Trong ngành Bưu điện thành phố Đà Nẵng, nói đến cô giao dịch viên Lê Thị Thu Hiền ở Bưu điện Đà Nẵng II thì ai cũng quý mến và cảm phục. Bởi Hiền là một giao dịch viên đặc biệt – một giao dịch viên khuyết tật.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở phường Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), hằng ngày ngoài giờ học Hiền tần tảo giúp mẹ, lo toan bao việc mưu sinh. Nhưng năm học nào Hiền cũng là học sinh khá, giỏi và sau khi học hết THPT đã thi đỗ vào Trường Công nhân Bưu điện II. Đến đầu năm 2000, khi Hiền mới nhận bằng tốt nghiệp thì bị tai nạn giao thông rất nặng. Thế là bao nhiêu gia tài, sản nghiệp, mẹ Hiền đã phải bán đi để cứu chữa con. Ròng rã gần một năm điều trị, các vết thương của Hiền mới lành, nhưng đôi chân không còn nguyên vẹn. Ngày Hiền ra viện, mẹ Hiền đón về mà nước mắt tuôn ròng! Nhìn đứa con gái bé bỏng, gầy rộc, ngồi run run trên xe lăn, chân phải đã bị cắt cụt gần đến bẹn, lòng mẹ Hiền đau như dao cắt. Càng thảm hơn là hai mẹ con đâu còn nhà để ở mà về! Từ đó, Hiền cùng mẹ đã đến ở nhờ nhà của cô Trương Thị Thủy – một người bạn tốt của mẹ ở cùng phường. Mẹ của Hiền phải đi nấu cơm thuê cho sinh viên cho Công ty Dịch vụ Bảo vệ Long Hải (đóng tại địa phương) để kiếm tiền trang trải nợ nần và lo liệu cuộc sống.
Đắng cay, bất hạnh, nhưng những năm qua Hiền đã nêu một tấm gương sáng ngời về ý chí và nghị lực phấn đấu. Không phải thương binh, nhưng Hiền đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”. Sau khi ra viện, Hiền tiếp tục học vi tính, ngoại ngữ và miệt mài rèn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ và bưu chính viễn thông, rồi xin đi làm cho một đại lý bưu điện tại phường. Đồng thời, Hiền còn nỗ lực tham gia các hoạt động thể thao dành cho người khuyết tật và đặc biệt say mê luyện tập môn cầu lông trên xe lăn. Nhiều lúc ngã nhào đau buốt, nhiều lần bong gân, rớm máu, ê ẩm cả người, nhưng lần nào Hiền cũng tự đứng lên, cắn răng chịu đau và kiên trì luyện tập. Khả năng chơi cầu của Hiền ngày càng điêu luyện, được ngành thể dục thể thao Đà Nẵng chọn vào đội tuyển để đi tranh tài với các tỉnh, thành khác và đã đạt nhiều Huy chương vàng tại các kỳ Đại hội thể thao Người khuyết tật toàn quốc. Đặc biệt, Hiền đã hai lần liên tiếp được đứng trên bục cao nhất tại đấu trường Pragames về nội dung cầu lông đơn nữ (2003 và 2005), góp phần làm vẻ vang nền thể thao nước nhà.
Đến năm 2005, Hiền được Ban giám đốc Bưu điện Đà Nẵng tuyển dụng và trở thành Giao dịch viên tại Bưu điện Đà Nẵng II (quận Liên Chiểu). Hằng ngày, mẹ và bạn bè, đồng nghiệp thay nhau đưa đón Hiền đi làm. Hiền năng nổ, hoà đồng với mọi người, không bao giờ tự ti, mặc cảm và dù đi lại khó khăn nhưng chưa lúc nào trễ nãi trong công việc. Khách hàng ai đã tiếp xúc và làm việc với Hiền cũng thấy hài lòng và cảm mến cô giao dịch viên tận tình, chu đáo. Bạn bè, đồng nghiệp ai cũng quý mến bởi khả năng chuyên môn giỏi, tinh thần trách nhiệm cao cùng với tư chất thông minh, tháo vát và lối sống hết mực chan hoà, khiêm tốn. Sau 8 năm ở nhờ nhà chị Thuỷ, giờ Hiền và mẹ đã có được một ngôi nhà xây khang trang, kiên cố tại tổ 11 phường Hoà Khánh Bắc. Trong căn nhà ấy, “tài sản” nhiều nhất là những tấm Huy chương và Bằng khen, Giấy khen các loại. Bây giờ, Hiền đã có mái ấm gia đình rất hạnh phúc, bên người chồng là một kỹ sư điện hết mực yêu thương vợ con.
Bà Lê Thị Ánh Nguyệt – Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng II cho biết: Đây là trường hợp đầu tiên mà lãnh đạo Bưu điện thành phố tuyển dụng khi nhân viên không phải là người có thể trạng bình thường và qua thực tế đã cho thấy quyết định đó là hoàn toàn chính xác.
Giao dịch viên Lê Thị Thu Hiền luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa biết ngoại ngữ, vưà thành thạo vi tính, lại rất hăng say, xông xáo trong các phong trào văn thể mỹ, luôn là tấm gương cho nhiều chị em học hỏi./.
L.V.T