Tình cảm, chân thành nhưng không kém phần quyết liệt nhằm giáo dục, răn đe, là những gì mà người dự cảm nhận khi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gặp gỡ, nói chuyện với 130 người từng "dạy" vợ bằng tay, chân… vào sáng 5.8.
Muôn kiểu bạo hành…
Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn mở đầu buổi gặp: "Dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực đúng 1 năm, 1 tháng, 4 ngày nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu khái niệm gia đình là gì, thế nào là hành vi bạo lực gia đình… Cho nên, đã có không ít người quen dạy vợ bằng tay chân hơn là nói chuyện tình cảm với vợ, con, cha mẹ".
Như trường hợp ông P.H.X ở P.Hòa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ). Ông X. cho rằng gia đình chưa bao giờ có chuyện gì lớn khiến bà con, làng xóm phải can thiệp. "Vậy mà không hiểu sao tui lại được mời lên gặp ông Bí thư", ông X. nói trước micrô. Nghe vậy, ông Nguyễn Bá Thanh hỏi ngay: "Vậy 2 năm trước ai lấy áo quần vợ ra đốt?". Nghe hỏi, ông X. ấm ớ: "Tui làm có một lần. Từ đó tới giờ đâu có làm gì nữa". Thế nhưng, theo cán bộ phụ nữ P.Hòa Thọ Tây, ông X. là người thường xuyên có hành vi bạo lực với với vợ, con. Còn ở P.Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ), gia đình ông L.H.H kinh tế khá giả, công việc ổn định, nhưng không hiểu sao ông H. cứ lôi vợ ra mắng, chửi, đánh đấm, nhất là khi vợ ông về nhà trễ. Láng giềng, bà con, họ hàng, các tổ chức đoàn thể hết khuyên nhủ đến vận động đủ kiểu, nhưng ông H. vẫn y như cũ. Có lần, ông H. dùng dao đâm vợ phải vào viện cấp cứu. Cũng tại P.Khuê Trung, anh C. dù đã có vợ con nhưng lại mê "người lạ" hơn vợ. Vậy nên thấy mặt vợ là anh "không ghiền"! Mà đã không ghiền thì đánh, chửi. Gặp chị vợ cũng không vừa, cứ thấy chồng ra khỏi nhà là "biến" thành "thám tử", theo dõi từng chỗ anh C. tới, lui, sau đó về nhà càm ràm, tru tréo. Nghe vậy, anh C. càng nổi máu, dùng nắm đấm giải quyết chuyện gia đình!
Ông Nguyễn Bá Thanh tâm tình: "Mấy anh đừng nghĩ mình nam giới, nên muốn làm gì vợ cũng được. Làm quá, vợ tủi nhục dẫn đến tự tử. Đến lúc đó, hối không kịp, bỏ con cái bơ vơ, hư hỏng… bản thân liệu có sướng gì" và nhắc: "Bữa nay phải ký cam đoan, ai còn có hành vi bạo lực gia đình sẽ xử lý nghiêm khắc".
"Khi tôi định gặp các đối tượng thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình trên tư cách Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, có người hỏi: Vợ cũng đánh chồng, chứ đâu chỉ có chồng đánh vợ không thôi. Nói thiệt, cái đó cũng có, nhưng ít thôi, một vài phần trăm. Còn lại hầu hết mấy anh đánh mấy chị", ông Thanh "vào đề" và nói tiếp: "Nhiều anh có tư tưởng lạ đời, lạc hậu "đánh để vợ con nó khôn ra". Ngay cả chuyện dùng roi dạy con cái cũng đã vi phạm pháp luật. Đừng tạo thành thói quen, một thói quen nguy hiểm cho gia đình và xã hội. Có nơi ở nước ngoài, hễ ly dị vợ phải chia 2/3 tài sản cho vợ, đàn ông chỉ nhận 1/3. Mà chưa hết, phải nuôi vợ cho đến khi vợ tìm được chồng mới thôi chu cấp. Luật họ căng rứa, đâu anh nào dám ho he! Còn mình, mấy anh cứ viện lý do tui chưa biết luật, vợ tui tui đánh chứ mắc gì mấy ông, là không được".
Nói rồi, ông Thanh kể một câu chuyện: "Có anh chồng vũ phu. Sáng nọ cột vợ vào cây cau trước nhà đánh đấm túi bụi. Một ông cho trâu ra đồng cày ruộng thấy vậy cũng nhào vô, dùng roi mây quất lia lịa chị vợ. Anh chồng thấy vậy dừng tay, hỏi: Vợ tui chứ vợ ông đâu mà ông đánh? Ông đi cày nói tỉnh queo: Vợ ông mà ông không thương. Tui không thân thuộc với bả thì mắc mớ chi tui không đánh!". Để lửng câu chuyện, ông Thanh nói tiếp: "Nếu thấy vợ chồng ăn ở không hợp thì đưa nhau ra tòa ly dị. Chứ sướng ích chi đánh đấm nhau, gây đau khổ cho gia đình, dòng tộc, xã hội".
"Tôi mà làm chủ tịch Hội Phụ nữ thì mấy ông "thèm bạo lực gia đình" chết với tôi. Tôi quay cho mà chóng mặt thì thôi, hết đưa ra kiểm điểm ở tổ dân phố, tui đưa tiếp lên trên phường, xã…". Nói tới đây, ông Thanh trầm tư: "Có luật pháp, có cả hệ thống chính trị nhưng đây đó vẫn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, đánh đập vợ con, cha mẹ. Vậy chính quyền ở đâu, Hội phụ nữ ở đâu. Tui nghe cả cán bộ Hội phụ nữ cũng sợ nốt mấy anh này thì thôi, chứ còn làm gì nữa".
"Nguyên nhân gây bạo lực gia đình thì vô cùng. Mấy anh coi, 130 người ngồi đây có được bao nhiêu anh học hành đến nơi đến chốn, kinh tế khá giả", ông Nguyễn Bá Thanh bắt mạch và nêu thực tế: "Nghèo, không việc làm sinh ra rượu chè, cờ bạc, gái trai, rồi quẫn trí, rồi chửi cha, đánh vợ, đánh con. Nam giới 10 ông đánh vợ thì hết 8 – 9 ông rượu chè say sưa, còn lại là đam mê cờ bạc, léng phéng bồ bịch. Nhiều anh mắc bệnh sĩ. Làm không ra tiền mà bày đặt rủ bạn bè ra quán đòi bao hết. Uống chưa đã kéo về nhà hành vợ con phục vụ. Như rứa, ai mà chịu cho nổi! Trụ cột cái gì, trụ này có mà trụ mục, trụ rỗng". Chưa hết, theo đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố, các quan hệ trong gia đình như "mẹ chồng, nàng dâu", "chị dâu, em chồng"… phức tạp, không ưa nhau thì châm chích khiến mấy anh không làm chủ được bản thân, coi vợ là nguyên nhân gây mất đoàn kết gia đình. Vậy là đánh vợ. Cũng có anh không gương mẫu, coi việc dạy dỗ con cái là chuyện của ai chứ không phải của mình… "Nhiều anh cứ nghĩ "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà" nên con cái có hư hỏng thì đổ hết trách nhiệm lên vợ. Chị nào nhịn thì thôi, chị nào bực quá nói lại vài câu là…", ông Thanh nói và nhắn nhủ: "Đàn ông phải lo phát triển kinh tế gia đình. Phải nghĩ mình lo được gì cho vợ, con. Phải biết nhục khi thấy xung quanh hạnh phúc, ấm êm, con cái đề huề. Mấy anh thấy đó, nhiều em đỗ thủ khoa đại học là con nhà nghèo cả đó, chứ khá giả giàu có gì cho cam. Cho nên, mấy anh đừng nản chí, phải cố gắng lao động, gương mẫu trong cuộc sống. Có vậy thì vợ mới nể, con mới trọng, mới thương".
"Gieo cỏ cú thì gặt cỏ cú, chứ không gặt nếp hương được đâu", ông Thanh lý giải kết cục của hành vi bạo lực gia đình, rồi "chốt" lại: "Ký cam kết xong, kể từ hôm nay, anh nào tái diễn bạo lực gia đình sẽ bị xử lý mạnh. Tới lúc đó, đừng có trách móc gì nghe. Luật pháp nghiêm minh, trừng trị thích đáng đối với các hành vi bạo lực gia đình".