Bên cạnh việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi nhuận cho đơn vị, rất nhiều DN do các chị em phụ nữ làm chủ đã tích cực đóng góp cho cộng đồng bằng cách làm từ thiện.
Với các doanh nghiệp do nữ làm chủ, bằng sự đồng cảm và chia sẻ với người cùng giới, các chị còn đặc biệt dành sự quan tâm đến những đối tượng là phụ nữ nghèo, là lao động nữ trong doanh nghiệp. Nói về những việc mà các chị đã và đang làm cho cộng đồng chính là sự ghi nhận, tôn vinh vai trò của nữ doanh nhân nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Mỗi tháng hai lần, chị Trần Thị Ánh, chủ doanh nghiệp tư nhân Anh Duy Anh Đà Nẵng lại mang bữa ăn chiều đến cho các cụ già neo đơn ở Mái ấm tình thương. Khi thì cháo, khi thì bánh canh… tất cả đều do chị tự tay nấu. Tấm lòng thơm thảo của những nhà hảo tâm như chị làm cho mái ấm này thêm ấm áp, giúp các cụ bớt cô quạnh lúc tuổi già.
Chị Trần Thị Ánh chia sẻ: “Làm từ thiện xuất phát từ lòng nhân ái, biết đồng cảm và chia sẻ. Ở mái ấm này mọi người đều thiếu thốn tình cảm nên mình muốn chia sẻ, coi các cụ như cha mẹ mình. Mình mong sao cũng có nhiều tấm lòng như vậy”.
Không chỉ dành tâm huyết cho công tác từ thiện, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân ở Đà Nẵng mong muốn đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn. Các chị coi đó vừa là trách nhiệm với xã hội, vừa để cuộc sống của mình thêm ý nghĩa.
Là một luật sư, chị Đoàn Thị Lê đặc biệt quan tâm đến việc trợ giúp pháp lí cho những đối tượng khó khăn nói chung và phụ nữ nghèo nói riêng.
Luật sư Đoàn Thị Lê, Văn phòng Luật sư Thiện Tâm TP.Đà Nẵng nói: “Ngoài trách nhiệm và đặc thù nghề nghiệp là bảo vệ quyền và lợi ích của công dân thì những người khó khăn, nhất là phụ nữ là đối tượng chúng tôi rất quan tâm. Tôi sẵn sàng nhận tư vấn cho các chị trong bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến pháp lý”.
Lợi nhuận càng cao thì đóng góp, hỗ trợ cho cộng đồng càng hiệu quả. Có thể là cách hỗ trợ bằng tài sản nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được, như hỗ trợ sinh kế, tư vấn cách làm ăn, tạo việc làm… Đó mới chính là cách giải quyết tận gốc cái nghèo, cho người nghèo “cần câu” và chỉ “cách câu” thay vì cho “con cá”.
Ở Công ty Dacotex Đà Nẵng – nơi có 85% lao động là nữ, hầu như không có cảnh công nhân chờ việc nhờ đơn hàng xuất khẩu đảm bảo quanh năm. Công ty còn hỗ trợ cho phường Hòa Quý 20 máy may giúp địa phương mở xưởng may, giải quyết việc làm cho 40 lao động là phụ nữ nghèo. Đây là nỗ lực lớn của Dacotex Đà Nẵng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn.
Bà Trần Thị Tố Mai, Phó Giám đốc công ty Dacotex Đà Nẵng cho rằng: “Phụ nữ phải đi làm, có thu nhập thì hạnh phúc gia đình mới bền lâu. Họ có việc làm thì mới có vị trí, tiếng nói trong xã hội, được tự hào có đóng góp cho xã hội. Việc làm không chỉ 1 người giúp cho họ, mà nhiều người đồng lòng giúp, từ nhiều phía”.
Trong số các giải thưởng dành cho doanh nghiệp hàng năm, có giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp nữ và nữ doanh nhân. Đóng góp cho cộng đồng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá doanh nghiệp, điều đó thực sự tạo nên chất xúc tác rất lớn giúp các nữ doanh nhân thêm vững vàng hơn trên thương trường, vừa khích lệ các chị tiếp tục cống hiến.
Như Ngọc