Tại buổi đối thoại với cán bộ phụ nữ, nữ trí thức, nữ doanh nhân thành phố sáng 15-10, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến và Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, lãnh đạo thành phố đã “nhắm” một số cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí chủ chốt và tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ phấn đấu cống hiến như nam giới.
Vị trí chủ chốt: thưa thớt cán bộ nữ
Theo báo cáo của Hội LHPN thành phố, phụ nữ hiện chiếm khoảng 51% dân số của cả thành phố, 66% phụ nữ trong độ tuổi lao động. Trong đó, phụ nữ hiện là cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNVC) tại khối Đảng và chính quyền chiếm gần 41% tổng số phụ nữ thành phố. Về trình độ học vấn, 36,5% CBCNVC nữ có trình độ đại học, 33% có trình độ sau đại học. 5 năm qua, 38,7% CBCNVC nữ tại khối Đảng được cử đi học lý luận chính trị, 52,73% học sau đại học; 44,75% CBCNVC nữ tại khối chính quyền được cử đi học lý luận chính trị, 46,7% học sau đại học.
Những con số trên cho thấy, tỷ lệ nữ có trình độ đại học trở lên tương đương với nam giới; nữ trí thức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng tăng; ngày càng có nhiều nữ trí thức say mê học tập nghiên cứu và có nhiều đề tài, sáng kiến được Hội đồng khoa học đánh giá cao, đóng góp tích cực vào công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, dù có kiến thức, trình độ chuyên môn nhưng tỷ lệ nữ CBCNVC giữ vị trí chủ chốt tại các đơn vị lại khiêm tốn. Tính chung cả khối Đảng và chính quyền, tỷ lệ CBCNVC nữ giữ vị trí cấp trưởng phòng và tương đương chỉ chiếm 9%; cấp phó phòng và tương đương chiếm 16,2%. “Dù năng lực như nhau, nhưng khi đề bạt, bố trí vị trí lãnh đạo là nam giới, mọi chuyện diễn ra bình thường. Ngược lại, nếu đó là nữ thì xem đi xét lại, đặt lên đặt xuống”, bà Lê Thị Thúc, Phó Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, đặt vấn đề. Cũng đề cập nội dung này, bà Lê Thị Như Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, phát biểu: “Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào vị trí chủ chốt khá thấp. Vậy trách nhiệm của Đảng, chính quyền thành phố đối với vấn đề này như thế nào?”.
Trước những trăn trở của các chị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho biết, đây cũng là tình trạng chung của cả nước, ở vị trí càng cao thì tỷ lệ phụ nữ càng thấp. Hiện tại, cả nước chỉ có 2 Bộ trưởng và khoảng 10/100 Thứ trưởng là nữ; 1/63 Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố và 3/63 Bí thư Tỉnh ủy là nữ… Điều đáng quan tâm khi Đà Nẵng là một trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí chủ chốt thấp nhất nước.
Ưu tiên nhiều hơn cho nữ giới
Đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, khá nhiều ý kiến được đặt ra, cả về yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Ghi nhận tất cả ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nói: “Thời gian qua, nhận được sự quan tâm từ các cấp, vấn đề bình đẳng giới cũng dần dần thay đổi. Chẳng hạn, từ năm 1998 đến nay, thành phố đã dành 600 tỷ đồng đào tạo cán bộ theo Đề án 922 (Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao), trong đó không ít cán bộ nữ được lựa chọn tham gia, tạo điều kiện nâng cao kiến thức, khả năng chuyên môn. Nếu có một cá nhân nào đó thật sự nổi trội thì sẽ được chú ý ngay. Vì thế, không được cơ cấu vào vị trí chủ chốt thì chị em cũng cần tự nhìn nhận lại”.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, một vài chị em được “nhắm” vào vị trí lãnh đạo thì lại có tâm lý an phận, bằng lòng vị trí mình đang có. Mặt khác, chị em phải quán xuyến gia đình nhiều nên sự phấn đấu vất vả hơn nam giới.
Để tạo điều kiện cho phụ nữ thể hiện năng lực, lãnh đạo thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa cho cán bộ nữ tham gia các vị trí chủ chốt của thành phố. “Nhiệm kỳ tới, lãnh đạo thành phố sẽ xem xét cơ cấu tỷ lệ nữ giữ chức danh lãnh đạo đạt tối thiểu 15% như Dự thảo nghị định về quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước mà Bộ Nội vụ đề ra, dự kiến có hiệu lực từ năm 2015. Nếu hai cán bộ nam và nữ cùng được đề bạt một vị trí lãnh đạo, cùng có năng lực ngang nhau thì sẽ ưu tiên chọn cán bộ nữ”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, thành phố đã đề nghị Hội LHPN gửi danh sách 30 cán bộ đề xuất. Tỷ lệ cán bộ chủ chốt của thành phố không nhiều nên Thành ủy phải có nghiên cứu phù hợp, lựa chọn những người xứng đáng. Hiện tượng bằng cấp và kiến thức, chuyên môn chưa tương đương khá nhiều.
Vì vậy, cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt phải đáp ứng thực chất, chứ không phải có bằng cấp nhiều thì được chọn. Chủ tịch UBND thành phố cũng đồng ý giao cho Hội Nữ trí thức thực hiện đề tài nghiên cứu về bình đẳng giới tại Đà Nẵng để có những dữ liệu, nghiên cứu sâu về bình đẳng giới, phục vụ cho công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố; khuyến khích những cán bộ nữ có năng lực nhưng đến tuổi về hưu giữ những vị trí phù hợp ở các Hội.
NGỌC HÀ
(Nguồn: Báo Đà Nẵng)