng có những khoảnh khắc sai lầm hoặc những hành động khiến tôi phải hối tiếc. Bất cứ khi nào điều này xảy ra, tôi luôn cố gắng tìm cách để nói lời xin lỗi.
Có một câu chuyện nho nhỏ, trong lúc chờ chuyến bay về nhà chúng tôi đã vô cùng mệt mỏi. Con gái vô tình đánh vào đầu tôi bằng một món đồ chơi và tôi đã rất khó chịu. Tôi đã nói với con về cảm xúc của mình nhưng sau đó tôi nhận ra rằng mình đã hơi gay gắt trong giọng nói. Tôi xin lỗi con vì đã hơi thái quá. Và tôi nhận được câu trả lời: “Không có gì mẹ ơi, chỉ cần mẹ đã xin lỗi là được rồi”.
Thừa nhận thất bại của chúng ta và tìm cơ hội để sửa chữa những điều làm tổn thương người khác là điều tốt lành nhất mà chúng ta có thể dạy cho trẻ. Nó là cách để thừa nhận việc chẳng có ai hoàn hảo, ai cũng có những thiếu sót và điều quan trọng là nhận ra thiếu sót đó rồi tìm cách khắc phục sửa chữa. Nó cũng là cách giúp xây dựng và kết nối các mối quan hệ bền chặt với nhau.
3. Đồng cảm là cách tốt nhất để dạy sự đồng cảm
Mẹ đã dạy tôi rằng cách tốt nhất để dạy về sự đồng cảm chính là thông qua sự đồng cảm. Không có hướng dẫn cụ thể nào về cách để dạy cho con cái chúng ta làm thế nào để chia sẻ cảm xúc khi có thể. Nhưng làm sao để áp dụng vào cuộc sống và lấy đó làm ví dụ cho con thì không phải điều đơn giản.
Bài học này con gái dạy tôi khi chúng tôi chuyển tới một ngôi nhà mới. Giống như bất kỳ phụ huynh nào, tôi muốn nói với con về sự thú vị của căn nhà mới, khu dân cư… nhưng đó chỉ là phản ánh cảm xúc của tôi chứ không phải của con.
Tôi đã học được rằng khi có sự thay đổi sẽ khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy lo lắng, và tôi cũng lo lắng về sự hòa nhập của con trong môi trường mới. Tôi cố gắng nói về những điều vui vẻ để trấn an bản thân mình, khi tôi nhận thấy cảm xúc của mình, tôi cũng sẽ có nhiều cách để tiếp cận với cảm xúc của con và giúp con cảm thấy thoải mái nhất khi nói lời tạm biệt với những điều thân thuộc sắp qua .
4. Con gái là thiên thần hộ mệnh của tôi
Mùa thu năm ngoái, con gái tôi bắt đầu tới trường mầm non. Chúng tôi đã dành cả mùa hè để chuẩn bị những kỹ năng và thói quen cần thiết cho con khi tới trường: chuyển sang ngủ riêng, điều chỉnh thời gian ngủ trưa… Ngày đầu tiên đến trường, tôi ôm con thật chặt và nhanh chóng nghĩ về 3 năm đã trôi qua, và giờ con đã không còn là một cô bé xíu xiu nữa. Tôi nắm tay con và để con ở cửa lớp. Bất chợt tôi nghĩ cần phải để con ở bên mình thêm một thời gian nữa, tôi không thể xa con như vậy được, tôi lo lắng con không thích nghi được với mối trường mới. Nhưng khi con nhìn thấy cô giáo và chủ động buông tay tôi, bước vào trong và không quay đầu nhìn lại. Tôi chỉ nhìn thấy khuôn mặt nhỏ của con từ cửa sổ. Tôi nhận ra rằng đã đến lúc tôi phải mạnh mẽ để con bước ra ngoài cuộc sống.
Theo Babycenter