Danh mục
Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông
Ngày đăng: 08:13:10 19/07/2022
Thuở xưa có đội quân Mông Cổ
Thiện chiến về cung nỏ, kỵ binh
Ào ào vó ngựa tiến nhanh
Vang tài chinh phạt, nổi danh hùng cường
Diệt Đại Lý, chiếm luôn Tây Hạ
Ngựa tung bờm từ Á sang Âu
Người Kim khiếp đảm cúi đầu
Quan quân người Tống nối nhau quy hàng…
Chúng hùng hổ tiến sang Đại Việt
Cho sứ qua giở thuyết dụ hàng1
Nhà Trần khí phách hiên ngang
Đã không khuất phục còn giam sứ thần
Quân Mông Cổ hung tàn bạo ngược
Đã tràn sang xâm lược nước ta (1258)
Vênh vang binh tướng tài ba
Huênh hoang thôn tính nước ta dễ dàng!
Cả nước Việt kiên cường kháng chiến
Vững vàng trên trận tuyến sông Hồng2
Chủ trương vườn trống nhà không3
Người người hưởng ứng, toàn dân đồng tình
Trần Thái Tông thân chinh ra trận4
Trực tiếp cầm quân chống ngoại xâm
Cấm quân cùng với sương quân5
Xông pha chặn giặc tại Bình Lệ Nguyên6
Buổi đầu bọn xâm lăng thắng thế
Tướng Lê Tần hiến kế sách hay
Không nên “dốc túi” trận này7
Hãy nên tạm lánh chờ ngày phản công
Quân ta rút về sông Thiên Mạc8
Chủ trương hay, binh lực bảo toàn
Binh lương chuẩn bị sẵn sàng
Đón chờ cơ hội đánh tan giặc thù
Chí bất khuất nghìn thu tỏa sáng
Lời Thái sư chói rạng muôn đời9
Đầu thần đây hễ chưa rơi
Ắt quân cướp nước tơi bời bại vong!
Giặc chiếm được Thăng Long nhanh chóng
Chóng ngấm đòn vườn trống nhà không
Ngày ngày cả đội quân đông
Tranh nhau cướp phá, muôn dân oán hờn
Trong lúc đã thiếu nguồn lương thực
Chúng vẫn còn hết sức chủ quan
Thắng mau nên lắm huênh hoang
Cho rằng ta đã kinh hoàng chạy xa (!)
Nắm chắc địch, quân ta lập tức
Cùng nhất tề hợp sức phản công
Bao vây, tập kích Thăng Long
Vang lừng chiến thắng tại Đông Bộ Đầu10
Giặc tan tác nháo nhào tháo chạy
Chạy cuống cuồng, thảm bại khắp nơi
Thổ quan Hà Bổng kịp thời11
Chặn đường đón đánh tơi bời giặc Mông.
Đất nước sạch bóng quân xâm lược
Vua tôi cùng khôi phục giang san
Chăm lo quốc thái dân an
Binh nhung thao luyện, triều cương vững bền
Trong khi đó, quân Mông nhanh chóng
Đánh chiếm luôn Nam Tống dễ dàng
Hình thành đế quốc Nguyên Mông
Đặt quyền thống trị cả vùng bao la
Quân giặc lại tràn qua biên giới
Lại mưu toan giày xéo nước Nam!
Ý đồ xâm lược cuồng ngông
Dã tâm cướp đoạt núi sông Hồng Bàng.
Lần thứ hai, quân dân Đại Việt
Lại kiên cường chống giặc Nguyên Mông (1285)
Hào hùng Hội nghị Diên Hồng
Tiếng hô “Quyết chiến” mãi còn vang ngân!
“Hịch tướng sĩ” ba quân ghi tạc12
Khắc lời thề “Sát Thát” vào tay13
Quốc công tiết chế đại tài14
“Binh thư yếu lược” kế hay như thần!
Biết rõ giặc “mượn đường diệt Quắc”15
Ta phục binh khắp các ngã đường
Đón đầu đánh chặn kiên cường
Bảo toàn lực lượng, dụ quân địch vào
Giặc hí hửng ào ào tràn đến
Ta kịp thời nhanh nhẹn lui binh
Chúng càng đắc thắng, ngông nghênh
Nhiều phen bị đánh trên sông Hồng Hà…
Ta dụng kế cầu hòa lừa địch16
Giặc càng thêm hách dịch huênh hoang
Thăng Long giặc chiếm dễ dàng
Cho nên vênh váo, chủ quan, khinh thường
Bao cảm phục tướng Trần Bình Trọng
Muôn đời còn vang vọng tiếng thơm
“Ta thà làm quỹ nước Nam…”17
Rạng danh tiết liệt, sáng gương trung thần
Tuổi trẻ tài cao Trần Quốc Toản18
Tự chiêu binh đánh bọn ngoại xâm
“Phá cường địch, báo hoàng ân”
Xông pha giết giặc, chiến công vang lừng
Vì Tổ quốc đâu màng phận gái
Sáng ngàn thu Công chúa An Tư19
Làm cho mờ mắt quân thù
Làm cho tướng giặc tối u tâm thần…
Quân ta đến Thiên Trường củng cố (nay thuộc tỉnh Nam Định)
Giặc lao đao khốn khó thiếu lương
Chiếm thành vườn trống nhà không
Khiến cho tướng lắm quân đông nhọc nhằn
Thành trống rỗng, đói ăn thiếu thuốc
Giặc hoang mang, sa sút tinh thần
Mỗi lần cướp bóc ngoại thành
Mỗi lần bị đánh tan tành thảm thê!
Từ phía Nam, Toa Đôvội vã20
Dẫn binh ra hỗ trợ Thoát Hoan
Quân ta chủ động sẵn sàng
Liên miên chặn đánh, giặc càng thua đau!...
Quan sát thấy thời cơ đã đến
Quốc công liền hạ lệnh phản công
Cửa Hàm Tử, bến Chương Dương
Hành binh mau lẹ, chiến công lẫy lừng
Ta đánh thắng tưng bừng liên tiếp
Tây Kết liền Vạn Kiếp, Thăng Long…
Giặc thù tán đởm kinh tâm
Cuống cuồng tháo chạy, tướng quân nháo nhào
Toa Đô bị chém đầu tại trận21
Ôi, còn đâu ảo mộng cuồng ngông!
Thoát Hoan phải rúc ống đồng22
Tránh tên mới chạy thoát thân về Tàu.
Hốt Tất Liệt thét gào cuồng nộ23
Lần thứ ba hùng hổ động binh
Nhao nhao chuẩn bị quân lương
Hằm hằm thủy bộ hai đường tràn sang (1287)
Những cay cú hai lần đại bại
Có nguyên nhân thiếu gạo đói ăn
Lần này bọn giặc Nguyên Mông
Cho đoàn thuyền lớn chở lương theo cùng…
Thuyền chiến giặc rần rần tiến trước
Ô Mã Nhi hò hét đốc binh
Thị hùng ngông ngáo tiến nhanh
Mưu toan nuốt chửng quân dân Hồng Bàng
Trần Khánh Dư chặn đoàn thuyền giặc24
Vừa rút lui đã bọc lại ngay
Tên Trương Văn Hổ nào hay25
Thuyền lương bị đánh chìm ngay giữa dòng!
Thuyền chiến giặc mải xông lên trước
Lao băng băng nào biết sự tình!
Đoàn thuyền lương đã tan tành
Thiếu ăn quân đói đành rành chẳng sai!
Tình thế lại giống hai lần trước
Giặc chiếm thành xơ xác trống không
Lại thêm dịch bệnh lây lan
Nguy cơ thất bại rõ ràng mười mươi!
Giữa lúc ấy khắp nơi phản kích
Giặc Nguyên Mông lớp chết lớp hàng
Tướng quân khiếp đảm kinh hoàng
Dưới sông trên bộ vội vàng rút quân
Trên đường bộ, Thoát Hoan hớt hải
Dẫn tàn binh tháo chạy cuống cuồng
Bị ta truy kích dập dồn
Giặc càng bạt vía kinh hồn bại vong!
Phạm Ngũ Lão lập công vang dội
Bày phục binh đánh tại Nội Bàng (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn)
Xác quân xâm lược ngổn ngang
Vụt bay ảo vọng, tiêu tan mộng cuồng.
Nơi sông nước Bạch Đằng sóng cuộn
Ta bủa giăng thế trận sẵn sàng
Đóng hàng ngàn chiếc cọc ngầm
Triều cường cọc ẩn dưới dòng nước sâu
Giặc trúng kế ào ào tràn tới
Nào biết đâu phía dưới: cọc ngầm!
Phục binh đồng loạt tấn công
Triều lui nhô cọc, cọc đâm thủng tàu
Quân mai phục bắn vào tới tấp
Bọn xâm lăng kinh khiếp, hãi hùng
Hàng trăm bè lửa cháy bùng26
Theo dòng nước chảy rùng rùng lao ra
Giặc cuống quýt gào la kinh hãi
Chới với trong biển lửa rừng tên
Nước sông hòa máu quân Nguyên
Chiến công hiển hách lưu truyền thiên thu
Tướng giặc Ô Mã Nhi bị bắt27 (1288)
Lũ tàn binh tan tác khắp nơi
Đội quân cướp nước tơi bời
Bạch Đằng cuộn sóng chôn vùi dã tâm.
Ba lần đánh Nguyên Mông thắng lợi
Nghìn muôn năm chói lọi sử vàng
“Đầu thần còn, xã tắc còn”28
Đời đời rạng rỡ nước non sơn hà
Trần Hưng Đạo tài ba mưu lược
Toàn quân dân Đại Việt anh hùng
Nhắc nhau tạc dạ ghi lòng
Ba lần chiến thắng Nguyên Mông lẫy lừng.
Nhà báo LÊ VĂN THƠM
*Chú thích:
1/ Vua Mông Cổ sai sứ sang nước ta dụ hàng. Nhà Trần chẳng những không khuất phục lại còn bắt giam 3 tên sứ giặc ngạo mạn.
2/ Nhà Trần bố trí tượng binh, kỵ binh và bộ binh bên bờ sông Hồng để ngăn chặn giặc. Trong đó, tượng binh dàn hàng ngang phía trước, bộ binh và kỵ binh phía sau, còn lực lượng thủy binh triển khai trên sông Hồng, sẵn sàng các phương án chống giữ và rút lui.
3/ Nhà Trần chủ trương trước khi rút quân, tổ chức cất giấu và di chuyển hết lương thực, kể cả các loại rau củ quả, thực phẩm, làm VƯỜN KHÔNG NHÀ TRỐNG nhằm triệt nguồn hậu cần tại chỗ đối với quân giặc.
4/ Vua Trần Thái Tông tự mình dẫn theo 6 đạo cấm quân (Thiên Thuộc, Thiên Chương, Thánh Dực, Chương Thánh, Thần Sách, Củng Thần) ra trận, trực tiếp đốc chiến chống quân Mông Cổ xâm lược.
5/ Cấm quân là quân của triều đình; sương quân là quân ở các địa phương.
6/ Bình Lệ Nguyên nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trận Bình Lệ Nguyên diễn ra ngày 17/1/1258.
7/ Hồi ấy, có những người khuyên Vua Trần Thái Tông dốc toàn lực ngăn chặn quân Mông Cổ, nhưng tướng Lê Tần ra sức can vua: "Bệ hạ không nên chỉ đánh một ván dốc túi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!". Theo kế của Lê Tần, Vua Trần Thái Tông đã cho quân rút lui, bảo toàn lực lượng để đánh lâu dài. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258, quân Mông Cổ chỉ chiếm đóng Thăng Long được 9 ngày.
8/ Sông Thiên Mạc là tên cổ của một đoạn sông Châu, nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Nam, là ranh giới tự nhiên giữa huyện Duy Tiên và huyện Lý Nhân. Đoạn sông này chạy theo hướng Đông – Tây, nối sông Hồng (ở phía đông) với sông Đáy (ở phía tây) và nối với sông Nhuệ ở phía Bắc.
9/ Tại Thiên Mạc, Vua Trần Thái Tông ngự thuyền đến gặp Thái sư Trần Thủ Độ hỏi về kế sách giữ nước, Trần Thủ Độ tâu xong và nói: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo!”
10/ Đông Bộ Đầu- nơi diễn ra trận đánh thắng quân Mông Cổ năm 1258 nằm ở cửa ngõ thành Thăng Long, nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.
11/ Hà Bổng – Tù trưởng, Trại chủ Quy Hóa, đã kịp thời tổ chức chặn đánh địch tại Quy Hóa. (Quy Hóa nay thuộc khu vực tiếp giáp tỉnh Lào Cai vàtỉnh Yên Bái).
12/ Trần Hưng Đạo viết “Hịch tướng sĩ”và “Binh thư yếu lược” trước khi quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai. “Hịch tướng sĩ” nguyên văn chữ Hán với đầu đề “Dụ chư tì tướng hịch văn”.
13/ Quân Nhà Trần xăm hai chữ Sát Thát (bằng chữ Hán 殺韃) vào cánh tay. Sát nghĩa là "giết", còn Thát chỉ người Mông Cổ nhằm thể hiện quyết tâm giết giặc ngoại xâm cứu nước.
14/ Trần Hưng Đạo giữ chức Quốc công tiết chế, gọi tắt là Quốc công, giống như TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI ngày nay.
15/ Thời Đông Chu Liệt Quốc, quân Tần mượn đường nước Ngu để đánh nước Quắc. Chiếm được nước Quắc rồi, quân Tần diệt luôn nước Ngu. Khi quân Nguyên Mông giở bài mượn đường Đại Việt để đánh Chiêm Thành, Nhà Trần biết ngay đó là kế “mượn đường diệt Quắc”.
16/ Trước thế giặc mạnh, Nhà Trần thực hiện kế cầu hòa nhằm làm giảm bước tiến quân của chúng, đồng thời có thêm thời gian lui quân bảo toàn lực lượng và tiến hành triệt để chủ trương vườn không nhà trống.
17/ Trong trận đánh chặn địch tại Đà Mạc (nay thuộc tỉnh Hà Nam), Trần Bình Trọng bị sa vào tay giặc. Biết ông là tướng tài, bọn giặc dụ dỗ đầu hàng sẽ được phong vương, Trần Bình Trọng hiên ngang đáp: “Ta thà làm quỹ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Giặc cay cú giết hại nhưng hết sức cảm phục.
18/ Trần Quốc Toản (1267- 1285) hiệu là Hoài Văn Hầu, có công tham gia kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và đã hy sinh anh dũng khi mới 18 tuổi. Tháng 10/1282, Vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than bàn kế chống quân Nguyên. Trần Quốc Toản còn ít tuổi, không được vào dự bàn, uất quá, tay cầm quả cam bóp nát lúc nào không biết. Sau đó, Trần Quốc Toản tự huy động, thành lập đội quân với hơn 1.000 gia nô và người thân, hăng hái tham gia đánh giặc Nguyên Mông. Ông sắm lá cờ thêu sáu chữ vàng:"Phá cường địch, báo hoàng ân" (đánh mạnh giặc, mạnh, đền ơn vua). Ông chỉ huy đội quân lập nhiều chiến công, mỗi khi ra trận thường hiên ngang xông lên trước quân sĩ.
19/ Công chúa An Tư (em út của Thượng hoàng Trần Thánh Tông) đã hy sinh phận hồng nhan, chấp nhận vào trại giặc phục vụ Thoát Hoan nhằm làm cho Thoát Hoan mê đắm và thực hiện kế sách cầu hòa của Nhà Trần. Có bản ghi: Trước thế mạnh của đối phương, cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng kế mỹ nhân, sai người dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để cầu hòa.
20/ Hồi ấy (năm 1285), tướng giặc Toa Đôđang chỉ huy gần 10 vạn quân đánh Chiêm Thành (phía nam nước Đại Việt), được lệnh vua Nguyên chuyển sang đánh Đại Việt.
21/ Trong trận Tây Kết (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) ngày 24/6/1285, quân Toa Đô bị đánh tan tác. Toa Đô bỏ chạy bị trúng tên chết và bị quân ta chém đầu.
22/ Bị ta truy đuổi, Thoát Hoan phải chui vào trong ống đồng để tránh tên của ta, quân lính khiêng hắn chạy thoát về Tàu.
23/ Hốt Tất Liệt là vua của Đế chế Nguyên Mông.
24/ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được giao chặn đánh, ngăn chặn thủy quân giặc tại khu vực Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).
25/ Trương Văn Hổ chỉ huy đoàn thuyền lương của giặc, tiến theo sau đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi. Ô Mã Nhi mải thúc quân truy đuổi quân ta tại khu vực Vân Đồn và theo sông Bạch Đằng tiến vào Vạn Kiếp để hội quân với Thoát Hoan. Trần Khánh Dư không chặn nổi quân Ô Mã Nhi nhưng đã kịp thời quay lại mai phục đánh tan đoàn thuyền lương của giặc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba.
26/ Các bè nứa chất đầy những chất dễ cháy từ vùng Tràng Kênh và các làng Do Lễ, Phục Lễ, Phả Lễ được các đội dân binh đốt cháy thả theo dòng nước lao nhanh vào đội hình thuyền giặc. Thuyền giặc vừa bị cọc gỗ đâm thủng lại vừa bị lửa đốt, bốc cháy ngùn ngụt.
27/ Ô Mã Nhi bị bắt trong trận Bạch Đằng lần thứ ba ngày 09/4/1288. Sau chiến thắng, Nhà Trần tha chết, cho trở về nước hàng vạn tù, hàng binh, nhưng không thể tha Ô Mã Nhi vì tên này đã gây nhiều tội ác dã man với nhân dân ta và đã thông thạo địa hình Đại Việt (để hắn sống sẽ rất nguy hiểm nếu quân Nguyên Mông lại tiếp tục xâm lược nước ta).
28/ Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285, lúc đầu thế giặc rất mạnh, quân ta phải rút lui nhiều nơi. Khi Vua Trần Nhân Tông hỏi Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo có nên hàng để cứu muôn dân hay không, Trần Hưng Đạo khẳng khái đáp: “Đầu thần còn, xã tắc còn! Xin bệ hạ yên lòng, đánh giữ thế nào thần đã trù tính cả rồi!”. Có bản ghi: Trần Hưng Đạo lui binh về Vạn Kiếp, Vua Trần Nhân Tông lo lắng hỏi: "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm đành chịu hàng để cứu muôn dân?". Trần Hưng Đạo trả lời: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng".
Các tin khác:
Trường ca Mùa thu Cách mạng 1945 - (08/08/2022)
Ba lần chiến thắng Bạch Đằng - (15/07/2022)
Cờ hồng bay cao - (22/05/2022)
Trường ca Chiến thắng Điện Biên Phủ - (04/05/2022)
Sáng mãi gương chết theo thành - (08/04/2022)
Phụ nữ cũng say mê học chữ Hán Nôm - (02/04/2022)
Sáng mãi ngọn lửa Hải Vân - (28/03/2022)
Khởi nghĩa Duy Tân - (24/03/2022)
Trường ca Đại thắng Mùa Xuân 1975 - (21/03/2022)
Thơ: Vòng tròn bất tử - (13/03/2022)
Thơ: Mẹ Nhu và Bảy Dũng sĩ Thanh Khê - (11/03/2022)
THƠ: Khởi nghĩa Bà Triệu - (08/03/2022)
THƠ: KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG - (07/03/2022)
THƠ: Tấm gương Thái Thị Bôi - (06/03/2022)
Lợi thế của người hướng nội - (07/10/2020)
Nguồn gốc của Áo dài Việt Nam (phần 1) - (11/09/2020)
Không phải sự nghiệp lẫy lừng, sở hữu 4 đặc quyền này mới là phụ nữ thành công - (16/06/2020)
Sáu cách ghi điểm trong bài thi nói TOEFL - (25/02/2020)
7 thói quen của người thành công vượt trội - (08/11/2017)
Hãy lưu ý 8 điều về phong thủy để rước tài lộc vào nhà! - (09/05/2016)
Văn chương mang gương mặt nữ - (12/06/2015)
Chuyện ở đời, đừng vội phán xét ai! - (29/05/2015)
Ứng xử nơi công cộng - (15/05/2015)
Trường Sa những ngày đầu giải phóng - (15/04/2015)
Hũ tiền tiết kiệm nhỏ và những giấc mơ lớn - (13/04/2015)
Từ trang phục và cách giao tiếp ứng xử nghĩ về vẻ đẹp hoàn thiện của người phụ nữ - (13/03/2015)
65 năm đời tôi có Đảng - (14/02/2015)
Tổ quốc nhìn từ biển - (25/07/2014)
Tản văn: “Hương trời tháng Tám” - (12/11/2013)
Hạnh phúc là gì - (06/11/2013)
Dặn con gái - (28/10/2013)
Dù thương chứ, ta thương người lắm chứ - (11/10/2013)
Hoa cúc - (03/10/2013)
Mùa thu đi qua - (28/09/2013)
Truyện ngắn 'Bàn tay mẹ' - (17/08/2013)
Đi qua thương nhớ - (16/08/2013)
Bên kia là nắng ấm - (15/08/2013)
Ghen - (12/08/2013)
Hai sắc hoa tigôn - (10/08/2013)
Những câu danh ngôn bất hủ về phụ nữ - (08/08/2013)
Bài thơ 'Đôi dép' - (08/08/2013)
Tự hát - (08/08/2013)
Quê hương - (08/08/2013)
Lá diêu bông - (08/08/2013)
Thơ vui về phái yếu - (08/08/2013)
Em vẫn đợi anh về - (08/08/2013)
Không ghen - (08/08/2013)
Nhớ mẹ - (08/08/2013)
'Hai chị em' của Vương Trọng - Tiếng vọng từ cõi thực - (08/08/2013)
Mẹ - (08/08/2013)
Bến hoa vàng - (07/08/2013)
Biển và em - (06/08/2013)
Góc nhớ - (05/08/2013)
Thức trong thương nhớ quê nhà - (05/08/2013)
Tình yêu mẹ cho con… - (04/08/2013)
Trầu cau trong văn hoá Việt - (03/08/2013)
Trong chiến tranh - (02/08/2013)
Con không phải là đứa con nhặt - (01/08/2013)
Chuyện của Mẹ - (01/08/2013)
Phép thử - (31/07/2013)
Bài thơ “ Mẹ dạy con ” - (30/07/2013)
Tôi yêu em - (30/07/2013)
Trái tim Trường Sơn - (29/07/2013)
Thôi đành… - (28/07/2013)
Lời mẹ - (25/07/2013)
Anh đi chợ - (21/07/2013)
Việt Truyện ngắn: Em phải về thôi - (20/07/2013)
Chùm thơ Ngắm Trăng - (12/07/2013)
Mẹ của anh - (08/07/2013)
Thơ tình cuối mùa thu - (07/07/2013)
Đến với bài thơ hay: Nước chảy bên lòng - (05/07/2013)
Vợ tôi - (01/07/2013)
Bình thơ: Đi ăn cưới vợ cũ - (20/06/2013)
Đợi - (20/06/2013)
Tản văn: Gió chiều cõng nắng qua sông - (18/06/2013)
Bàn tay em - (10/06/2013)
Biển, núi, em và sóng - (09/06/2013)


HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
VĂN BẢN MỚI
THI ĐUA - KHEN THƯỞNG
XEM LỊCH CÔNG TÁC





