Sống ở thành phố Đà Nẵng lâu rồi, nhưng tôi không biết địa điểm chính xác của Bệnh viện Tâm thần nằm ở đâu, chỉ nghe nói là ở “Hoà Khánh”. Khu vực này tôi cũng có vài người bạn nhà ở đó, nhưng phố xá bây giờ đã thay đổi khác xưa nhiều lắm, không biết chính xác địa chỉ cũng khó tìm. Danh từ “Hoà Khánh” rất thân quen đối với người Đà Nẵng, là vùng ven kiên cường của một thời Đà Thành đánh Mỹ. Và trong nhân gian, “Hoà Khánh” còn có một nghĩa bóng để ám chỉ một cái gì đó không bình thường; bảo ai đó “cần phải tới Hoà Khánh đi!”, tức là có ý nói người ấy thần kinh có vấn đề!
Cái nắng trưa tháng chín ở miền Trung chói chang dễ làm người ta loá mắt; thong dong một hồi dọc theo quốc lộ số I, tôi cũng đã tìm thấy Bệnh viện Tâm thần, tại số 193, đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Là một bệnh viện cấp thành phố, nhưng ở đây không có cảnh người xe vào ra tấp nập, từng dòng người nối nhau như ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tôi có cảm giác như mình sắp đi vào một nơi chốn bình lặng, một không gian tĩnh tâm giữa một thế giới sống động của một khu công nghiệp.
Tôi đang đi vào cổng bệnh viện, bỗng nghe tiếng ai gọi giật giọng:
-Ê! Chào nhà thơ! Đi đâu? Vào đây uống nước đã.
Ngoái lại, tôi thấy anh bạn học ngồi toe toét cười; anh bạn làm nghề dạy học, vui tính, hay chuyện và cũng rất yêu văn chương. Tôi sà lại, chưa kịp nói gì, anh ta đã hỏi han rối rít, nói cười huyên thuyên, rồi hạ giọng hỏi nhỏ:
-Nhà mình ở gần đây, chốc nữa vào chơi cho biết. Nhưng mà…hỏi thật nhé! Ông vào đấy có chuyện gì?
Nhận thấy thái độ anh bạn có vẻ hoài nghi dò xét, tôi nổi hứng bất thường cho anh ta “leo cây” luôn:
-Những ngày gần đây, hình như mình cảm thấy trong đầu đang có vấn đề gì đấy không ổn, hệ thống ngôn ngữ bị làm sao rồi, nghĩ một đường nhưng nói ra một nẻo; định vào đây nhờ các bác ấy có chuyên môn sâu kiểm tra thử xem sao; nhỡ có gì không bình thường, biết trước còn có cách can thiệp sớm, may ra…
Tôi chưa nói hết câu, anh bạn lập tức “trùm mền” luôn:
-Hôm nhận tập thơ ông gửi tặng, khoái lắm, nhưng mới vừa nhìn thấy đầu đề tôi đã có linh cảm ngay: “Nói chuyện một mình”! Thời buổi này người ta lo đi mở công ty địa ốc, làm dự án, chạy giải toả đến bù…ông lại cứ mê muội làm thơ. Bây giờ đúng như thơ của ông rồi đó. Những câu thơ đọc lên nghe ấn tượng, nhưng có triệu chứng- Anh ta đọc một lèo:
“Viết những câu thơ vui
nắng mai cười và chim hót.
chẳng ai đọc
tôi ngồi cười một mình.
Viết những câu thơ buồn
buồn phát khóc
chẳng ai hay
tôi ngồi khóc một mình.”
Thôi đọc thơ, anh ta hạ giọng kết một câu xanh lẹt:
-Thơ phú nó cũng thiêng và “hệ” lắm đấy ông ạ, nó cũng ám cho người ta mê muội một đời!
Không ngờ anh bạn của tôi quả là một người rất dễ tin và đã bị tôi lừa quá ngọt! Hay tại vì sống gần nơi đây, tiếp xúc với nhiều người bệnh tâm thần rồi sinh ra cả tin như thế? Mà cũng có thể tại anh ta nhập mấy câu thơ ấy của tôi, rồi bị thơ nó “ám” cũng nên!
Anh bạn tỏ ra rất thông thạo về Bệnh viện Tâm thần, giới thiệu tôi nên gặp người này giỏi, người kia kinh nghiệm đầy mình; tôi chỉ ngồi ầm ừ cho qua chuyện. Khi Nghe tôi nói rằng, muốn gặp bác sĩ Trần Thị Hải Vân, trưởng khoa – Người vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tuyên dương phụ nữ điển hình thành đạt; anh bạn tôi mới ngớ ra trong chốc lát, rồi nheo mắt cười ý nhị. Hình như trong ánh nhìn của anh ta còn có nhiều ẩn ý muốn trêu tôi.
-Hoá ra ông bạn nhà thơ đến đây là thế! Nếu ông bạn là bệnh nhân thật mà để cho bác sĩ Trần Thị Hải Vân chữa trị thì có thể ông…không muốn khỏi đâu. Hỏi tại sao à! Cứ gặp rồi khắc biết.
Theo sự chỉ dẫn của anh bạn, tôi vào cổng qua khỏi phòng bảo vệ rồi rẽ tay phải và đi thẳng là đến nơi. “Khoa Tâm thần trẻ em”! Tôi hơi bị bối rối trước tấm biển treo trước văn phòng khoa. Người lớn, người già, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, thậm chí các vị lãnh đạo… họ bị bệnh tâm thần đã đành; đằng này trẻ em ngây thơ, hồn nhiên như thế mà cuộc đời không tha. Nghe sao mà thương thế!
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân tiếp tôi ngay tại phòng làm việc. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một căn phòng làm việc của một bác sĩ được trang trí lạ mắt như thế, trên tường không có treo những hình ảnh của ngành y: Tờ tiêu bảng chữ cái đo thị lực, những bức tranh giải phẩu thân thể con người ta trần trụi với những xương xẩu, đầu lâu cùng những chấm nhỏ to và đường kẻ đỏ đen chi chít huyệt mạch rối ren khó hiểu… Không có cả những bức tranh in hình cô y tá cầm kéo, cầm kim tiêm, con muỗi vằn to bự chảng như chú ong ngựa… như ta thường thấy ở các phòng mạch. Thay vào đó là những con thú nhồi bông đáng yêu, những bông hoa nhiều màu sắc, những tờ tranh, hình vẽ…trông khá vui mắt. Nếu không có cái ống nghe để trên bàn cạnh cái máy tính xách tay và chính chủ nhân của nó mặc áo bơ-lu trắng ngồi đấy, thì có thể gọi đây là một phòng đồ chơi cho thiếu nhi chứ không phải là phòng làm việc của bác sĩ ở bệnh viện.
Chắc hiểu được những thắc mắc trong tôi, bác sĩ Vân giải thích rằng, trẻ em bình thường đã rất sợ bác sĩ và y tá, huống chi khi đang bị bệnh; với các cháu chị muốn hóa thân thành người mẹ ở nhà, thành cô giáo ở trường. “Vân nghĩ, các cháu đến với Khoa Tâm thần trẻ em phải là như thế, chơi để chữa bệnh, chữa bệnh như đi chơi. Những liều thuốc an thần cũng cần, nhưng chỉ có sự yêu thương mới cứu vớt được tâm hồn các cháu”.
Cảm tưởng đầu tiên của tôi về người nữ bác sĩ trưởng khoa này, có thể nói là rất ấn tượng; là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét bên ngoài với phẩm chất ẩn chứa bên trong của một tâm hồn đa cảm. Nếu gặp chị bất cứ ở đâu, bạn sẽ dễ bị thu hút bởi vẻ đẹp nhân hậu, đằm thắm của người phụ nữ đã vượt qua ngưỡng bốn mươi, độ tuổi chưa già mà cũng không còn trẻ, đã là người mẹ của 2 con. Chiếc áo bơ-lu trắng, hoặc tà áo dài truyền thống, hay bộ trang phục nữ chiêu đãi viên…đều rất hợp với nước da tươi sáng cùng với dáng người thanh thoát của chị. Những đường nét rõ ràng trên gương mặt thanh tú, đặc biệt là đôi mắt trong veo ẩn chứa bao điều muốn nhắn gửi, nếu nhìn sâu vào đôi mắt ấy bạn sẽ cảm thấy được trấn an khi lòng mình đang bối rối và tâm hồn nhẹ nhõm, nếu có một nỗi buồn chợt đến sẽ tan ngay.
Mới gặp nhau lần đầu mà cuộc nói chuyện giữa tôi với bác sĩ Trần Thị Hải Vân vui vẻ và tự nhiên như hai người bạn. Chị là bác sĩ chuyên khoa I, tôi là cán bộ quản lý ngành tài chính, hai công việc rất xa nhau. Hình như hai con người xa lạ gặp nhau từ một tố chất nghệ sĩ ở một góc khuất nào đó. Tôi chợt nhớ nụ cười có ẩn ý kèm theo câu “Cứ gặp rồi khắc biết” của anh bạn mới gặp nhau ngoài cổng viện. Vừa nói chuyện, tôi vừa ngắm kĩ gương mặt người ngồi đối diện, chợt nhận thấy có nhiều nét quen quen. Không phải ở những người phụ nữ đẹp đều có nét thân quen; mà rất có thể tôi đã nhìn thấy nữ bác sĩ này ở đâu đó, chắc tại trí nhớ của tôi hơi kém.
-Nếu châm lửa thì mấy dây hoa kia sẽ bùng cháy – Tôi chỉ mấy chuỗi hoa khô treo trên tường – Phải chăng đó là những kỷ niệm đẹp của một thời son trẻ được giữ lại?
Bác sĩ Vân xác định đúng như thế! Đó là những vòng nguyệt quế tượng trưng được kết bằng hoa tươi mà Vân được trao tặng từ các hội diễn văn nghệ và các hội nghị tuyên dương thành tích. Vậy là cảm nhận “có nhiều nét quen quen” không đánh lừa tôi. Bác sĩ Trần Thị Hải Vân không những là gương mặt “Phụ nữ điển hình thành đạt thành phố Đà Nẵng”,“Phụ nữ Tiêu biểu Ngành Y tế toàn quốc giai đoạn 2006- 2010” mà còn đoạt Huy chương vàng tiếng hát hay của ngành và của thành phố Đà Nẵng; một giọng ca rất truyền cảm và khá chuyên nghiệp hát về Bác Hồ trong các đợt sinh hoạt chủ đề Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trên diễn đàn Dân Chính Đảng. Tôi được biết thêm, Hải Vân có năng khiếu văn nghệ và hát hay từ nhỏ; cô bé Hải Vân của ngày ấy thường theo cha đến các hội nghị của ngành y tế chơi và giọng hát của cô bé từng véo von trong sự cỗ vũ của các cô, các chú.
Tôi đưa ra một thắc mắc: Có được một chất giọng hay và truyền cảm, với một mẫu người rất ra dáng văn công như thế, sao Hải Vân không đi học làm ca sĩ nhỉ? Theo chị, thì đó không phải là tài năng ca hát, mà là chút vốn quí cha mẹ truyền cho để Hải Vân thêm yêu nghề và yêu người về sau.
Với tấm bằng Đại học y khoa, rồi học lên Bác sĩ chuyên khoa I, cùng với lòng yêu nghề, lại là một giọng hát hay của ngành y, bác sĩ Trần Thị Hải Vân có thể xin được làm việc tại một bệnh viện lớn. Nhưng chị lại “chọn bến buông neo” tại Khoa Tâm thần Trẻ em – Bệnh viện Tâm thần Hoà Khánh quê hương.
Mọi chuyện đều có nguồn căn của nó. Ngày ngồi ghế phổ thông, Hải Vân ước mơ được làm cô giáo, nhưng là con gái đầu, nên Vân được gia đình hướng theo nối nghiệp người cha kính yêu.
Cha của Trần Thị Hải Vân là bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Trần Đình Thông, nguyên là giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng từ sau năm 1975, ông mới nghỉ hưu hơn mươi năm nay. Ngày còn bé, đã bao lần theo cha đến bệnh viện chứng kiến những cơn thập tử nhất sinh của bệnh nhân được cứu chữa; có những khi một mình Vân lén vào bệnh viện chơi với bệnh nhân rồi làm bạn với họ. Những đêm cha trực bệnh viện, Vân thường đi theo chơi và được nghe cha giảng giải rất nhiều về câu “Lương y như từ mẫu”, về tấm lòng và y đức của người thầy thuốc. Lúc ấy còn nhỏ, chưa hiểu hết những điều ông nói; nhưng Vân cảm nhận được niềm vui và sự ấm áp ánh lên từ đôi mắt của người cha kính yêu. Hình ảnh cha bật dậy giữa đêm khuya mưa rơi lạnh giá, vội vã khoác áo bơ-lu trắng chạy đi cấp cứu mỗi khi bệnh nhân bị kích động, lên cơn đã khắc sâu trong tâm khảm Vân và thành biểu tượng của lòng nhân ái. Vân hay liên tưởng đến hình ảnh ông tiên trong cổ tích, chỉ làm việc nghĩa nhân cứu giúp mọi cảnh đời.
Bây giờ Hải Vân cũng là bác sĩ, khoác lên mình màu áo của cha từng mặc, được làm việc chính nơi cha mình đã gắn bó gần như cả cuộc đời và sự nghiệp, làm những công việc cha mình từng làm… Có lẽ cũng chính từ tình yêu máu thịt ấy đã nhen nhóm trong Vân tình yêu nghề thầy thuốc, để suốt bao năm qua chị như một con ong cần mẫn trong công việc, chịu khó tự học trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, gồng mình cùng những thương đau của bệnh nhân và luôn đau đáu với bao nỗi lo toan về sự hao khuyết của những tâm hồn.
Suốt buổi nói chuyện với tôi, bác sĩ Vân rất ít nói về bản thân mà hay nói về đồng nghiệp, về các em thực tập sinh và các bệnh nhân nhí của mình; thỉnh thoảng chị phải ngưng câu chuyện, ra hiệu cho mấy bệnh nhi đang thập thò ngoài cửa, có ý bảo “các con đi chơi, cô đang có khách”. Nếu không có người khách lạ, chắc các cháu đã chạy vào chơi với cô Vân rồi.
Khi nghe tôi đề cập đến những sự cố trong nghề nghiệp, bác sĩ Vân cười khúc khích nói rằng, rất nhiều sự cố, nhưng toàn chuyện vui, cũng dễ thương và cũng rất đời: Bị đánh ghen, bị yêu…Có một chị bệnh nhân nữ đem lòng thầm yêu một anh bác sĩ điều trị cùng làm việc với bác sĩ Vân; chị ta cứ theo dõi, hễ thấy Vân có chuyện trao đổi với anh bạn đồng nghiệp là xông tới đánh ghen, nói rằng Vân cướp người yêu của mình. Cứ mỗi khi gặp Vân là chị ta cứ mắt ngang mồm dọc. Lại một chuyện khác: Đêm ấy bác sĩ Vân trực bệnh viện, có anh bạn ở bên Trường Đại học Bách khoa sang chơi, Vân nhờ anh bạn sửa lại cái ổ cắm điện. Bỗng có một anh bệnh nhân ở đâu lù lù đi vào, một tay cầm cục đá, tay kia chỉ anh bạn hỏi, “Vân! ai đây?”. Vân phải chắn anh bệnh nhân lại rồi thanh minh, “Đừng làm bậy! Em trai của Vân đến thăm đấy!”. Anh bệnh nhân ném cục đá ra ngoài, nói cộc lốc “Thế thì được”, rồi đọc cho Vân nghe một bài thơ tình sướt mướt và bảo rằng bài thơ đó anh ta làm tặng riêng cho Vân. Anh ta chỉ đọc có một lần, có 28 câu và bảo Vân ghép tất cả những chữ đầu dòng lại, trong đó Vân nhớ được một câu: “Cho em đó, dòng thơ tình tuyệt diệu”. Còn anh bạn của Vân, hôm ấy bị một phen xanh da, lưng mật. Nhiều bệnh nhân nam cũng rất lãng mạn, sáng ra cổng bệnh viện đứng chờ đón bác sĩ Vân đến, chiều lại ra tiễn về, họ làm trong thầm lặng. Có thể gọi đó là triệu chứng “hoang tưởng được yêu”. Nếu nhỡ có chuyện gì không may xảy ra, thì chắc cũng được xếp vào những tai nạn nghề nghiệp!
Bản năng sống và được yêu trong con người rất mãnh liệt, luôn luôn trỗi dậy.
Để hiểu thêm về bác sĩ Trần Thị Hải Vân, tôi đã có dịp tiếp xúc với các anh lãnh đạo bệnh viện và các đồng nghiệp của chị. Tôi đi từ mến mộ đến nể phục về chị: Với cương vị là bác sĩ trưởng khoa, một khoa tương đối đặc biệt – “Tâm thần trẻ em”, bác sĩ Vân luôn thực hiện xuất sắc chức năng và trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt công việc được giao. Trong công tác quản lý, nhờ đi sâu đi sát vào từng nhân viên mà chị biết được những ưu nhược điểm của họ để bố trí và sử dụng nhân lực một cách hợp lý nhất, nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi người, nhằm đạt hiệu quả cao trong công việc. Nhờ đó, mà Khoa Tâm thần trẻ em đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc và được cấp trên khen ngợi. Khoa đã phấn đấu và đạt “Tập thể lao động tiên tiến”. Bác sĩ Vân là tấm gương học hỏi và không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt, được đồng nghiệp yêu thương và tín nhiệm; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Uỷ ban Nhân dân, Liên đoàn Lao động thành phố tặng bằng khen và Liên hiệp Hội Phụ nữ thành phố công nhận là “Phụ nữ điển hình thành đạt thành phố Đà Nẵng”.
Ngoài việc hoàn thành tốt công tác chuyên môn, tham gia thăm khám điều trị tại khoa phòng, bác sĩ Vân còn tích cực tham gia các chương trình thăm khám, phát hiện bệnh tại cộng đồng và truyền đạt, giảng dạy lại cho cán bộ y tế tuyến dưới cùng cộng tác viên ở cộng đồng những mảng chuyên đề thuộc chuyên môn: Điều trị tích cực cho bệnh nhân nghiện ma tuý, bệnh nhân trầm cảm, bệnh nhân tự kỷ…
Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy cộng với tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, bác sĩ Vân luôn tâm niệm “thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, xem nỗi đau đớn của bệnh nhân cũng là nỗi đau của chính mình”. Không những thế mà chị còn có sức thuyết phục, cảm hoá và “truyền lửa” cho mọi người.
Mặc dù chưa được đào tạo chính qui chuyên sâu về mảng tự kỷ, nhưng do yêu cầu quá cấp thiết của các bậc phụ huynh, của xã hội thôi thúc, bác sĩ Vân đã tập trung nghiên cứu sâu chuyên đề “Tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ”; rồi mạnh dạn đề xuất thành lập phòng khám chuyên biệt điều trị cho trẻ em tự kỷ. Năm 2008, đã thành lập phòng chuyên can thiệp – giáo dục hành vi và chữa trị cho bệnh nhân tự kỷ. Qua sự nỗ lực nghiên cứu tìm tòi, học hỏi, trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực điều trị bệnh tự kỷ, bác sĩ Vân đã vạch ra kế hoạch điều trị và tập huấn, huấn luyện đào tạo đội ngũ chuyên viên can thiệp và giáo dục cho trẻ tự kỷ.
Phòng tự kỷ được thành lập và hoạt động được vài năm nay, mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực, nhưng đó là một bước đột phá dám nghĩ dám làm, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn và đạt được một số kết quả khá tốt. Cùng với các thể loại bệnh thần kinh thường gặp: Động kinh, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý…; trong những năm gần đây, nhờ điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, các em được chăm sóc tốt hơn, nhưng ở một số các cháu nhỏ lại xuất hiện những triệu chứng lạ về tâm lý: “Rối loạn lo âu”, “Rối loạn sợ trường học”, “ Rối loạn phân ly”, “Rối loạn hành vi”, “Rối loạn sự gắn bó” (lo sợ xa cha mẹ, người thân v.v)… Khi đưa con đến phòng khám, nhiều bậc phụ huynh rất ngỡ ngàng lạ lẫm với những căn bệnh này, đặc biệt là bệnh tự kỷ, họ thường phủ nhận con mình bị bệnh; ngược lại, có người vừa mới nghe nói con mình mắc bệnh tự kỷ đã bị sốc, hốt hoảng bỏ hết công việc, thậm chí có những ý nghĩ rất tiêu cực.
Đau với nỗi đau của người bệnh, trái tim của một người mẹ trong bác sĩ Vân lên tiếng, chị nhận thấy mình cần phải là bờ vai làm điểm tựa, là cánh tay nâng đỡ và vực dậy tinh thần của những người mẹ, người cha có con bị tự kỷ. Được sự cảm thông sâu sắc và được sự chỉ dẫn tận tình về phương pháp can thiệp, nuôi dạy và điều trị cho trẻ tự kỷ, dần dần phụ huynh bệnh nhân tự kỷ lấy lại tinh thần, học cách chấp nhận tình trạng bệnh lí của con và hợp tác, tiếp thu, sử dụng tốt những kiến thức được huấn luyện tại phòng tự kỷ. Cho đến nay, đã có một số em xuất viện, tham gia vào các lớp học hoà nhập của các trường chuyên biệt hoặc đã khỏi hẳn trở lại cuộc sống bình thường của trẻ thơ. Có những bệnh nhi khi mới vào viện, đã 3, 4 tuổi rồi mà chưa biết bật hơi, chỉ thích chơi một mình, không nhận biết được cha mẹ, vô cảm, thường khóc thét lên hoặc rúc xuống gầm bàn mỗi khi thấy người lạ đến gần, thậm chí có những trẻ có các hành vi kì quặc như gặm chiếu, nhai lốp xe ôtô đồ chơi, cắn bầm tím cả tay chân mình hoặc cắn bất cứ ai đứng gần… Sau một thời gian điều trị, các hành vi kì lạ đó đã mất hẳn, các cháu đã nhận biết và thể hiện cảm xúc ôm hôn đối với người thân, có cháu đã biết nói, biết hát, biết vòng tay chào người lạ khi được yêu cầu. Nhiều bậc phụ huynh đã rơi nước mắt khi nghe đứa con ruột thịt 3, 4 tuổi của mình phát ra những âm thanh đầu đời “ a, ba…”. Chính những nụ cười và những tiếng “bi bô” tập nói của trẻ em mắc bệnh tự kỷ đã tạo ra niềm vui, hạnh phúc và là động lực khiến bác sĩ Vân và đồng nghiệp không ngừng học tập nâng cao chuyên môn, để công việc điều trị ngày càng đạt kết quả cao hơn.
Về công tác nghiên cứu, bác sĩ Vân đã thực hiện thành công một số đề tài nghiên cứu khoa học và đã được đánh giá cao tại bệnh viện. Năm 2009, thực hiện đề tài “Sử dụng thang đánh giá tự kỷ đánh giá trẻ tự kỷ được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng”; cùng đồng nghiệp tham gia và hỗ trợ tốt các công trình nghiên cứu khoa học trong bệnh viện và các chương trình tập huấn, đào tạo các lớp điều dưỡng , hướng dẫn cử nhân tâm lý thực tập tại bệnh viện.
Với cương vị là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn phụ trách văn thể mỹ của bệnh viện, Phó ban Nữ công, bác sĩ Vân đã tham gia tổ chức thành công nhiều chương trình văn nghệ và thể thao để chào mừng các ngày lễ lớn tại đơn vị. Chị là hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng trong bệnh viện; nhiều tiết mục của đội văn nghệ của bệnh viện được đánh giá cao trong các hội thi do ngành và địa phương tổ chức.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế nói chung và Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nói riêng đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, gắn với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu” và “12 điều y đức” của nguời thầy thuốc. Với cương vị là Trưởng khoa, bác sĩ Trần Thị Hải Vân là người góp phần tích cực trong việc thường xuyên chăm lo giáo dục y đức, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa với nguời bệnh cũng như với đồng nghiệp cho toàn thể cán bộ-công nhân viên trong bệnh viện. Nhờ đó mà tinh thần và chất lượng phục vụ người bệnh của toàn thể cán bộ-công nhân viên càng ngày càng được nâng cao. Đó cũng là một nội dung lớn và xuyên suốt trong các đợt sinh hoạt chính trị tại đơn vị. Việc tổ chức thành công cuộc thi “Kể chuyện các tấm gương đạo đức của Bác Hồ đối với phụ nữ” là biểu hiện sự tôn kính đối với Bác Hồ kính yêu.
Nếu viết về những công việc của bác sĩ Vân đã làm với tư cách của một cán bộ công chức, để phong tặng một danh hiệu gì đó, thì có thể là một bản “Báo cáo thành tích” rất dài. Nhưng đó là công việc của Thi đua–khen thưởng. Riêng tôi, tôi xin được ghi lại một số cảm nhận về người nữ bác sĩ chữa bệnh tâm thần trẻ em, dưới góc nhìn của một người viết văn, làm thơ. Có một điều chắc chắn và khách quan là: Trong tất cả các hoạt động của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nữ bác sĩ Trần Thị Hải Vân luôn để lại trong lòng mọi người những dấu ấn khó quên.
Đà Nẵng, tháng 9 năm 2010
Bùi Tự Lực