Với đặc thù là địa bàn vùng núi, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc đã tận dụng hiệu quả lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa bản địa, phát triển sản phẩm du lịch bền vững, giúp phụ nữ miền núi khởi nghiệp, thoát nghèo.
Bên cạnh việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, hợp tác xã đã giúp bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho phụ nữ đồng bào Cơ tu. Ảnh: TRẦN TRÚC |
HTX Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc được hình thành từ một nhóm 10 hộ gia đình người địa phương vào năm 2019 và hoạt động như một tổ hợp tác, liên kết với nhau để phục vụ khách du lịch dựa trên nguồn lực sẵn có. Dần dần, với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia cùng nhà khoa học, tổ hợp tác đã định hướng sản xuất, kinh doanh với mục tiêu bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu và tạo sinh kế bền vững cho xã viên. Để bảo đảm tư cách pháp nhân cho quá trình hoạt động và hoàn thiện mô hình quản lý, tháng 3-2023, HTX chính thức được thành lập.
Tháng 9 và tháng 10 vừa qua, HTX đã tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với dự án “Phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc”. Chung cuộc, HTX đã đạt giải Nhì cấp vùng khu vực miền Trung và giải Khuyến khích cấp toàn quốc. Dự án đạt giải đã giúp truyền thông nâng cao nhận thức, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, lan tỏa đam mê, sáng tạo trong phát triển kinh doanh cho hội viên, phụ nữ, cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng núi còn nhiều khó khăn như xã Hòa Bắc.
Chị Đỗ Thị Huyền Trâm, Giám đốc HTX cho hay, ngay từ những ngày đầu hoạt động, HTX mong muốn sẽ trở thành mô hình điểm ở nông thôn về phương pháp làm du lịch cộng đồng và biến Hòa Bắc trở thành điểm đến cho các tổ chức trong và ngoài nước. HTX hoạt động với mục tiêu phát huy tối đa vai trò chủ thể là cộng đồng, mỗi người dân là một chủ thể cùng kết nối, hợp tác, bàn bạc để xây dựng và vận hành các hoạt động du lịch nhằm phục vụ du khách.
Sau hơn 2 năm hoạt động, HTX đã hình thành mạng lưới thành viên đông đảo với 19 thành viên chính thức và gần 200 thành viên liên kết, trong đó có 95 thành viên là phụ nữ đồng bào Cơ tu. Bà Huỳnh Thị Xuân (thôn Nam Yên) là thành viên chính thức của HTX ngay từ khi mới thành lập. Trước đây, công việc chính của gia đình bà Xuân là làm nông, nhưng kể từ khi dịch vụ du lịch tại xã Hòa Bắc phát triển, gia đình bà Xuân đã trồng thêm nhiều loại cây ăn quả trong vườn và các loại rau ngắn ngày trên diện tích 2.000m2.
“Mỗi tháng tôi có thể kiếm nguồn thu nhập từ 3-5 triệu đồng nhờ việc bán các loại rau và trái cây cho khách, giúp bảo đảm nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Đoàn khách của HTX sẽ đi tham quan vườn, rồi tự tay họ sẽ hái mít, bưởi, ổi, chuối và nhiều loại rau như bí, mồng tơi, xà lách. Mình ở trong HTX nên cũng bảo đảm được nguồn khách ổn định hơn so với làm cá nhân”, bà Xuân nói.
Hiện các hoạt động du lịch của HTX đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng từ học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu đến khách du lịch tham quan, trải nghiệm thuần túy như chương trình du lịch học tập cộng đồng, sản phẩm nông nghiệp sạch và làng nghề. HTX có các homestay, các vườn rừng, làng văn hóa đồng bào Cơ tu, làng văn hóa biển Nam Ô; có diện tích sản xuất nông nghiệp, mạng lưới kết nối cộng đồng các tỉnh miền Trung. Nhờ đó, giúp đáp ứng điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất tốt nhất cho sự hoạt động bền vững của HTX.
HTX là một trong số ít mô hình có mạng lưới cộng đồng rộng, tự lực phát triển, các chương trình du lịch học tập cộng đồng đặc sắc nên được nhiều tổ chức, tỉnh, thành phố tham quan học tập; HTX cũng là đối tác của nhiều trường đại học trong và ngoài nước. Đến nay, qua quá trình hoạt động, HTX nhận thấy nhu cầu về du lịch học tập cộng đồng là rất lớn. Lượng khách đến với HTX trong năm 2023 tăng rất nhanh với hơn 30.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Do đó, HTX cũng hướng đến kết nối mạng lưới, chia sẻ kiến thức và phương pháp với các cộng đồng khác.
“Từ những người phụ nữ rụt rè, ngại giao tiếp, họ đã trở nên vui vẻ, hòa đồng, tự tin kể câu chuyện của đồng bào mình. Từ đó, giúp nâng cao vị thế bình đẳng giới cho phụ nữ tại Hòa Bắc. Quá trình được sinh hoạt, làm việc cùng nhau, giao lưu cùng du khách đã tạo ra một cộng đồng ngày càng gắn kết, cởi mở trong chia sẻ tri thức, tình cảm cũng như tiếp thu, học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ các cộng đồng khác. HTX kỳ vọng sẽ phát triển mạnh trong tương lai, vì đây không phải xuất phát từ ý tưởng khởi nghiệp thuần túy mà còn đến từ mong muốn thực tiễn của mọi người”, chị Trâm cho hay.
Nguồn Báo Đà Nẵng