(theo tài liệu nghiên cứu của Thy Hảo Trương Duy Hy-
Nhà Nghiên cứu danh nhân văn hoá Quảng Nam – Đà Nẵng)
Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà
I. Nữ sĩ Bảo Hoà – Nhà văn hoá
Nữ sĩ Bảo Hoà tên thật là Huỳnh Thị Thái, sinh năm 1896 tại xã Hoà Minh, thành phố Đà Nẵng ngày nay. Thân sinh nữ sĩ là cụ Huỳnh Phúc Lợi, thân mẫu là bà Bùi Thị Trang. Gia đình nữ sĩ thuộc hàng khá giả, chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Cụ Lợi từng là thành viên của Phong trào Nghĩa Hội do các cụ Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo.
Lúc nhỏ, nữ sĩ học chữ Nho do thân phụ dạy, sau đó chuyển qua tự học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Đặc biệt nữ sĩ chưa qua một trường lớp chính quy nào (Lúc bấy giờ, thời kỳ thập niên cuối thế kỷ XIX và thập niên đầu thế kỷ XX thì nơi nữ sĩ được sinh ra không có trường dạy chữ Nho, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp. Ngay ở thành phố Tourane-tức Đà Nẵng ngày nay cũng mới chỉ có một vài lớp dạy chữ Quốc ngữ- theo tác giả) vậy mà nữ sĩ viết chữ Pháp một cách lưu loát, làm thơ Đường luật bằng chữ Hán.
Chỉ trong vòng 10 năm kể từ năm 1927 đến năm 1936 nữ sĩ đã cho in được 3 tác phẩm và hoàn thành một số bài đăng trên các bào cùng thời:
1. Tiểu thuyết tâm lý: “Tây Phương mỹ nhân” in tại Imprimerie Bảo Tồn Sài Gòn năm 1927.
2. Viết kịch bản Hát bội vở tuồng “Huyền Trân Công Chúa” in năm 1933
3. Biên khảo “Chiêm Thành lược khảo” in tại nhà in Đông-Tây 193 phố Hàng Bông năm 1936
4. Ký sự “Bà Nà Du ký” in trong tạp chí Nam Phong số 163, 6.1931 và nhiều bài viết cho các báo Thực nghiệp Dân báo Hà Nội, báo Tiếng Dâng Huế, báo Đông Pháp Thời báo, báo Tri Tân Sài Gòn..
Hầu hết nội dung sáng tác của nữ sĩ đều bày tỏ tình yêu nước, muốn cải tiến đời sống nữ giới.
Qua những tác phẩm của nữ sĩ có thể thấy bà là một người rất thông minh, có trí nhớ tuyệt với; do đó, ngoài chữ do thân phụ dạy thì hai ngôn ngữ còn lại do nữ sĩ tự nghiên cứu, tự học.
Những nhà nghiên cứu cùng thời đã có những nhận định, đánh giá về tác phẩm của nữ sĩ. Theo Huỳnh Thúc Kháng-Tiến sỹ Trung kỳ Nhân dân Viện, Viện trưởng viết trong lời “Tựa” đầu sách “Tây Phương mỹ nhân”:
“…để tự tạo thành một nhà văn trong nữ giới, cái công vỡ núi mở đường thật không những ngọn cờ tiên phong cho đạo quân “nương tử” trong làng quần thoa, mà cũng là tiếng trống trên thành phu nhơn làm một tây nữ tướng quân kình địch cho đám mày râu trong trường văn trận. Bạo dạn thật! Khó nhọc thật!”
Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (đại diện cho giới thơ ca miền Bắc) xác nhận nội dung “Tây Phương mỹ nhân” có trọng giá: “…huống chi bách niên giai lão với người mỹ nhân đó là người đàn ông An Nam ta, thời câu chuyện thực đáng chép ra để người An Nam ta cùng biết. Truyện “Tây Phương mỹ nhân” có trọng giá nhất ở chỗ đó…”
Bỉnh bút Đông Pháp Thời Báo Bùi Thế Mỹ (xem như đại diện cho giới báo chí Nam Kỳ) viết trong bài “Bài tựa cuối cùng” với một niềm tin thật đáng yêu: “…Song có một điều là nếu pho sử văn học của nước ta mà có ngày xuất thế, thời tôi tin rằng tiểu thuyết “Tây Phương mỹ nhân” của bà Vương Khả Lãm đây cũng sẽ được liệt vào trong thời kỳ thứ nhất của mục Văn học Tiểu thuyết Đàn bà vậy…”
Trước khi sách “Chiêm Thành Lược Khảo” ra đời, học giả Phạm Quỳnh bấy giờ giữ chức Giáo dục Bộ Thượng Thơ, của triều đình Huế, đã thẳng thắn đánh giá trong lời tựa cho sách này như sau:
“…Nhưng các sách của trường Bác Cổ là bằng chữ Pháp cả, người không biết chữ Pháp thời không đọc được. Nay bà Bảo Hoà tham bác các sách, lược thuật những điều cốt yếu ra chữ quốc ngữ, thật là làm một việc bổ ích, và như trên đã nói bổ được sự khuyết ấy…Nay tựa” (mồng 6 tháng 6 năm Bảo Đại 11).
Cho đến năm 1945 có hơn 10 nhà làm công tác văn học, báo chí, người nghiên cứu, phê bình, đánh giá về các tác phẩm của nữ sĩ, cụ thể như các bài của chủ bút Diệp Văn Kỳ, nhà phê bình Thiếu Sơn, nhà văn Nguyễn Thị Tùng Lương, Ái Lang, Nguyễn Vỹ…
II. Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hoà hoạt động chính trị
Nữ sĩ là một phụ nữ giàu bản lĩnh, giàu nghị lực, thông minh và nhất là có tinh thần cầu tiến, nên lúc thành Bà Vương Khả Lãm, nữ sĩ luôn trau dồi kiến thức, học hỏi. Mặc dù là gái quê nhưng sau khi theo chồng về sống tại số nhà 18 Phan Châu Trinh – Đà Nẵng, nữ sĩ đã sớm thích nghi với đời sống thị thành, đời sống tại một nhượng địa của Pháp hồi đó; chồng của nữ sĩ làm công chức ngành đoan nên có điều kiện để bà tiếp xúc với văn minh Tây phương qua sách vở du nhập vào cảng Đà Nẵng và qua thân hữu của chồng. Những tư tưởng bắt kịp trào lưu tân thời trong tâm trí bà có điều kiện thuận lợi phát triển-phát triển theo chiều hướng hướng thượng.
Thật vậy, lúc 10 tuổi bà đã hiểu được những sự kiện lịch sử trong tỉnh do cha kê lại như phong trào Nghĩa Hội, nghe được câu chuyện cụ sưu kháng thuế của nhân dân địa phương và các tỉnh cận Nam cận Bắc và nay được bồi đắp thêm tư tưởng văn minh tiến bộ của người Tây phương đã khiến nữ sĩ tự vạch cho mình đường tiến về phía trước. Con đường đó là âm thầm hoạt động theo chủ trương của các nhà cách mạng yêu nước đương thời Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu.
Tại Đà Nẵng, nữ sĩ là phụ nữ đầu tiên sử dụng xe đạp đi lại trong thành phố, mặc cho bao nhiêu người dị nghị. Nhưng đối với nữ sĩ, đó là phương tiện giúp bà đi lại thuận tiện hơn.
Đến năm 1927, bà được mời làm phóng viên cho Thực Nghiệp dân báo Hà Nội (Journal Quoctidien Ha Noi) và hợp tác với Hội Phụ nữ ở Huế do nữ sĩ Đạm Phương làm Hội trưởng, tổ chức Hội Phụ nữ tại Đà Nẵng, nữ sĩ được bầu làm Hội trưởng. Là Hội trưởng nhưng bà rất bình dân, gần gũi chị em. Đặc biệt, trong những ngày thành lập Hội ở Đà Nẵng, nữ sĩ có mời cụ Phan Bội Châu vào dự.
Nữ sĩ thường đăng diễn thuyết tại hai nơi: Công quán Tourane (nay là nhà hát Trưng Vương) hoặc tại Hội Lạc Thiện (trên đường Marc Pourpe, nay là đường Phan Châu Trinh). Nội dung những buổi nói chuyện hoặc bà hô hào chị em học chữ Quốc ngữ, hoặc tự mình đọc sách báo, đọc được thư, viết được thư cho người thân quen khi cần thiết… hoặc có buổi bà hô hào phụ nữ phải biết tiết kiệm để đỡ tốn cho gia đình như dùng bồ hòn thay xà phòng, giặt giũ, dùng bời lời chế ra mực viết… và có lúc bà này nuôi con khéo dạy con ngoan… Sự kiện này có thể lấy bản thân bà ra làm kinh nghiệm, khuyên chị em tham gia công tác xã hội, phong trào phụ nữ văn minh…
Đến năm 1926, khi cụ Phan Châu Trinh từ Pháp về Sài Gòn bị bạo bệnh qua đời, nữ sĩ cùng nhóm trí thức Đà Nẵng được tin, lập tức lại bàn việc tổ chức lễ truy điệu một cách trân trọng.
Sự kiện này được ghi lại như sau:
“… đến năm 1926, khi được tin cụ Phan Châu Trinh về Sài Gòn và tạ thế đột ngột, anh em công nhân trong các Hội Ái hữu cùng một số người thanh thế ở Đà Nẵng lúc bấy giờ như Nguyễn Tùng, Phạm Doãn Điềm, Nguyễn Đình Thuần, Huỳnh Thị Bảo Hoà… đứng ra tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh rất trọng thể. Hàng mấy ngàn người kéo về trụ sở Hội đồng thành phố dự lễ tang cụ…” (Trích hồi ký “Mầm sống” của Bí thư Phan Văn Định trong tác phẩm “Buổi đầu gieo hạt”, NXB Đà Nẵng, 1980).
Theo những người từng gặp nữ sĩ thuở đó: nữ sĩ Bảo Hoà còn có tài ăn nói, thuyết phục người đối diện nghe bà; Chị em trong thành phố rất tin tưởng bà và ngoài mặt tuy không nói ra nhưng hầu như nữ giới Đà thành thuở ấy đều kính nế bà.
Có thể nói, những việc nữ sĩ Bào Hoà đã hành động ngoài phạm trù văn học, hồi ấy, nam giới cũng ít người dám làm vì sợ lưới mật thám Pháp, nhất là cả ba con bà đều theo tiếng gọi lên đường phụng sự Tổ quốc dưới lá cớ đỏ Sao vàng từ năm 1945.
III. Nữ sĩ Bảo Hoà với việc nuôi con khéo dạy con ngoan
Bà là người phụ nữ rất nghiêm khắc trong việc dạy con cái và người ăn ở trong gia đình. Bà giáo dục con theo lễ giáo nhà Nho, phải tu thân tề gia, trị quốc nhưng không cố chấp vì thế tinh thần yêu nước sớm nẩy nở trong các con của nữ sĩ.
Người con đầu của nữ sĩ là Vương Khả Hàn, năm 1945 đỗ tú tài, sau ngày cướp chính quyền thành công nữ sĩ cho tham gia cách mạng ngay. Đồng thời nữ sĩ cho người con gái thứ hai là cô Vương Thị Nguyệt thu vừa tròn 21 tuổi tham gia đội “Cứu thương” của Trung đoàn 93. Đầu năm 1951, cô được thuyên chuyển về đơn vị Trung đoàn 120 địa phương quân Quảng Ngãi. Còn thứ nam là ông Vương Khả Thụy cũng lên đường đi theo cách mạng.
Bấy giờ, nữ sĩ và chồng cùng người con gái út là cô Vương Thiên Hương hồi cư về sống tại số nhà 18 Phan Châu Trinh. Ngày 25/5/1951, gia đình nữ sĩ được tin cô Vương Thị Nguyệt Thu hy sinh. Bấy giờ gia đình nữu sĩ đã nằm trong lòng địch nên nén đau thương tưởng niệm người con gái hy sinh cho Tổ Quốc.
Mãi đến sau ngày thống nhất đất nước, gia đình nữ sĩ mới nhận được hồ sơ liệt sĩ của cô Vương Thị Nguyệt Thu; năm 1979 cô Vương Thị Nguyệt Thu được nhận bằng TỔ QUỐC GHI CÔNG do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ấn ký.
Còn ông Vương Khả Hàn và Vương Khả Thụy tập kết ra Bắc năm 1955;
Sau mấy tuần ngã bệnh, ngày 8/5/1982, nữ sĩ đã đi về cõi vĩnh hằng. Linh cửu của nữ sĩ được đưa lên an táng tại Hoà Minh, quê hương của nữ sĩ. Chính nơi đây cũng là nơi an nghỉ của phu quân Vương Khả Lãm và mộ phần người con gái yêu quý của nữ sĩ đó là nữ liệt sĩ Vương Thị Nguyệt Thu được cải táng từ vùng trung du Quảng Ngãi đưa về đây trước thập niên 70 của thế kỷ trước.
Đến năm 1988, gia đình nữ sĩ đồng thuận hỏa thiêu cả ba hài cốt của vợ chồng nữ sĩ và cô Vương Thị Nguyệt Thu cho tro vào ba lọ sành, giao cho anh Nguyễn Thành Nghĩa (cháu ngoại của nữ sĩ) đưa vào thành phố Hồ Chí Minh đặt tại nhà thờ Sao Mai số 45 đường Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp./.