Sáng 13-11, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” từ năm 2007 đến nay và triển khai thực hiện Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ và Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến chủ trì hội nghị. Đến dự có Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều cách làm hay
Báo cáo tại hội nghị cho biết, qua 5 năm thực hiện, đến nay công tác phụ nữ của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tập trung ở 5 nội dung trọng tâm, bao gồm: nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; thực hiện tốt pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, giàu lòng nhân hậu; xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng, củng cố tổ chức Hội thực sự vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ.
Đến nay, các cấp lãnh đạo thành phố đã có nhiều chính sách, việc làm cụ thể thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ đối với công tác phụ nữ thành phố như: đầu tư xây dựng, bố trí 461 căn nhà liền kề và chung cư cho phụ nữ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo (trong đó có 144 căn nhà liền kề cho các chị em phụ nữ đơn thân thuộc diện hộ nghèo); xây dựng Bệnh viện Phụ nữ, thành lập Bệnh viện Phụ sản – Nhi, Bệnh viện Ung thư…, góp phần chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.
Đà Nẵng là địa phương có nhiều cách làm hay, riêng biệt nhằm chăm lo lợi ích của phụ nữ như ban hành Chỉ thị 25-CT/TU “Về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố” với sự vào cuộc của toàn xã hội. Đích thân Bí thư Thành ủy đã gặp mặt 130 gia đình thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình. Vai trò và vị trí của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ được khẳng định với trưởng ban là Chủ tịch UBND thành phố, cơ quan thường trực là Sở Kế hoạch-Đầu tư…
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ thành phố triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, mục tiêu như xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy… Đến năm 2011, trên 200.000 lao động nữ được giải quyết việc làm (chiếm 45,7% trong tổng số lao động có việc làm mới); 100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn giải quyết việc làm, cải thiện đời sống từ các nguồn quỹ như: Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Tiếp sức phụ nữ nghèo… Hơn 120.000 phụ nữ được đào tạo nghề ngắn và dài hạn, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động nữ ở thành thị xuống còn 4,9%. Các tổ chức Hội đặc thù được thành lập như Hội nữ doanh nhân, Hội nữ trí thức trẻ; ban hành giải thưởng Chi hội phụ nữ tiêu biểu hằng năm…
Hội nghị còn đi sâu thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt ở các cấp. Theo đó, nhiệm kỳ 2010-2015, cán bộ nữ quy hoạch tham gia cấp ủy toàn thành phố chiếm tỷ lệ 23,33%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm, đầu tư với nhiều chính sách, nguồn ngân sách trợ cấp cho cán bộ nữ đi học. Giai đoạn 2006-2010, toàn thành phố có 167 cán bộ nữ trong tổng số 372 cán bộ được đào tạo sau đại học (chiếm 44,9%); cán bộ nữ có bằng tiến sĩ chiếm 20% số lượng tiến sĩ toàn thành phố, thạc sĩ chiếm 50%, đại học là 51%.
Cần thay đổi nhận thức đối với công tác cán bộ nữ
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Trần Thọ ghi nhận những cố gắng và kết quả mà các sở, ban, ngành, địa phương và các cấp, hội phụ nữ thành phố đã đạt được; biểu dương một số địa phương đã thực hiện vượt chỉ tiêu quy định của Bộ Chính trị về tỷ lệ cơ cấu đội ngũ cán bộ nữ như quận Hải Châu, Thanh Khê. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ, công tác quy hoạch cán bộ nữ của Đà Nẵng còn hạn chế, tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt trên địa bàn thành phố hiện còn thấp, càng lên cao càng giảm. Theo đó, tỷ lệ cán bộ nữ trong ban lãnh đạo chủ chốt ở cấp phường hiện chiếm 27,2%; cấp quận, huyện là 18% và cấp thành phố chỉ 7,3 %…
Nhằm tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo đối với công tác phụ nữ trong thời gian tới, nhất là công tác quy hoạch cán bộ nữ ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt của thành phố, Bí thư Thành ủy Trần Thọ yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần thay đổi nhận thức đối với công tác cán bộ nữ; làm tốt công tác phát hiện, lựa chọn, đánh giá và đào tạo cán bộ nữ giỏi từ cơ sở và mạnh dạn giao việc cho cán bộ nữ; hiện thực hóa việc quy hoạch và luân chuyển cán bộ nữ. Ban tổ chức cấp ủy các cấp khi trình cấp trên phê duyệt về cơ cấu nhân sự phải có cán bộ nữ, nếu không có tại chỗ thì có thể điều động, luân chuyển từ nơi khác đến.
Công tác phụ nữ trong thời gian tới cũng hết sức chú ý đến các vấn đề như: bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, bạo lực gia đình; quan tâm và tạo điều kiện về đời sống tinh thần và vật chất cho phụ nữ. Các cấp, ngành, lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển.
Một số chỉ tiêu cụ thể về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo trên địa bàn thành phố: phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 từ 25% trở lên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thành phố và các xã nhiệm kỳ 2016-2021 trên 35%; năm 2015 đạt 80%, năm 2020 đạt trên 95% các cơ sở và cơ quan tương đương thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; năm 2015 đạt 70%, năm 2020 đạt 100% số cơ quan Đảng, đoàn thể và quản lý Nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ, nếu ở đó có trên 30% nữ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. |
Khánh Hòa
(Nguồn: Báo Đà Nẵng)