Tiếng reo vui của đàn trẻ nhỏ trong sân trường mầm non Hoa Phượng đang giờ các cháu học thể dục, gợi cho tôi nhớ lại những con đường quen ở một số các trường mầm non khác. Đành rằng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ví như một trường mầm non ở vào vị trí trung tâm thành phố sẽ khác với một trường mầm non ở vùng ngoại ô, lại càng khác xa một trường mầm non khác ở các vùng nông thôn. Nhưng ý tôi muốn nói đến cái khuôn thước thời gian tưởng chừng như nghe được tiếng rập ràng bao nỗi nhọc nhằn của nghề nuôi dạy trẻ, cho dù ở bất cứ nơi đâu. Tâm sự về những vất vả của nghề nuôi dạy trẻ, cô Trần Thị Hương – Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Phượng kể: “Nuôi dạy chăm sóc trẻ tưởng là một việc làm nhàn nhã. Nào phải vậy, nuôi dạy trẻ là một công việc không đơn giản chút nào. Người giáo viên mầm non phải làm đến ba chức năng: làm cô giáo, làm mẹ, và còn là một thầy thuốc (y tá). Việc nào cũng phải đòi hỏi lòng yêu nghề và tận tụy, khéo léo, mềm dẻo… Trong cơ chế thị trường, mọi người có thể làm thêm bên ngoài nhiều lĩnh vực để tăng thu nhập, riêng nghề nuôi dạy chăm sóc trẻ thì cường độ lao động ở trường lớp cứ phải suốt từ sáng sớm đến tận cuối chiều…”.
Đúng là như thế thật, cứ độ khoảng 6 giờ sáng là các cô giáo mầm non phải có mặt ở trường để đón các cháu vào lớp, và phải đến tận 18 giờ chiều, khi những phụ huynh cuối cùng đón các cháu về nhà, đến lúc ấy các cô giáo nhà trẻ mới nhẹ tênh đường về. Con đường thời gian vừa mòn nhẵn mỗi ngày, vừa gập ghềnh trong cái khuôn thước kiểu như được sắp sẵn ấy, vào mùa nắng thì đường đi lối về còn sáng sủa, nhưng hễ đến mùa mưa thì cứ y như là sáng tinh mơ đã có mặt ở trường lớp và đến mãi tận khi phố lên đèn mới kịp về đến nhà. Cật lực công việc như thế, ấy vậy mà trên từng gương mặt của các cô nuôi dạy trẻ dường như lúc nào cũng tươi tắn cái đức tin: Mùa xuân ai đi hái hoa mà em đi nuôi dạy trẻ…, hễ mỗi khi có dịp trò chuyện là tôi thường bắt gặp sự hân hoan tươi tắn ấy như tiếng nói thường hằng của một niềm hạnh phúc!
Ngồi đối diện với tôi bây giờ là cô Trần Thị Hương. Thú thật, với bao nhiêu bận rộn của người quản lý một cơ sở mầm non vào những ngày đầu khai giảng năm học mới, để thu xếp có được vài giờ tiếp khách với cô Hương quả không dễ. Tôi hiểu được điều này là bởi qua những cuộc điện thoại liên lạc của các chị bên Thành hội phụ nữ Đà Nẵng – nơi bắc nhịp cầu cho chúng tôi làm quen với những gương mặt phụ nữ được bình chọn là điển hình của phụ nữ thành phố. Vậy mà gặp nhau, sau lời chào xã giao và mời nhau ly nước lọc, cô Trần Thị Hương bảo với tôi, rằng: “Người ta làm toàn những chuyện to tát, chứ với trường mầm non Hoa Phượng và cá nhân tôi góp sức mình với xã hội quả thật nhỏ nhoi, có là bao lăm đâu”. Vâng, trước khi gặp mặt làm quen với cô Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Phượng, tôi đã gần như đọc thuộc lòng phần trích về cô Trần Thị Hương trong bảng tổng hợp thành tích của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng: “Trên cương vị Hiệu trưởng, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng sơ sở tư thục gồm nhiều phòng học đủ tiêu chuẩn, với diện tích xây dựng 2750 mét vuông, đủ sức đón hơn 300 cháu vào trường. Và trong công tác xã hội, chị luôn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và Hội, được bình chọn là phụ nữ xuất sắc 5 năm liền trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Hàng năm chị giành 15 triệu đồng ủng hộ xây dựng từ một đến hai nhà tình nghĩa, ủng hộ 2,4 triệu đồng để nấu cháo tình thương tại chùa Xuân Hòa, tặng 50 đến 70 xuất quà hỗ trợ các gia đình khó khăn tại địa phương; chị đã ủng hộ 5 triệu đồng cho Quỹ người nghèo của phường (Xuân Hà), ủng hộ Hội khuyến học của khu vực Xuân Đán 20 ram vở, hỗ trợ Hội phụ nữ phường 1 xe đạp và 1 triệu đồng để giúp trẻ em nghèo của phường…”. Đọc những con số khiêm tốn này, có lẽ những ai từng nghe đến tiền tỉ này, bạc tỉ kia của các đơn vị, tập đoàn kinh tế khổng lồ đóng góp vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo hẳn sẽ thấy đúng như lời cô Trần Thị Hương đã nói. Nhưng với tôi, đấy là những con số góp một tiếng nói chân chất mà nồng ấm tình người, có thước đo nào, máy tính nào có được cái khả năng tính toán sự tảo tần, sự chắc chiu, sự lam lũ của những người mẹ, người chị góp công góp sức xây dựng xã hội ngày mỗi đẹp đẽ hơn. Đấy cũng chính là tầng vỉa văn hóa, lặng lẽ mà có sức lan tỏa, âm thầm mà bền chặt sức sống cộng đồng như mạch nước ngầm ngày ngày thầm lặng nuôi dưỡng giữ gìn sự xanh tươi cho đất.
Có nhìn vào sự hình thành và những triển vọng từng ngày đi lên của một sơ sở mầm non tư thục như trường mầm non Hoa Phượng, mới thấy cái đức tính chịu thương chịu khó của người cầm lái con thuyền. Có thể hình dung ra một hành trình, mà nói như cô Hương: Cái giấc mơ nuôi dạy các cháu mầm non bắt đầu từ những năm tháng cô còn là học sinh trung học.
Từ cái mặt bằng thuê mướn ban đầu của Hợp tác xã mua bán phường Xuân Hà, cô Trần Thị Hương đã mở những lớp mầm non đầu tiên. Kể từ đó, như một người chăm vườn cần mẫn lấy ngắn nuôi dài, vay vốn ngân hàng mua sắm trang thiết bị, nâng cấp sửa chữa từng phần, cho đến bây giờ – mười lăm năm sau, cái cơ ngơi bé nhỏ ngày ấy gần như chẳng có tuổi tên gì trong hệ thống giáo dục mầm non của thành phố, đã lớn dần lên mỗi ngày cho đến ngày trở thành một trường chuẩn quốc gia. Tôi không thuộc cho lắm cái tiêu chí để đuợc công nhận là trường chuẩn đối với một cơ sở mầm non tư thục là những gì, có điều nhìn vào trường lớp lầu đài rộng lớn khang trang có đến gần 3000 mét vuông xây dựng, một cơ ngơi bề thế đón đến 350 cháu vào trường, tìm trong thành phố hiếm thấy một trường mầm non tư thục nào như thế. Lại còn hiếm hơn nữa, chính là sự góp phần của nhà trường, cụ thể hơn là cá nhân cô Hiệu trưởng Trần Thị Hương vào công tác xã hội hóa giáo dục. Điều này thì tôi không thấy trong báo cáo thành tích, cũng như không hề nghe cô Hương trò chuyện, mà là qua tìm hiểu nắm bắt thông tin từ những phụ huynh và cả giáo viên trong trường. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những gia đình công nhân viên chức và lao động nghèo gặp nhiều khó khăn có đủ điều kiện đưa trẻ đến trường, nhà trường đã chủ trương miễn giảm học phí tùy theo từng trường hợp. Có trường hợp nhà trường không thu tiền ăn tối hoặc ăn sáng của các cháu. Đối với con em của giáo viên, công nhân viên trong trường, tất cả đều được miễn đóng học phí. Hiện tại trường mầm non Hoa Phượng có 13 lớp học được chia làm 4 khối: khối Lớn, khối Nhỡ, khối Bé, khối Nhà trẻ. Với 40 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, mặc dù là trường mầm non tư thục nhưng nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các chế độ tiền lương, tiền thưởng và Bảo hiểm xã hội đúng theo các quy định của Bộ luật lao động.
Tôi vốn ngại căn bệnh thành tích, cho dù từ mấy năm nay ngành giáo dục có chủ trương chống lại căn bệnh trầm kha này, nhưng dường như đây đó lại phát sinh ra một thứ bệnh mới mà có người gọi vui là: bệnh thành tích chống thành tích. Chính vì vậy, nếu không tận tay chạm được từng hiện thực công việc ở từng cơ sở trường lớp đã gặt hái thu hoạch được thì lòng vẫn cứ dè dặt phân vân. Ở trường mầm non Hoa Phượng, niềm ưu tư ấy đối với tôi dường như không thấy xuất hiện. Cũng chẳng phải vì đọc được nhiều thông tin về trường, về cô Hiệu trưởng, hay là qua các cuộc thăm viếng để tôi đủ cái nhìn minh họa lại chân dung một nhà giáo, mà là ngay khi được đối diện với cô Trần Thị Hương vào những giây phút ban đầu, trực cảm đã mách bảo cho tôi, ẩn sau nụ cười tươi tắn và phúc hậu kia còn là cả một tâm hồn độ lượng mênh mông của một người mẹ, người thầy tận tụy chăn dắt đàn trẻ thơ dại. Thiên chức ấy chừng như là sự xếp đặt, sự phân công của số phận để tuổi thơ bình yên vịn vào đó, tựa vào đó như tựa vào ngực mẹ chập chững bước con đi mà hả hê câu hát Mẹ và cô là hai mẹ hiền !
Nguyễn Nhã Tiên