Việc đòi bày tỏ tình cảm cho đến “bị”… đánh đối với các nữ cán bộ tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng là chuyện thường ngày.
Gặp “người yêu” mới… chịu ăn
Mấy ngày nay, bệnh nhân Trần tuyệt thực vì y tá Ngô Thị Kim Hồng (50 tuổi) nghỉ làm. Suốt cả ngày, Trần lang thang, gặp ai cũng ngơ ngác hỏi: “Hồng đâu rồi” và lại phá lên cười một mình. Đến giờ cơm, không thấy bóng dáng chị Hồng, anh không chịu ăn cơm, “quyết tâm” tuyệt thực vì không gặp được người trong mộng khiến các cán bộ ở đây phải dỗ dành mãi.
Với những nữ cán bộ ở Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng, ai cũng có vài đối tượng “để ý”. Cách thể hiện tình yêu của các bệnh nhân tâm thần cũng thật đặc biệt. Có người thơ thẩn suốt ngày, hái hoa dại tặng người họ yêu. Có người luôn hỏi thăm nếu không thấy bóng nữ cán bộ đó. Một lần, chị Hồng còn nhận được cả xấp tiền lẻ, toàn tờ 2.000 đồng, 1.000 đồng của anh Trần “tặng”. Thì ra đó là tiền các tổ chức từ thiện đến thăm và cho anh làm quà được anh giấu kỹ từ lâu lắm, thay vì đi mua thuốc lá như các bạn thì để dành tặng chị Hồng. Vừa xúc động, vừa buồn cười, chị Hồng phải nói mãi anh mới chịu nhận lại số tiền.
“Bị” yêu là chuyện thường, nhưng bị đánh cũng không ít. Hơn 20 năm chăm sóc người bệnh, không ít lần chị Hồng hứng chịu những cái đánh, xô ngã bất ngờ khi họ lên cơn. Năm ngoái, chị phải điều trị hơn một tuần tại Bệnh viện Đà Nẵng do bị bệnh nhân Nguyễn Văn Thành đánh mạnh vào đầu, mang thương tật 35%. Xòe bàn tay có ngón bị tật, chị cười: “Đây là “kỷ niệm” của lần bị một nam bệnh nhân xô vào cửa và cửa kẹp trúng tay phải tháo khớp. Giờ đã thành tật”.
Khi bị đánh, các nữ cán bộ tìm cách thoát thân là “thượng sách”. “Đâu phải lúc nào cũng chạy kịp. Có lúc họ lên cơn bất thần, không kiểm soát được hành vi thì mình đành phải… chịu trận”, chị Huỳnh Thị Như (36 tuổi), nhân viên Trung tâm, bộc bạch. Không ít lần bầm tím cả người vì bị đánh từ phía sau, chị Như cũng đã quen “đòn” và học cách nhìn sắc mặt đoán… hành vi để “tẩu” cho thiệt nhanh.
Chăm người bệnh như chăm… con
Dịu dàng, tỉ mỉ, chu đáo… là những nhận xét mà Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Được dành cho 26 cán bộ nữ của mình (toàn Trung tâm có 50 cán bộ, nhân viên). Hơn nữa, khi làm việc ở đây, các chị phải rèn luyện bản lĩnh “thép”. Đối với nữ, nhất là nữ cán bộ trẻ tuổi, việc tắm rửa, kỳ cọ cho các nam bệnh nhân y như người thân của mình không hề đơn giản. 347 bệnh nhân là 347 mảnh đời bất hạnh với những tính cách, loại bệnh tật khác nhau. “Đã làm ở đây thì dẹp bỏ hai chữ “xấu hổ”, bởi tất tần tật mọi việc từ cho ăn, uống thuốc, tắm rửa… cho người bệnh giống như chăm một đứa trẻ thì tụi mình đều phải đảm đương”, chị Như nói. Mỗi “đứa trẻ” lớn tuổi là một tính nết khác nhau, khi khóc khi cười, khi nổi giận chống đối, thậm chí hành hung cán bộ. Có những khi người tâm thần bị ốm, các chị lại thay phiên nhau túc trực trong bệnh viện 24/24 giờ.
Cách đây không lâu, khi chị Như và các đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân Cao Văn Hải tại Bệnh viện Đà Nẵng do anh bị tắc ruột phải mổ, những người bệnh xung quanh cứ tưởng chị là… vợ anh. Từ việc ăn uống cho đến giúp anh thay rửa ổ bụng, đi vệ sinh đều do các chị làm. Tết Nguyên đán vừa qua, các chị thay phiên nhau trực trong bệnh viện đến 27, 28 Tết.
Cắt nghĩa nguyên nhân gắn bó với bệnh nhân tâm thần hơn 20 năm, y tá Thảo cười: “Mình đã quen và yêu công việc này rồi. Hơn nữa, những lúc tỉnh, họ cũng rất đáng yêu. Càng gần gũi họ, mình càng cảm thấy họ cần mình bởi khái niệm “gia đình” với họ gần như không còn”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ