1. Vào những ngày cuối thu, mẹ tôi vẫn thường ngồi lặng bên bực cửa để vấn lại những sợi tóc đã ngã màu thời gian còn sót lại. Màu thời gian trôi như khúc hát bên mái hiên nhà bằng những buổi trưa mưa. Quê tôi có những bãi bồi ven sông, mỗi mùa nước cạn, những bãi bồi này trở thành những gò đất cao. Ở đó, một thời nhiều người trong làng tôi đã tận dụng để trồng những vựa dưa hấu, không phải để thu hoạch quả chín mà thu hoạch quả dưa hấu khi còn non. Họ thu dưa về nhà, thái cẩn thận từng lát mỏng, rồi phơi trên những tấm bạt dựng sẵn ngoài vườn. Độ khoảng hai ba nắng, ba bốn sương thì gói số dưa lát đó lại và cất vào tủ. Đó là thứ thức ăn rất ngon vào mùa mưa đối với nhiều gia đình quê tôi hồi đó. Chỉ cần dùng một ít thịt ba chỉ, kho với dưa khô, sẽ có món ăn mặn đầy đủ ý vị vào những ngày mưa lạnh. Thấm thoắt đã mười mấy năm tôi mới có dịp trở về quê, ngồi lặng bên bến sông có những bãi bồi cát mịn đến phẳng lì. Những lớp cát mịn mà khi đặt chân lên đó, tôi có cảm giác những kỷ niệm trẻ thơ lại ùa về, chiếm lĩnh hết mọi suy nghĩ trong tôi. Đành rằng thời tuổi thơ tôi mới chỉ cách hôm nay không xa, nhưng đôi khi trong tôi vẫn bị dằng xé bởi những điều chưa cũ đó.
Tưởng chừng như ký ức là một dòng thác chảy ngược khi tôi ngồi lặng yên bên bến sông vàng. Bây giờ sông đã cạn những mùa nước ròng vào độ cuối xuân. Những đám lau lách bên sông vẫn xanh mầu sự sống, mặc cho sông bị xâm thực, mặc cho lòng sông cứ bị người ta moi cát mang đi rồi để lại ở đó những cái xoáy hố sâu thẳm. Nước ở đó xanh thẫm một màu, không gợn sóng. Sông đã không còn bình yên như ngày trước, cũng ít đi cảnh những người dân trong làng chiều chiều đợi khi nước lên, lại mang lưới ra chăng ngang từng đoạn sông. Đó là mùa nước lợ, cá theo con nước lên rất nhiều. Hồi ông nội tôi còn sống, chiều chiều ông vẫn cùng các con là bác Trọng, chú Lý, rồi cha tôi, bốn cha con làm thành một đội thả lưới. Tôi nhớ như in chén cháo cá ngọt lịm mà bà nội tôi đã nấu, kèm với mấy lá thì là. Những con cá gáy tầm hơn một ký, tươi rói, được bà nội luộc qua, rồi tỉ mẫn nhặt từng cái xương cá. Vị ngọt của những chén cháo cá của bà tôi nấu mà tôi được ăn hồi đó, vẫn đầy ắp trong ngăn kéo tâm hồn tôi. Hồi đó, ngoài những tháng vào mùa lúa, mùa khoai, thì những thời gian rảnh rỗi của năm, ông nội lại làm thêm những công việc khác như thả lưới, bẫy chim cò, chim cói. Mùa nào thức nấy, nên bữa cơm của gia đình nội luôn có đủ mặt cháu con.
Bà nội vẫn thường dạy rằng, đến khi nào bà mất, thì các con đừng có bày vẽ mâm cỗ thịnh soạn để cúng đơm làm gì. Chỉ cần lên mộ thắp cho bà ba nén nhang là được. Cái quan trọng là lúc ông bà còn sống, phải lấy cái hiếu, cái nghĩa làm đầu. Bà dạy con cháu trăm thứ nhưng chưa hề lặp lại, dù là việc bà dạy tôi quét nhà. Làm con gái phải biết chỉn chu chuyện nhà cửa, bếp núc. Có làm đến chức gì cao sang đến mấy nhưng là phụ nữ thì vẫn phải giữ lửa trong gác bếp. Để ngôi nhà luôn ấm, để bước chân mình khi trở về nhà sau một ngày làm ruộng mệt mỏi được xua tan bởi không khí mát dịu của ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp. Hồi đó tôi cứ hay hồ nghi về những điều bà nói, phần vì tôi còn quá bé để có thể hiểu được những lời căn dặn sâu xa của bà. Phần vì tôi vẫn hay bị bà la rầy vì cái tội để đầu trần giang nắng, tóc thì cháy vàng hoe, chân thì ít khi mang dép. Nhưng có một điều tôi thấm thía đến tận gan cật, những lời bà dạy chính là những điều đơn giản nhất khi bước vào đời, khi thực hiện cái thiên chức làm người phụ nữ. Để khi mà lòng buồn vắng vì lẽ đời, vì một điều gì đó làm tôi đa mang, tôi thường ngồi lắng nghe lòng mình sống lại thời thơ bé. Làm người lớn giữa bộn bề cuộc sống hôm nay, vẫn khát khao lắm trở về thời thơ trẻ, vô tư vui đùa với những trò chơi dưới bóng tre làng, nào nhảy dây bằng dây của cây hoa chạc chìu, rồi chơi đánh thẻ với bó tre được chọn lựa kỹ càng với một quả cà chín vàng hay tím rựng. Căn gác tuổi thơ tôi như một ngôi nhà nhỏ, ở đó mở ra những bến hoa vàng. Đẹp một màu tinh khiết trong ký ức tôi.
2. Bến hoa vàng, với tôi đó là bến sông tôi đang ngồi đây. Nơi ngày xưa tôi vẫn bì bõm tắm, ngụp lặn với những đêm trăng chênh chếch phía rặng tre làng. Những chiều gió đưa nhẹ từ sau lưng một làn gió mát rượi. Gió cũng tự hong khô mái tóc tôi vừa gội, rồi chạy ngược ra vườn tìm bà nội. Bến hoa vàng là những ngày chênh chếch nắng trong tôi, khi những mùa kỷ niệm ngày xưa đã trở về nằm yên trong đáy mắt. Chỉ bất chợt nhói lên khi ai đó vô tình chạm vào ký ức quê, rồi những nỗi nhớ lòng vòng trong suốt thời thơ bé. Khi tôi khóc vì nỗi nhớ đã muộn màng xa, muộn màng như những mùa đã cũ.
Tôi có người bạn rất thân vẫn thường kể cho tôi về vô số giấc mơ quê. Đó là những giấc mơ được chạy chân trần dưới bóng tre làng, được tắm sông, được thỏa sức với những trò chơi quê kiểng. Trong những giấc mơ ấy của bạn tôi, có những buổi sáng mịn vàng hương lúa, có những buổi trưa liêm liếp tre làng hò reo với lũ bạn, và có cả mối tình đầu của bạn với cô hàng xóm mà sau này đã nên duyên chồng vợ. Bạn vẫn bảo rằng, con trẻ bây giờ không có ký ức như mình ngày xưa, rằng con trẻ giờ được bao bọc kỹ quá, ở phố mãi rồi không biết chân trần chạm đất có đau không?…
Câu hỏi của bạn vô tình đã chạm vào tiềm thức đã cố dấu kín bấy lâu của tôi. Bỗng nhiên lòng đau đáu nhớ, đau đáu thương một bến hoa vàng. Tôi đã tự mình chèo lái con đò ngược dòng ký ức để được chạm vào bến hoa vàng đó. Trong mong manh giấc mơ chưa kịp hình hài.
Nguyên Giao