Đình làng – mái chợ, đã gắn với tâm thức, tâm hồn người Việt từ thuở sơ khai. Nó là một nét văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn người Việt. Dù đi đâu, ở đâu, khi nhớ về quê hương, mỗi người đều nhớ về một kỷ niệm thời thơ ấu, nơi đó có những lần theo mẹ, theo chị đi chợ mua hàng…Có lẽ, nét văn hóa này đã ăn sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, nó làm cho tâm hồn ta đẹp, trong sáng, để khi ta lớn lên, đi xa, ta lại thấy thật đáng quý và trân trọng… Chợ truyền thống, nó sinh ra khi có loài người, vì đó là nhu cầu tất yếu của loài người, và nó sẽ tồn tại mãi mãi vì loài người lúc nào cũng cần tới nó. Chợ không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán đơn thuần, mà ở đó là hội tụ rất nhiều nét văn hóa, sinh hoạt của người dân. Như người xưa vẫn từng nói, muốn tìm hiểu về đời sống, thậm chí là văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến… chợ.
Đà Nẵng bây giờ đã là một thành phố văn minh hiện đại – đô thị loại 1 – thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng vẫn còn đó những ngôi chợ văn minh thân thiện, những ngôi chợ đã làm nên lịch sử, làm nên thương hiệu, và làm nên cả nét văn hóa riêng của người Đà Nẵng: Chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa… Thật đáng quý và đáng trân trọng.
Nhận thức được tầm quan trọng của nét văn hóa chợ ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa vùng miền, văn hóa của cả thành phố; đồng thời nhằm hưởng ứng “Năm văn hóa văn minh đô thị 2015” theo Chỉ thị 43 của BTV thành ủy Đà Nẵng, Hội Liên hiệp phụ nữ Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đã phát động phong trào “Môi trường xanh – quầy hàng sạch – cử chỉ đẹp” trong toàn thể gần 5.000 hội viên phụ nữ trên 4 chợ trực thuộc (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường).
Chưa bao giờ như thời điểm này, những thương nhân –chính là những hội viên phụ nữ, các chị ý thức một cách sâu sắc về sự cần thiết phải xây dựng một chợ truyền thống ngày càng văn minh hiện đại, trong đó yếu tố vệ sinh môi trường, kỹ năng trang trí quầy hàng và thái độ, cử chỉ bán hàng là cực cự kỳ quan trọng.
Với những lẽ đó, sau khi Hội LHPN Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng phát động phong trào “Môi trường xanh – quầy hàng sạch – cử chỉ đẹp”, toàn thể hội viên phụ nữ đã có những hoạt động hưởng ứng tích cực, rầm rộ, lan tỏa mạnh, bước đầu đã có những hiệu quả thiết thực nhất định. Chị em thi đua trồng và chăm sóc cây xanh, tổng dọn vệ sinh không gian và xung quanh chợ (định kỳ vào chiều thứ 6 và sáng chủ nhật hàng tuần), đặc biệt chị em phụ nữ trong chợ tham gia tích cực các Tổ tự quản vệ sinh môi trường nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường chợ và khu vực kinh doanh; chị em tự sắm giỏ rác (hoặc thùng rác) tại quầy; đổ rác thải, nước thải đúng nơi quy định để giữ gìn vệ sinh chung; không vứt rác thải bừa bãi; mỗi quầy hàng có giỏ rác hoăc thùng rác để đựng rác thải; Mỗi quầy hàng có bảng hiệu và trang trí bày bán hàng hóa đảm bảo khoa học, thẩm mỹ, phù hợp không gian chung, không lấn chiếm diện tích… Điều quan trọng là chị em hội viên ý thức cao trong việc kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng (tuyệt đối không có: hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP…), hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ; 100% hội viên phụ nữ là các thương nhân tại chợ ký cam kết bán hàng có niêm yết giá và bán theo gia niêm yết.
Để đáp ứng yêu cầu chung của thành phố nói riêng và Công ty nói chung, chị em phụ nữ các chợ càng có ý thức cao trong việc xây dựng cho mình một “cử chỉ đẹp”. Cử chỉ đẹp đối với chị em phụ nữ các chợ đơn giản là: Có thái độ và lời nói bán hàng thân thiện, văn hóa, lịch sự, vui lòng khác đến, vừa lòng khác đi; Tôn trọng chị em trong chợ; tôn trọng người thực thi nhiệm vụ Nhà nước; Chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước và các chủ trương, chương trình kế hoạch của Công ty; Tham gia đầy đủ các cuộc họp do Công ty, BQL và các hội đoàn thể tổ chức; Tích cực vận động chị em hội viên tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện; Không chèo kéo khách hàng; không mê tín khi bán mở hàng; Không có những lời nói thiếu văn hóa, thiếu lịch sự; không gây gỗ, cãi vã, chửi bới trong chợ. Không gây mất an ninh trật tự trong chợ; Không chơi biêu, hụi, đề, cờ bạc; không mê tín dị đoan; không tệ nạn xã hội.
Cử chỉ đẹp không chỉ dừng đó, chị em phụ nữ các chợ còn mặc đồng phục bán hàng trong những ngày lễ 08/3, 20/10 và các ngày lễ lớn của thành phố và đất nước: ngày 29/3, ngày 30/4; 01/5; 2/9; Tết… Trong những ngày qua, cùng cả thành phố Đà Nẵng hân hoan chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố, chị em phụ nữ chợ Cồn, chợ Hàn mặc đồng phục bán hàng trong không khí vui mừng phấn khởi, tự hào. Khi mang trên mình những chiếc áo đồng phục chị em phụ nữ trong chợ cảm thấy gần nhau hơn, đoàn kết hơn và đặc biệt ý thức cao hơn về thái độ phục vụ văn minh lịch sự.
Bên cạnh những hoạt động đó, Hội LHPN Công ty đã xây dựng một chương trình phát thanh riêng của Hội trên hệ thống loa phóng thanh chợ để tuyên truyền các hoạt động của Hội phụ nữ, tuyên truyền công tác xây dựng chợ VMTM, VSMT, VSATTP, các nội dung thực hiện “năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” và nêu gương các điển hình tiên tiến trong chợ…(01 tuần phát thanh 02 lần: vào 14h00 ngày thứ 3; phát lại vào lúc 14h00 ngày thứ 6)
Phong trào “Môi trường xanh – quầy hàng sạch – cử chỉ đẹp” của chị em phụ nữ Đà Nẵng mới chỉ là bước khởi đầu. Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy, BGĐ Sở Công Thương và Công ty cùng với sự nhiệt tình đồng lòng hưởng ứng của chị em hội viên phụ nữ – những tiểu thương kinh doanh tại chợ sẽ làm cho hoạt động tại các chợ ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn nữa, đảm bảo môi trường hoạt động kinh doanh ngày càng ổn định, hiệu quả, phát triển về mọi mặt, cùng chung tay xây dựng thương hiệu chợ truyền thống của thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, an toàn và luôn đẹp trong lòng mỗi du khách.
Và cái mà chị em phụ nữ chợ mong muốn đạt được nhất từ phong trào “Môi trường xanh – quầy hàng sạch – cử chỉ đẹp” đó là mãi luôn giữ vững và tiếp tục xây dựng bản sắc, nét đẹp văn hóa của hoạt động chợ truyền thống trong một xã hội văn minh hiện đại./.