Được phân công về làm Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ đã được gần bốn năm, trong quá trình làm việc và đi cơ sở, tôi đã gặp, đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khiến mình luôn trăn trở và lo âu, nhiều con người luôn làm mình ấn tượng và nhớ mãi… Trong thời lượng của bài viết, tôi xin kể về chị – người bán nước chè xanh với những việc làm nhân ái, tình nghĩa.
Hình minh họa
Đến phường Khuê Mỹ, rẽ vào con đường mang tên K20 nằm cạnh Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, hỏi thăm chị Hai Lựu thì bất kỳ người dân nào trong vùng cũng biết đến người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ, khuôn mặt xương xương khắc khổ và làn da đen sạm. Chị tên là Trần Thị Lựu, sinh năm 1956 và do chị bán nước chè xanh trong Bệnh viện Phụ sản – Nhi nên chị được mọi người gọi là “Chị Hai nước chè”. Nhưng không đơn giản là chị bán nước chè để mưu sinh mà chị còn rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm của bệnh nhân mà không phải bất kỳ ai cũng có thể làm được, tôi xin kể ra một vài trường hợp cụ thể như sau:
Vào khoảng tháng 6/2012, nghe tin có một bệnh nhân nhi 12 tuổi ở huyện Tây Giang – tỉnh Quảng Nam qua đời tại bệnh viện nhưng gia đình quá nghèo không có tiền thuê xe đưa thi thể về quê mai táng. Sau khi biết tình hình, chị liền tạm ngưng bán nước chè và tình nguyện dẫn người nhà bệnh nhân đi từng khoa phòng để vận động và kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, lần đó chị đã vận động giúp cho gia đình bệnh nhân được hơn 6 triệu đồng, bản thân chị cũng góp vào 20 ngàn đồng duy nhất có trong túi (là số tiền bán được từ sáu chai nước chè xanh hôm đó) để giúp cho gia đình bệnh nhân qua đời. Cầm số tiền lớn trong tay, người nhà bệnh nhân đã không cầm được nước mắt, nghẹn ngào cám ơn chị và mọi người. Lần đó, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản – Nhi cũng đã hỗ trợ miễn phí xe cho người nhà bệnh nhân nên 6 triệu đồng vận động được, được người nhà cầm trọn về quê tổ chức tang lễ cho người mất.
Đến tháng 8/2012, khi vô tình đi vào Khoa nhi bán nước chè xanh, chị biết được hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con nghèo người dân tộc thiểu số ở huyện Đông Giang – tỉnh Quảng Nam, sau khi bé trai khoảng 3-4 tuổi đã khỏe mạnh được bác sĩ cho ra viện nhưng không có tiền về xe, chị lập tức vận động những người nhà bệnh nhân cùng phòng và những phòng lân cận giúp cho mẹ con bệnh nhân đó được số tiền 1,5 triệu đồng. Cũng nhờ số tiền này, người mẹ nghèo đã có thể mua cho con vài bộ quần áo mới trước khi xuất viện. Đến giờ chị Lựu vẫn còn ấm lòng và nhớ mãi câu nói của bé trai trước khi hai mẹ con chào mọi người ra về: “Nhờ bà Hai mà con mới có quần áo mới, con thương bà Hai”.
Rồi rất nhiều trường hợp thương tâm khác: một em bé sơ sinh chết bị gia đình bỏ rơi để trong nhà Vĩnh biệt hơn sáu ngày không ai đến nhận, một bệnh nhân nhi bị bứu độc không còn tiền truyền hóa chất… chị đều nhiệt tình đến giúp đỡ bằng tấm lòng và sự tận tâm của mình mà không hề nề hà kể khổ, việc làm của chị đã làm yên lòng cả người còn sống và người đã mất. Có trường hợp gia đình bệnh nhân không còn tiền ăn, trong khả năng của mình, chị đều mỗi ngày gửi vào một chai nước chè vào ổ bánh mì hoặc trái bắp để mong đỡ phần nào cho gia đình bệnh nhân… đúng với nghĩa cử “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Trong những lần gặp gỡ trực tiếp, tôi được nghe chị tâm sự: trong quá trình ra vào Bệnh viện bán nước chè, chị đã chứng kiến rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh thương tâm nên chị chỉ muốn góp một phần rất nhỏ của mình để xoa dịu những nỗi đau của những gia đình mất con và làm yên lòng những người vắn số. Chị cũng nói thêm chính nhờ những lần tham dự các lớp tập huấn công tác cứu trợ nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện các cấp tổ chức đã giúp chị có thêm nhiều kinh nghiệm và biết cách vận động giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. Kết thúc buổi nói chuyện, chị nói ngắn gọn: “Tui chỉ nghĩ là mình giúp được chi thì giúp và đã làm thì làm bằng cái tâm của mình, vì thương hoàn cảnh mà giúp chứ không mong được đền đáp hay trả ơn”.
Qua tìm hiểu, được biết chị sinh ra trong một gia đình nghèo đông con tại vùng đất Đa Mặn, là chị cả trong gia đình nên từ nhỏ công việc chính mưu sinh của chị đã gắn liền với cày cấy và đồng ruộng, cuộc sống khó khăn vất vả sớm làm chị già hơn so với tuổi. Dù cuộc sống gia đình hiện còn nhiều khó khăn (chị là lao động chính trong nhà nuôi mẹ chồng già yếu (là mẹ liệt sĩ), chồng mất sức lao động, thường xuyên đau ốm ở nhà cùng hai đứa cháu nội) và ở cái tuổi đã làm bà nội, bà ngoại nhưng chị vẫn luôn tích cực và nhiệt tình trong các nhiệm vụ của khu dân cư và địa phương mà không hề quản ngại khó khăn. Chị đã từng là Tổ trưởng tổ dân phố kỳ cựu, nhiệt tình của phường Bắc Mỹ An (cũ) từ những năm 1989 và là Tổ trưởng của Tổ dân phố 75, phường Khuê Mỹ từ ngày thành lập phường cho đến nay.
Những bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền, đoàn thể giành cho chị hằng năm đã đủ nói lên tất cả điều đó, trong đó phải kể đến hai bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng tặng cho cá nhân chị vào năm 2005 và 2013 đều có nội dung “Chị Trần Thị Lựu – Đã có thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng chính quyền địa phương từ sau 29/03/1975 đến nay”. Không những thế, chị còn hoạt động rất tích cực trong vai trò là hội viên Hội Nông dân và hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, vì vậy chị đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vào các năm 2003 và 2008. Ngoài ra, chị còn là một trong những Ủy viên tích cực của Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện & Bảo vệ trẻ em phường với cả tấm lòng, tình thương mà không chờ phải có phụ cấp.
Bây giờ, những nhân viên làm nhiệm vụ tại Nhà vĩnh biệt hoặc các y tá, hộ lý ở Khoa nhi Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng và những người dân trong khu vực đường K20 không ai là không biết đến chị với cái tên thân mật “Chị Hai nước chè” – Người hay làm việc nghĩa.
Bản thân tôi, cũng là người mẹ, tự thầm biết ơn chị thay cho những người mẹ đau khổ kia, vì có những người như chị với tấm lòng nhân ái để khi cần sẽ là chỗ dựa cho những gia đình và bệnh nhân trong lúc khó khăn và thương tâm nhất; bởi mỗi chúng ta đều có thể dễ dàng cho ra vài chục ngàn hoặc vài trăm ngàn để giúp đỡ người hoạn nạn chứ mấy ai có thể tự nguyện đứng ra xin tiền và lo giúp một cách trọn vẹn cho hoàn cảnh của người mà mình chưa một lần gặp gỡ và thân quen!
Trần Thị Mẫn
(Bí thư Đảng ủy phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn)
* Bài dự thi đạt giải nhì cuộc thi viết "Tôi kể chuyện này" do Hội LHPN thành phố tổ chức