Dịu dàng, đầy nữ tính… những ai lần đầu gặp chị có lẽ ít ngờ rằng chị là nữ lãnh đạo một phòng dày dạn trên trận tuyến phòng chống tội phạm. Chị là Thượng tá Võ Thị Yến Lan, Phó trưởng phòng An ninh kinh tế (ANKT), CATP Đà Nẵng.
"Bén duyên" với Phòng ANKT ngay từ khi mới ra trường, 25 năm công tác là 25 năm chị phấn đấu không mệt mỏi. Năm 1995, chị được đề bạt đội phó; năm 1999 là đội trưởng và năm 2006 được bổ nhiệm Phó trưởng phòng, phụ trách lĩnh vực ngân hàng (NH), tiền tệ, giao thông, rồi bưu chính, viễn thông… Ở cương vị công tác nào, vai trò nào, lĩnh vực nào chị cũng tận tâm, tận lực và để lại nhiều dấu ấn.
Năm 2008, chị tham gia chỉ đạo phá vụ án Nguyễn Tý (24 tuổi, trú P.4, Q.8, TPHCM) và Lê Thị Ngọc Mai (41 tuổi, trú Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng đồng bọn tổ chức lừa đảo qua mạng ATM. Thủ đoạn của chúng là tìm các số ĐTDĐ trên các trang báo quảng cáo, rao vặt rồi gọi đến người có số điện thoại để cho số đánh đề…, làm quen, xưng là cán bộ các Cty XSKT hứa hẹn sẽ xin việc, rồi lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ATM do chúng mở tại các hệ thống NH bằng CMND của người khác… với số tiền lên đến 3 tỷ đồng. Rất tinh ranh, xảo quyệt, nhưng chúng đã bị chị và đồng đội "lần" ra, tóm gọn.
Thượng tá Võ Thị Yến Lan tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2008, trong một buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở các NH, chị đã cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực NH. Từ những cảnh báo của chị, nhân viên NH nâng cao cảnh giác. Ngay hôm sau, chị nhận tin báo có một giao dịch chuyển tiền đáng ngờ của 2 đối tượng là người nước ngoài vào NH Công thương chi nhánh Đà Nẵng với số tiền lên đến 4 tỷ đồng. Hôm đó là thứ sáu, hai ngày nghỉ tiếp theo, NH không làm việc.
Chạy đua với thời gian, trong 2 ngày nghỉ, chị đã "tung" lực lượng trinh sát phối hợp với Interpol, các đơn vị nghiệp vụ, các NH khẩn trương xác minh, "vẽ" lại được "đường đi" của lượng tiền trên từ một NH ở Anh đến một NH ở Bà Rịa – Vũng Tàu rồi chuyển về Đà Nẵng và nguồn gốc của nguồn tiền trên là "tiền bẩn", từ đó truy ra và bắt đối tượng tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi chúng trốn ra nước ngoài.
3 năm gần đây, chị phụ trách mảng bưu chính, viễn thông, Internet, một mảng công tác mới, khó. Nhưng chị đã biết tranh thủ đội ngũ chuyên gia ở các cơ quan ngoài lực lượng, khơi dậy được nhiệt huyết, tinh thần làm việc của CBCS trong đơn vị nên đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chỉ tính riêng trong năm 2014, trên 30 vụ việc liên quan đến CNTT ở TP Đà Nẵng được xác minh, truy xét thành công, trong đó có công sức đóng góp của chị.
Ngoài công tác chuyên môn, chị còn thể hiện là một cán bộ năng nổ trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ khối ANND, là ngọn cờ đầu trong phong trào phụ nữ của một khối để lại dấu ấn qua nhiều công trình, phần việc hiệu quả, nhiều hoạt động tình nghĩa, hướng về cộng đồng như: trao 6 sổ bảo hiểm cho các nữ dân phòng, tiếp sức cho 2 em mồ côi cha mẹ đến trường, trợ dưỡng thường xuyên cho 1 nạn nhân chất độc màu da cam, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo, tặng "áo ấm mùa đông cho em"; công trình "Làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vì bình yên cuộc sống của nhân dân"…
Đam mê các hoạt động thể thao, chị là vận động viên bắn súng, cầu lông cừ khôi của CATP. Từ những năm mới ra trường, chị đã được chọn trong đội tuyển của CATP thi đấu các giải ở Bộ CA. Từ đó, cứ 5 năm một lần, đến kỳ đại hội "Khỏe vì ANTQ" Bộ CA tổ chức hay khi có các giải cầu lông của các CLB TP Đà Nẵng, chị lại lên đường thi đấu. Chị còn dành thời gian tham gia các lớp học đại học ngoại ngữ, cao cấp chính trị.
Đến năm 2007, chị đăng ký học lớp Cao học Luật do Học viện CSND mở tại Đà Nẵng. Vừa tốt nghiệp lớp cao học, được lãnh đạo tạo điều kiện cho theo các lớp bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, bồi dưỡng chuyên đề nghiệp vụ do chuyên gia nước ngoài giảng dạy… dù lớp được tổ chức ở xa, gia đình gặp khó khăn nhưng chị cũng thu xếp để theo học, không bỏ sót lớp nào. Với chị, "học để làm gương cho con và để nâng cao kiến thức phục vụ công việc".
Nguồn: Báo Công an Đà Nẵng