Liên minh cầm quyền Đức ngày 27/11 đã nhất trí về quy định, buộc những công ty lớn của nước này đảm bảo ít nhất 30% vị trí trong ban kiểm soát công ty phải được bố trí cho nữ giới.
Luật sẽ được chính phủ thông qua trong tháng 12 và áp dụng từ năm 2016. Dự kiến, khoảng 100 công ty phải áp dụng luật mới này để tái cơ cấu nhân sự, bên cạnh 3.500 công ty quy mô nhỏ hơn cũng tiến đến đặt “quota” cho lãnh đạo nữ.
Ban kiểm soát công ty là bộ phận có nhiệm vụ giúp cổ đông kiểm soát hoạt động quản trị và quản lý điều hành công ty. Các doanh nghiệp ở Đức hiện vẫn còn chậm một bước so với quốc hội nước này khi có đến 40% ghế trong quốc hội thuộc về nữ giới. Hiện 80% vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp Đức do nam giới nắm giữ. Trong 160 công ty đã phát hành cổ phiếu tiếng tăm nhất ở Đức, chỉ có 17,4% thành viên ban kiểm soát và 6,1% thành viên hội đồng quản trị là phụ nữ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: “Luật mới là bước đi quan trọng về bình đẳng giới”. Bà Manuela Schwesig, Bộ trưởng các vấn đề phụ nữ nói: “Chúng ta có đủ nhân sự nữ giỏi để đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong một doanh nghiệp lớn”.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo của nhiều công ty lớn của Đức đã chỉ trích quy định trên. Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Đức Ulrich Grillo cho rằng, việc này cản trở hiệu quả sản xuất và công việc.
Những biện pháp tương tự để nâng cao bình đẳng giới đã được áp dụng ở nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Na Uy, Italia, Hà Lan. Nỗ lực đẩy mạnh vai trò nữ giới cũng là một trong những chính sách ưu tiên của Ủy ban châu Âu (EC). Tháng 9/2012, cơ quan này đã soạn thảo một dự luật, theo đó đặt chỉ tiêu các công ty của Liên minh châu Âu (EU) đã lên “sàn” phải tăng số lãnh đạo nữ lên 40% trước năm 2020. Nếu không, họ sẽ bị tước hợp đồng giao dịch với các cơ quan nhà nước.
ANH THÔNG (Theo Deutsche Welle, Spiegel Online)