Nói đến bà Năm Bé, người dân trong xóm ai ai cũng thầm khâm phục. Bà tên là Trần Thị Hoa sinh năm 1934, quê làng Mỹ Thị, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Bà là con gái thứ năm trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mặc dù đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà rất nhanh nhẹn, hoạt bát tính cách rất thật và gần gũi với đời thường, mà xưa nay người dân quen gọi bà cái tên thân mật là bà Năm Bé. “Hết tiền thì tới bà Ca, đám ma thì có bà Bé”. Câu nói ấy còn lưu mãi đến ngày nay.
Thật vậy, mỗi khi trong xóm có người không may qua đời, bà luôn là người đầu tiên có mặt, chuẩn bị công việc ma chay lo toan từ cái trống, cái chiêng, cờ, thanh loa, áo dân công…, đến việc lập cáo phó, thành lập ban lễ tang rồi vận động thanh niên di quan, bà làm như việc riêng của gia đình mình. Còn nhớ, đến giờ tập trung đưa tang, nhưng thanh niên trong xóm vẫn cứ ngủ say, họ tin rằng thế nào bà Năm Bé cũng đến gõ cửa đánh thức; nhiều người ngồi uống cà phê nghe thanh loa đánh bon bon nhưng vẫn chưa nhúc nhích: “Lo chi chút nữa bà Năm Bé tới rồi đi!”…, thế là bà Năm Bé xuất hiện: “Người ta đã coi ngày tốt rồi các con ơi…”. Bọn thanh niên lập tức đứng lên. Đúng là bà Năm Bé đã lo hết rồi nên gia đình cũng yên tâm, việc làm của bà dường như để đánh thức những người còn sống, để ai đó cởi mở tấm lòng với những người xung quanh.
Việc nhỏ, lớn trong xóm bà đều biết, những việc hết sức tế nhị bà đều giải quyết xong ro. Có người đàn ông thiếu thủy chung đem lòng yêu một phụ nữ góa chồng trong xóm gây xôn xao dư luận làm mất hạnh phúc gia đình. Bà liền đến động viên: “Con làm như vậy là không được, con cái buồn chán bỏ học thì làm sao, khổ cả đời con ạ, bà nói rồi đó nếu còn lén phén thì đừng nhìn mặt bà Năm nữa nghe chưa”. Thế rồi cuộc tình chia tay, dư luận dịu xuống, qua mỗi vụ việc nhiều người như nhìn nhận lại mình thể hiện rõ vai trò của một công dân gương mẫu trong khu dân cư.
Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, bà túc tắc đi gõ cửa nhiều tổ chức, cá nhân. “Từ thiện ở đâu cũng không bằng từ thiện ở quê hương mình ủng hộ cho người nghèo. Chi bộ mình cấp học bổng cho cháu Lê Hoàng Anh Trung mồ côi cha mỗi tháng 300.000 đồng, chú mi tài trợ nghe, được chừng mô thì tốt chừng đó”, “Dự án triển khai đúng tiến độ là do dân đồng tình ủng hộ có chi thưởng bà Năm không?”… Những lời nói chân chất, mộc mạc làm người nghe dễ đồng cảm. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, hàng ngàn mét đường bê tông lưu thông nội bộ; vật dụng phục vụ cho hội họp tại hội trường khu dân cư; đồ dùng tại nhà tang lễ;… tiền của, công sức của gia đình bà bỏ ra không ít, chính vì vậy mà khu dân cư luôn là ngọn cờ đầu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ người nghèo, xây dựng khu phố văn hóa được UBND thành phố và quận khen tặng.
Giờ đây nhìn mái tóc điểm bạc, nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, chúng ta lại trào dâng một niềm thương yêu vô bờ bến, một tình cảm bao la như trùm lên cả khu làng Mỹ Thị ngày nay, thầm cảm ơn bà một người mẹ tận tụy, chịu khó, với tấm lòng bao dung thương người sâu sắc.
LÊ THỊ HỒNG SANH
(UV BTV Hội LHPN phường Khuê Mỹ,
quận Ngũ Hành Sơn)
* Bài dự thi "Tôi kể chuyện này" do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng tổ chức