Gặp chị Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, điều đầu tiên tôi ngỡ ngàng là nước da của chị. Tôi cho rằng các mỹ phẩm có công năng như thần dược mà tivi cả ngày ra rả vẫn không thể cho nước da như chị. Chị Hội trưởng Hội Phụ nữ một đơn vị bộ đội sau buổi tọa đàm cũng nói: chị em muốn nghe bí quyết giữ làn da của chị. Chị cười: cũng vì nước da mà mấy anh cán bộ huyện Hòa Vang mỗi khi gặp chị lại nói “dân Hòa Vang trông lụt lắm”!
Tôi bắt đầu tò mò, bởi câu chuyện và cả bởi phong thái của chị. Tôi hay gọi cô bạn Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố của mình là bà nghị, nghị sĩ hạ viện! Cô có phong cách rất hiện đại: tóc tém, quần rin, áo thun, giày cỏ… Còn chị, bà nghị thượng viện nhưng phong thái đúng là mệnh phụ phu nhân: áo quần nền nã, giọng nói truyền cảm. Lũ lụt và… chị, hai mệnh đề nhưng lại là một!
Chị cười: Năm 1999, năm cuối thế kỷ và cũng là năm lụt thế kỷ, hai trận lũ liền kề nhau với một lượng mưa chưa từng có trong lịch sử. Mưa như trút, điện cúp, trời đất sầm sịt, giữa trưa mà như hoàng hôn. Lúc ấy chị là Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Sau cuộc họp Ban Thường vụ, chị về ngay rốn lũ Hòa Vang.
Xe vòng qua nhiều con đường, đôi chỗ lại gặp xuồng cứu hộ của bộ đội, công an, phải lùi lại tìm đường khác! Ngũ Hành Sơn nước ngập trắng xóa cả một vùng. Các thôn Sơn Thủy, Khuê Đông, Bình Kỳ chìm trong biển nước. Chùa Vân Long như con ốc nhỏ trong lòng bàn tay hồng thủy. Người dân thôn Đồng Nò của Hòa Xuân phải chạy qua tá túc ở phường Bắc Mỹ An. Nhà chật chội, người nào người nấy vêu vao nhợt nhạt. Gạo đó nhưng củi, dầu hết. Xưa rày chỉ lụt vài ngày, giờ lụt chồng lên lụt, ai biết mà trữ cho cả “tua” lũ. Đồng chí Bí thư chi bộ đề nghị “chị có cách gì giúp để có củi đun”.
Nhìn những gương mặt nhợt nhạt vì lũ đuổi chị bỗng nhớ đến chị em tiểu thương, những người thường đồng cam cộng khổ với bà con khi hoạn nạn. Chị bấm di động gọi anh Duyên, Giám đốc Công ty Chợ: anh vận động tiểu thương mua củi, dầu lửa, mắm muối chở gấp xuống cho dân.
Không chỉ củi, dầu lửa, mắm nêm mà cả cơm nắm được chị em chợ Hàn, chợ Cồn và các nhà từ thiện huy động, nấu đưa về.
Mưa ngừng nhưng nước thượng nguồn vẫn đổ về, nước vẫn lên. Hòa Tiến trắng xóa nước. Nhìn con đường sắt như sợi chỉ giữa biển nước mênh mang, chị xắn quần cùng Phó ban Dân vận Hồ Thị Kim Thanh, lội! Nhiều chỗ các chị phải bò vì nước lũ xói lở chỉ còn đường ray. Thấy các chị, cán bộ và người dân Hòa Tiến rất mừng: Điện thoại không gọi được, giếng ngập hết rồi, không mưa không có nước, các chị có cách gì giúp dân có cái ăn trước mắt? Chị bấm di động gọi đồng chí Bí thư Huyện ủy Hòa Vang: Đề nghị các anh lấy ca nô chở gấp cho Hòa Tiến mấy tấn gạo. Một giờ sau, gạo về đến Hòa Tiến. Chị lại điện về đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Bá Thanh: Chỉ anh mới quyết được nước uống cho dân, đề nghị anh chỉ đạo Công ty Cấp nước cho xe tẹc chở nước xuống và mua một số can nhựa đựng nước để chuyển đến các nhà dân. Thế là lương thực và nước uống cho một bộ phận dân vùng lũ được giải quyết.
Cả vùng lũ bị cắt điện, chị nghĩ dân sẽ đương đầu như thế nào với bóng đêm? Chị liền “ới” Chủ tịch các hội đoàn thể: Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, Nông dân… Chị còn dặn mua nến đỏ. Có người hỏi: sao phải nến đỏ. Chị bảo dân cữ nến trắng chớ sao.
Qua lần đó, chị rút ra một điều là phải đến tận nơi mới biết dân cần gì. Chị xắn quần lội, da chị như trứng gà bóc, trằng ngần giữa nước lụt, giữa bùn đất. Người dân vùng lũ không “chìm” bởi có những người cùng “bơi” như chị. Nhiều cán bộ huyện sau này mỗi lần gặp chị cười, nhắc “dân Hòa Vang trông lụt lắm”!
Chị cười rất tươi: làm được cái gì cho dân, dù nhỏ cũng vui.
Nói chuyện với chị tôi mới thấy đằng sau vẻ nền nã, đằm thắm ấy là một sức mạnh và ý chí kiên cường. Cha đi tập kết lúc chị mới 4 tuổi, chị theo mẹ lên Hiệp Đức. Mẹ chị đẹp, bị địch o ép cuối cùng phải chấp nhận cho yên thân. Chị về với nội khi lên 9. Điện Thọ, Điện Bàn quê chị bom đạn ngày đêm, xe tăng địch cày ủi xóm làng. Mỗi người dân là một chiến sỹ, còn bé nhưng chị cảnh giới, bảo vệ các chú cán bộ khi đến ở trong nhà, chuyển thư từ, thông tin đến cơ sở, đào hầm bí mật, vót chông, tham gia du kích, cứu chữa anh em bị thương. 17 tuổi chị đã về công tác tại Huyện ủy Điện Bàn. Thời gian này cuộc chiến đang vào hồi ác liệt. Chứng kiến cảnh tàn sát tại Thủy Bồ, La Thọ chết hàng trăm người dân, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em càng làm cho chị ý thức rõ hơn con đường chị chọn là đúng đắn.
Cuối năm 1972 chị được điều về Hội Liên hiệp Phụ nữ đặc khu Quảng Đà, lúc ấy mới 22 tuổi. Nhiều người nói: trẻ thế về “cơ quan mẹ chị” làm sao sống được! Nhưng chị thấy mình trưởng thành hơn, chững chạc hơn bởi như sống trong gia đình, được mẹ, được chị chỉ bảo, điều mà chị không được hưởng từ lúc lên 9. Tại Đại hội Phụ nữ đặc khu Quảng Đà năm 1973, chị trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ đặc khu và là 1 trong 2 ủy viên Ban chấp hành trẻ nhất. Thời gian này ta đánh mạnh về cả quân sự, chính trị và ngoại giao. Hiệp định Pari được ký kết nhưng địch vẫn cho quân lấn chiếm vùng giải phóng. Đặc khu ủy Quảng Đà đã thành lập nhiều đội công tác về vùng sâu, vùng ven các quận lỵ, thị trấn, sát vùng địch để nói cho dân hiểu ý nghĩa hiệp định Pari. Ban ngày nằm dưới hầm, đêm vào trong dân, nằm dưới công sự chị đọc nhẩm bài, bắt đầu từ “Kính thưa các bác, các cô, các anh, các chị…”. Sau buổi nói chuyện chị nhờ các anh các chị trong đội công tác góp ý để buổi sau nói tốt hơn. Từ buổi tập sự ấy chị không ngừng phấn đấu vươn lên để sau này thành cán bộ vận động quần chúng của Đảng.
Ngày 29 tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng được giải phóng. Chị đã gặp lại cha sau 21 năm dài xa cách, một con số chia cắt gấp 10 lần dự tính. Cha con gặp nhau, vừa khô nước mắt mừng tủi là lao theo công việc. Hội Phụ nữ cho họp cán bộ phụ nữ nội thành phổ biến nhiệm vụ: nấu cơm nước phục vụ cán bộ và bộ đội tại chỗ và đưa lên đường I phục vụ bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn. Vận động chị em dọn vệ sinh đường phố, giúp đỡ gia đình các nơi khác chạy vào Đà Nẵng đang ở tạm bợ tại các trường học, vỉa hè về lại quê cũ làm ăn… Sau đó là khắc phục hậu quả chiến tranh: giải quyết các vấn đề xã hội cũ để lại, vận động tổ chức cho chị em làm việc tại chỗ, đi kinh tế mới, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Người dâu hiếu thảo”…
Năm 1977, tại Đại hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ V, chị được bầu vào Ban Thường vụ Hội. Năm 1982 chị được tổ chức cho đi học trường Nguyễn Ái Quốc cao cấp tại Hà Nội, lúc ấy con gái đầu mới lên 7 tuổi, con trai út mới 4 tuổi. Khi sắp xếp áo quần để đi học, con cứ quanh quẩn bên mẹ. Chị bồng con, nước mắt lăn dài. Chị không muốn xa con chút nào nhưng nghĩ trong chiến tranh bao chị em vì nhiệm vụ mà rứt ruột gửi con về gia đình hoặc hậu phương đó thôi, và chị thấy cần trang bị kiến thức cho công việc. Vậy là chị lau nước mắt đứng lên. Quyết tâm vậy nhưng khi đến trường soạn giấy bút ra, nhìn thấy bàn chân con còn in trên giấy chị lại nhớ con quay quắt, chỉ muốn chạy về với con ngay nhưng lại lau nước mắt, căng óc quyết nghĩ về bài vở.
Từ năm 1987 – 1997 Đại hội Phụ nữ Quảng Nam – Đà Nẵng lần thứ VII, VIII, chị được bầu làm Chủ tịch Hội. Vừa bước vào thời kỳ đổi mới nên có nhiều phong trào: “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Đỡ đầu, nuôi dưỡng, chăm sóc con liệt sỹ”, “Người con hiếu thảo”, “Áo ấm mùa đông chiến sỹ”, “Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng”… Các chị chia nhau về huyện, thị, vùng dân tộc ít người như Hiên, Giằng, Trà My của tỉnh. Bà con rất hưởng ứng, ngày làm, tối họp, có khi đến 1, 2 giờ sáng.
Năm 1994, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” lần đầu tiên. Quảng Nam – Đà Nẵng có trên 1.200 bà mẹ được phong tặng, con số cao nhất nước. Tổng công ty xăng dầu PETEC nhận trợ cấp thường xuyên và đề nghị Hội Phụ nữ đứng ra tổ chức. Lúc đó chưa có nơi nào tổ chức nên các chị lúng túng, không biết dùng từ gì ghi lên phông, tìm mãi mới thấy từ “phụng dưỡng” là phù hợp nhất. Thế là chiếc phông in “Lễ nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và từ đó trở thành phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”của cả nước.
24 năm làm ở Hội Liên hiệp Phụ nữ trong đó 10 năm làm Chủ tịch Hội, 3 khóa liên tiếp tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 4 khóa tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố. Cơm áo gạo tiền, sinh đẻ, hạnh phúc của chị em luôn đồng hành với chị. Thậm chí cả trong thời gian chị làm Trưởng ban Dân vận. Chị thường xuyên về với dân, nhất là trong đợt triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, 12 đêm liền chị đến từng thôn của xã Hòa Tiến để cùng cán bộ thôn, xã giúp người dân hiểu quyền và nghĩa vụ của mình. Chị còn là “Tổng chỉ huy” đưa các đơn vị bộ đội hành quân dã ngoại về giúp dân các xã miền núi huyện Hòa Vang. Chị đến từng xã: Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Sơn… động viên anh em tham dự các sinh hoạt cùng với các đoàn thể ở địa phương.
Chị cười rất tươi và hỏi tôi: Em biết khi được bầu vào Đại biểu Quốc hội, chị mừng vì cái gì không?
Tôi ngẫm nghĩ: chẳng lẽ… Chị cười: Mừng vì thấy luật quy định quyền Đại biểu rất lớn.
Tôi bật cười, hiếm có người mừng ra mặt vì được giao quyền như chị!
Chị nói: Mừng vì được sử dụng quyền này để giúp dân nhiều hơn. Ngoài quyền quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, quyền lập hiến lập pháp còn có quyền giám sát. Lâu nay cần gì thì chị “ới” và luôn được đồng thanh tương ứng nhưng cũng chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền thường nhật. Những việc lớn hơn, nhạy cảm hơn, bức xúc về quyền và lợi ích của dân thì chị không có thế mạnh nào để can thiệp. Bây giờ không chỉ được nghe dân nói những điều… nhạy cảm mà là Đại biểu Quốc hội, chị còn có quyền làm việc với Tòa án, Viện Kiểm sát, các ngành các cấp! Nhất là chị lại được phân làm Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Có nghĩa chị sẽ đi sâu đi sát dân hơn qua những buổi tiếp xúc cử tri theo luật định và được tổ chức, giám sát việc thực thi luật pháp và nghị quyết Quốc hội tại địa phương.
Để có thể giám sát việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội chị phải nghiên cứu từng luật có liên quan đến nội dung khiếu nại của công dân, mời các ngành nội chính, tư pháp tham gia vì các ngành am hiểu sâu về luật để phân tích đúng sai trong quá trình thực hiện. Chính sự tranh thủ này đã tạo thêm sức mạnh cho chị để tổ chức các cuộc giám sát thành công.
Cuộc giám sát đầu tiên của chị là giám sát việc ra quyết định bản án của một Tòa án cấp quận. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của công dân, xem xét tài liệu liên quan đến bản án chị thấy có dấu hiệu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Chị bố trí cho Văn phòng Đoàn, các chuyên viên đến địa phương và các ngành liên quan tìm hiểu, xác minh, thu thập thêm nhiều chứng cứ. Tất cả cho thấy nhận định ban đầu của chị là đúng. Chị tổ chức mời đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Địa chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (nơi có vụ việc), đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân. Với vai trò chủ trì, chị đề nghị các ngành căn cứ quy định của pháp luật để xem xét bản án đã tuyên là đã đủ cơ sở pháp lý hay chưa? Chị hỏi từng ngành một thì đồng chí nào cũng thừa nhận bản án kết luận thiếu cơ sơ pháp lý, vi phạm pháp luật. Đặc biệt, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố nói: nếu Tòa án nhân dân thành phố không ra quyết định hủy bản án sơ thẩm thì Viện Kiểm sát nhân dân thành phố sẽ ra quyết định kháng nghị bản án và đề nghị xét xử lại. Cuối cùng Tòa án nhân dân thành phố phát biểu thừa nhận bản án của Tòa án nhân dân quận thiếu cơ sở pháp lý, ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và xét xử phúc thẩm buộc người có tài sản phải thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Từ kết quả đầu tiên đó chị đã mạnh dạn tổ chức nhiều cuộc giám sát. Trước mỗi cuộc giám sát phải chuẩn bị hết sức công phu, từ nghiên cứu hồ sơ, đi thực tế, xác minh đối chiếu những nội dung làm đúng hay chưa đúng so với pháp luật quy định, chuẩn bị lý lẽ phân tích sắc sảo để đơn vị làm sai thấy được điểm sai phải sửa. Sau giám sát chị vẫn “đeo bám” đến cùng, cho đến khi cơ quan làm sai sửa lại các quyết định ban hành sai, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Một việc cũng rất tâm đắc với chị là giám sát việc thi hành Nghị quyết 388/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Giải quyết các án oan sai”. Trong quá trình tiếp xúc cử tri, chị biết có những vụ làm cho người dân hết sức bức xúc. Khi nhận đơn xin cứu xét thì thấy cái khó của những vụ này là xảy ra đã quá lâu, 25 năm, 28 năm, trước khi Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách tỉnh. Hồ sơ thất lạc, không đủ chứng cứ. Sau khi nghiên cứu kỹ tài liệu, tham khảo ý kiến những người hiểu luật pháp, chị cho mời các cơ quan nội chính và tư pháp (cả của thành phố và Trung ương đứng trên địa bàn) đến dự. Chị nêu vấn đề và mong đóng góp biện pháp giải quyết. Các cán bộ đều nói “chia sẻ bức xúc của người dân nhưng lâu quá rồi và hồ sơ thất lạc nên không thể làm”. Chị đề nghị “các đồng chí hãy đặt mình vào vị trí của người dân để hiểu bức xúc của họ và xem còn biện pháp gì không?”. Có người nói “chỉ còn một cách, nếu chị giỏi thì lên Trung ương đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo thì các ngành ở địa phương mới phục hồi lại hồ sơ để xử lý!”
Chị mừng quá: Thế là vẫn có cách để giải quyết. Sau khi xin ý kiến Trưởng Đoàn, nêu lại diễn biến các vụ án và kèm theo tài liệu được xác định là “oan sai”, chị gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Phòng gửi qua bưu điện thất lạc, chị chuẩn bị sẵn tài liệu và ngay kỳ họp Quốc hội sau đó, chị đã gặp và trao tận tay Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và còn “đe”: “không xử lý thì tôi sẽ đưa ra chất vấn trước Quốc hội!”
Khi được trả lời bằng văn bản, chị fax ngay về văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và chỉ đạo Văn phòng Đoàn cung cấp cho đài báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để tạo dư luận đồng tình trong nhân dân. Oan sai được giải quyết, chị tiếp tục giám sát các cơ quan gây ra oan sai họp dân để xin lỗi công dân và theo dõi cả việc xin lỗi trên mặt báo, đúng 3 lần theo luật. Cứ tưởng vậy là xong nhưng những người được giải quyết oan sai không chấp nhận đền bù về vật chất “1 ngày tù bằng 3 ngày lương” mà theo họ “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Chị lại đứng giữa, thuyết phục người bị oan sai: thiệt hại của các anh không gì bù đắp nổi, đền bù chỉ là một phần. Người thực hiện cũng không thể vượt quy định. Các anh nhận đi, khi nào Bộ Tài chính ra quyết định mới sẽ thực hiện bổ sung…
Những người được xóa oan sai rút đơn trước hết là nể phục chị, thương chị chứ xem ra vẫn chưa chịu cái… quy định của Nhà nước. Họ cảm ơn Đoàn Đại biểu Quốc hội, vì trước đó họ đã “gõ cửa” nhiều nơi nhưng không nơi nào giải quyết. Đến nay, mặc dù nhiệm kỳ Quốc hội đã đi qua nhưng những công dân này vẫn liên lạc thăm hỏi chị và các Đại biểu Quốc hội khóa XI. Họ nói: không bao giờ họ quên ơn tái sinh.
Chị nghiệm ra rằng làm Đại biểu Quốc hội cần cái tâm và bản lĩnh. Phải bám vào luật pháp, lấy luật pháp làm chuẩn và phải biết quy tụ những người có tâm, có trình độ, chuyên sâu về pháp luật để bảo vệ lợi ích cho dân. Điều này thì chị có “thâm niên” từ hồi làm công tác phụ nữ, công tác dân vận! Chỉ có vậy thì tạo nên sức mạnh cho người Đại biểu Quốc hội hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó.
Trong 5 năm, “bà nghị” Vân Lan đã tổ chức 33 cuộc giám sát, đối thoại với các cơ quan chức năng để bảo vệ pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Dù nhiều khi truy đến cùng, đeo bám đến cùng nhưng chị vẫn được các đồng chí trong ngành nội chính, tư pháp yêu quý. Tuy hết nhiệm kỳ Quốc hội nhưng mỗi lần hội thảo về quyền giám sát – quyền thứ ba của Đại biểu Quốc hội – nhiều nơi vẫn mời chị.
Ít ai biết ngay từ thời gian đầu gánh vác trọng trách của một nghị sỹ, chị còn gánh vác cả gia đình. Chồng chị bị tai biến. Người tai biến khi qua khỏi cơn nguy kịch thường tâm lý bi lụy, hay tủi hay hờn. Trừ những lúc đi công tác, chị chăm lo cho anh từng ly từng tí, 9 năm ròng rã.
Ngày chị nghỉ hưu cũng là ngày chị nhận công việc mới: Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng – Một tổ chức do đồng chí Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sáng lập. Hội có nhiệm vụ vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tài trợ tiền và hiện vật để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chị nói “Trong chiến tranh công việc gắn với phụ nữ và trẻ em, hòa bình và cả khi nghỉ hưu chị cũng gắn với phụ nữ và trẻ em”. Chỉ khác mỗi một điều: trước đây là được giao còn bây giờ là theo tiếng gọi của trái tim. Và chị lại phát huy thế mạnh của mình là uy tín để “ới” các công ty, các doanh nhân. “Ới” ra Hà Nội, “ới” vào thành phố Hồ Chí Minh. “Ới” qua cả đại dương để vận động Trung tâm Cedaw Siner Center của Mỹ ủng hộ 272 chiếc giường Hilroom (mỗi chiếc giá 25.000 đôla), 40 máy tính to phục vụ việc theo dõi bệnh và nhiều thiết bị hiện đại cho Bệnh viện Ung thư. Cũng qua vận động của chị, mỗi dịp Tết đến hàng trăm phụ nữ, trẻ em, bệnh nhân được nhận quà để giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã hỗ trợ chữa trị cho 450 em bị tim bẩm sinh, xây 126 căn nhà cho phụ nữ đơn thân không có nhà ở. 126 chị em làm đủ nghề: chai bao, phụ hồ, gánh nước thuê, bán vé số… nhưng đều là đơn thân, nuôi con. Chị không sao quên được buổi trao quyết định cấp nhà cho họ, nước mắt hòa lẫn nụ cười trên những gương mặt rám nắng.
Hội đã xây và đưa vào hoạt động Bệnh viện Phụ nữ, chữa trị miễn phí cho phụ nữ bị ung thư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và giảm 80% cho việc điều trị các bệnh khác. Sắp đến đây, bệnh viện ung thư được khánh thành và có cơ chế miễn giảm viện phí cho bệnh nhân ung thư nghèo.
Chị nói Hội là nơi hội tụ những trái tim hồng với các số phận bất hạnh. Vì vậy sẽ còn nhiều con số nữa, mỗi con số là một cuộc đời mới được mở ra.
Ngoài công việc ở Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh chị còn tham gia tư vấn cho Trung tâm hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, đi sâu mảng “phòng chống bạo lực gia đình”. Chị thường có các buổi nói chuyện về “kỹ năng sống”, “kỹ năng ứng xử” giúp chị em một phần kiến thức để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Những ngày 8/3, 20/10, ngày gia đình Việt Nam 28/6, chị luôn có buổi nói chuyện. Chủ đề rất sát thực: “Làm thế nào để thành công hơn trong công việc và bảo vệ được hạnh phúc gia đình”, “Chúng ta làm gì để bảo vệ hạnh phúc gia đình”… Chị rất vui vì thấy mình vẫn có ích cho đời.
Tôi được tham dự một buổi nói chuyện của chị nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Chủ đề buổi nói chuyện là “Chúng ta làm gì để bảo vệ hạnh phúc gia đình”. Thính giả là cán bộ sỹ quan quân đội nhưng họ rất chăm chú nghe bởi chị nói những điều gần gũi. Là quân nhân nhưng ai cũng có gia đình, công tác bận rộn dễ dẫn đến sơ sót trách nhiệm với gia đình, đặc biệt là quan tâm chăm sóc con cái trước những cám dỗ của xã hội. Trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng, yêu thương và chia sẻ, chị trao đổi rất nhiều kinh nghiệm để xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.
Bằng những tích lũy trong cuộc sống, trong công tác, nhất là trong công tác phụ nữ và làm nghị sỹ Quốc hội, bằng trái tim và nhiệt huyết của mình, bằng gương mặt tươi tắn, giọng nói truyền cảm chị đã để lại cho người nghe những ấn tượng tốt đẹp, những hình ảnh khó quên và cũng từ đó nhắc nhở họ có trách nhiệm hơn với gia đình và con cái.
Tôi luôn theo dõi các cuộc thi hoa hậu. Nó không chỉ hấp dẫn ở sự thi thố sắc đẹp mà cả trí tuệ và tấm lòng. Vì vậy tôi cũng tràn đầy xúc động khi người đẹp đưa cao chiếc quyền trượng trong nước mắt chan hòa.
Tôi nghĩ chị cũng vậy. Chị không chỉ đăng quang bởi sự dịu dàng, đằm thắm mà bằng cả công việc của mình. Chiếc quyền trượng mà nhân dân đã trao cho chị sẽ mãi mãi cùng chị bởi nó được tiếp thêm sức mạnh của nhịp đập trái tim.
Nguyễn Thị Thu Sương