Tôi đã nghe chuyện “Trăng nơi đáy giếng” của Nhà văn – cô Giáo Trần Thùy Mai từ lâu. Cũng nghe chuyện đã được chuyển thể thành phim cách đây mấy năm. Định bụng sẽ đọc và xem bộ phim này để hiểu thêm con người vừa thực vừa ảo mà các tác giả đã kết thành chuyện, rồi thành phim. Nhưng rồi, bao nhiêu nỗi lo toan cứ cuốn đi. Cho đến tối hôm qua, bật kệnh ANTG, hình ảnh cô gái mộc mạc trong áo bà ba, màu tím hoa cà tất bật đạp xe vào làng, lòng vòng, lòng vòng mãi mới đến ngôi nhà “rất Huế”. Chỉ nghe vài câu thoại của cô gái, mẹ chồng và người chồng, tôi đã nhận ra: “À, phim “Trăng nơi đáy giếng”! Vậy là cuốn theo câu chuyện của Hạnh – người phụ nữ – nhân vật chính trong phim.
Đã có một thời sống ở Huế, nên tôi có thể cảm nhận được một phần “chất Huế” trong những ngôi nhà tĩnh lặng mà đôi khi tôi cảm thấy tĩnh lặng đến se người ấy! Tôi đã đến một vài nhà người bạn ở Huế. Phải sè sẹ đi vào cửa hông, cúi mình qua gian nhà giữa; cầm chén đũa bê lên, đặt xuống mà nín thở để không để phát ra tiếng kêu; rồi là thưa chào nhỏ nhẹ chỉ đủ người đáng kính nghe…Chỉ những điều nho nhỏ đó thôi, đôi khi đã khiến một cô gái Quảng như tôi cũng cảm thấy…hơi bị gò bó. Vậy mà, bao cô gái Huế, trong đó có cô giáo tôi; có Hạnh – đã cam chịu cả cuộc đời không chỉ bởi những chuyện vụn vặt như tôi vừa kể…
Hình ảnh Hạnh không hề phản ứng trước những lời cay nghiệt của mẹ chồng; tất tả đi mua bún mỗi buổi sáng hầu hạ chồng – ngày nào cũng như ngày nào – bất kể nắng mưa – “những bữa trời mưa lâm thâm cô kéo chiếc nón che tô bún, quên cả che đầu”; hình ảnh Hạnh khéo léo gọt những củ khoai ngọt, dẻo nhất, hấp với lá dứa để chồng ăn lúc thức khuya đọc sách…thì chẳng có gì là lạ đối với nhiều phụ nữ Á Đông. Nhưng, việc một cô giáo Hạnh ở thời đại này mà vẫn còn đi tìm người đàn bà để sinh con cho gia đình chồng, “chỉ vì không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt” chồng; rồi tự viết đơn ly hôn để “hợp lý hóa” cho chồng giữ được uy tín, thể diện và chức Hiệu trưởng đang bên bờ vực; nhẫn nhịn người đàn bà của chồng; dặn dò vợ mới chăm sóc chồng như mình từng chăm sóc vô điều kiện để thể hiện tấm lòng yêu quên mình của Hạnh thì quả là lạ. Và còn, Hạnh dọn dẹp nhà mới cho chồng và vợ mới ra ở riêng để tránh tiếng cho chồng và mình không còn bi coi là vi phạm pháp luật vì sống như vợ chồng với chồng người khác thì thật là trớ trêu!
Và rồi, khi nửa cuộc đời ảo tưởng về tình yêu hoàn toàn sụp đổ; khi “cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng” thì người đàn bà ấy lại bẻ ngoặt cuộc đời mình qua một lối rẽ khác, nhưng có điều, lối rẽ ấy tối tăm hơn, ảo tưởng hơn! Từ tôn thờ ông chồng Phương bằng da bằng thịt, chuyển qua tôn thờ “ông chồng Hoàng” mũ áo xênh xang trên bàn thờ nghi ngút, trong ngôi nhà lạnh lẽo, ám ảnh những bóng ma! Hạnh lại phục dịch”ông chồng Hoàng” chẳng khác gì ông chồng bạc bẽo trong nửa cuộc đời trước. Cũng trà ướp sen, mua bún bò mỗi buổi sáng, thịt bò luôn nấu với hoa thiên lý, những dĩa ớt xanh với nước mắm sánh, thơm dù chỉ nhìn không ăn nhưng bữa nào cũng phải có…
Rũ bỏ ảo ảnh để đến với một ảo ảnh khác tồi tệ hơn, là thân phận của bao nhiêu người phụ nữ? Một người có học vấn như Hạnh mà còn cam chịu đến nhường ấy thì còn biết bao nhiêu người phụ nữ yếu thế hơn họ phải cam chịu đến nhường nào? Tại sao lại thế? Đến bao giờ những câu chuyện tương tự mới chấm dứt? Câu chuyện ấy chỉ có trong câu chuyện, chỉ có trong phim hay vẫn còn đâu đó, không hiếm gặp trong cuộc đời này?
Hả hê khi thấy Hạnh hắt cả khay nước trà vào người chồng bạc bẽo, ích kỷ đến trơ trẽn (khay nước Trà mà cô đã từng chăm chút từng ly, từng giọt cho chồng), nhưng lòng tôi vẫn cay đắng khi Hạnh lại đóng hàng loạt cánh cửa nhà rường và quay lại với chiếc bàn thờ “ông Hoàng”.
Từ cái thời phong kiến, Hồ Xuân Hương đã dám cất lên tiếng chửi nguyền “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”, mà cớ sao, đến thời này, mà vẫn có người như cô giáo Hạnh, như thầy giáo Phương? Cái tàn dư của chế độ phong kiến đa thê; trọng nam khinh nữ bám víu họ hay chính họ tự giam hãm mình?
Yêu thương, tôn trọng chồng thì là điều đáng trân trọng, nhưng “thánh hóa” chồng, phục dịch chồng như Hạnh để “cố đấm ăn xôi” thì quả là đáng trách.
Phim đã hết. Biết vậy, nhưng tôi vẫn hy vọng một cái gì đó, có hậu như bao chuyện cổ tích mà tuổi thơ vẫn thường xem. Nhưng, người biên kịch, người đạo diễn không thể làm khác được khi chính tác giả Trần Thùy Mai đã dừng lại, để rồi ai đọc cũng day dứt lòng.
Hãy giản đơn những cánh cửa để người phụ nữ không phải vật lộn khi mưa gió, đêm về. Hãy mở toang những cánh cửa để đón ánh sáng chiếu rọi vào từng ngóc ngách của căn nhà; để mọi người được thấu hiểu và sẻ chia…
Thùy Dung