Làm sao để bé không bị bệnh trong mùa đông?’ là băn khoăn của hầu hết cha mẹ. Bởi vì đây là khoảng thời gian virus gây cảm lạnh, cảm cúm ‘hoành hành’ dữ dội nhất trong năm.
Điều nên làm
Rửa tay cho mẹ và cho bé: Rửa tay thường xuyên là việc đơn giản nhưng hiệu quả nhất để đánh bật vi trùng gây cảm. Vì thế, cần rửa tay của bạn sau khi thay tã hoặc xỉ mũi cho con, cũng như trước khi chuẩn bị đồ ăn.
Đồng thời, cũng nên rửa tay cho bé thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi bé đi nhà trẻ (mẫu giáo) hoặc ra bên ngoài về.
Bạn không nhất thiết phải tìm mua đúng loại xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh tay cho bé, bởi vì, bất kỳ loại xà phòng nào cũng có khả năng tẩy vi trùng trên bề mặt da.
Cần thống nhất để người trông bé cũng rửa tay thường xuyên. Nếu bé đi nhà trẻ, cần chắc rằng, nhà trẻ của con duy trì thói quen vệ sinh.
-Tiêm chủng đầy đủ: Bé sẽ được bảo vệ khỏi virus và vi khuẩn nếu được tiêm chủng theo định kỳ. Bé cũng có thể được tiêm phòng cúm mỗi năm bắt đầu từ khi bé được 6 tháng tuổi.
– Tăng miễn dịch cho bé tự nhiên: Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong nửa năm đầu đời là cách tăng miễn dịch cho bé. Khi bước vào tuổi ăn dặm, đảm bảo bé luôn được đủ dinh dưỡng từ nguồn thức ăn đa dạng. Cho bé ngủ đủ giấc mỗi đêm cũng như vận động hợp lý trong ngày. Ngoài ra, Vitamin C cũng là một loại “thần dược” khá phổ biến trong việc phòng chống cúm và tăng miễn dịch cho trẻ.
Khi bé bị ốm
Một số bé bị cúm vài lần trong năm, nhất là trong những tháng mùa đông. Khi ấy, cha mẹ cần lưu ý một số điểm sau:
– Tra thuốc nhỏ mũi cho bé: Dung dịch vệ sinh mũi dạng muối sinh lý giúp làm loãng dịch mũi và khiến bé dễ thở. Để đạt kết quả tốt nhất, nên dùng thuốc tra mũi dạng nhỏ giọt (không phải dạng phun sương) cho bé: hơi ngả đầu bé về phía sau, nhẹ nhàng nhỏ 1-2 giọt vào mỗi bên mũi của bé. Sau đó, nhẹ nhàng lấy đi dử mũi cho bé.
– Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ: Bé càng nghỉ ngơi tốt thì càng sớm hồi phục. Nếu bé không muốn nằm yên trên giường, bạn có thể tìm một số hoạt động để chia sẻ với bé: đọc sách cho bé, chơi với con rối…
– Tránh cho bé bị mất nước: Bé bị mất nước rất nhanh khi ốm, nhất là khi kèm sốt hoặc tiêu chảy. Để bù nước cho bé, nên cho bé ti mẹ hay bú bình thường xuyên. Nếu bạn nghi bé đang mất nước, cho bé uống thêm nước lọc hoặc dung dịch bù nước, với bé trên 4 tháng tuổi nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ. Với bé ăn dặm, có thể cho bé uống thêm nước quả như nước cam hoặc nước dưa hấu pha loãng.
Đưa bé đi khám
Phần lớn virus gây bệnh sẽ bị tiêu diệt trong vòng một vài ngày nhưng cũng có khi bệnh tiến triển nặng hơn, cần được điều trị. Nên đưa bé đi khám nếu thấy bé kéo tai (có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai); khò khè hoặc khó thở (có thể do viêm phổi, viêm phế quản); tiêu chảy hoặc nôn (có thể dẫn tới mất nước); sốt cao…/.
(Theo Mẹ và Bé)