Khi thể hiện tâm tư, nguyện vọng của mình về tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao năng lực tham gia công tác lãnh đạo, quản lý và hoạt động cộng đồng…, tôi nghĩ sẽ có muôn vàn tâmsự, ý kiến khác nhau của các chị em, trong đó bản thân tôi cũng không ngoại lệ khi có cơ hội chia sẻ về công việc hiện tại của mình.
Là cán bộ tuyên truyền cho Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Đà Nẵng, công việc chuyên môn của tôi là viết tin, bài cho website Sở. Một công việc áp lực và đòi hỏi tính tư duy cao. Hằng ngày, để cập nhật được tin tức nhanh, kịp thời và chính xác, tôi thường xuyên được cử đi dự các cuộc họp của lãnh đạo, sát cánh cùng lực lượng trong những buổi diễn tập phương án, đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy các ngày lễ lớn của thành phố, chụp hình, quay phim hiện trường các vụ cháy, nổ cũng như nói hộ những nhọc nhằn, vất vả của những anh lính cứu hỏa khi đương đầu với “giặc lửa” để “cứu cái còn lại trong cái mất” cho nhân dân…
Với tâm huyết, lòng đam mê nghề, tôi đã làm việc hăng say, không mệt mỏi. Thế nhưng, làm việc trong môi trường đặc thù phần đông là nam giới, mỗi khi thấy tôi đi cùng lực lượng trên xe chữa cháy, nhiều người nói mỉa mai “phụ nữ mà biết gì chữa cháy”. Không những thế, ngay cả những đồng đội của tôi vẫn có tâm lý e ngại, ẩn ngầm suy nghĩ sẽ làm “vướng chân vướng tay” các anh khi có tôi tác nghiệp tại hiện trường. Mặt khác, gia đình luôn khuyên can, thúc giục tôi “con gái lo lấy chồng để chồng nuôi, rong ruổi hoài với cái nghề chụp hình, quay phim có ngày ế mất”…
Mỗi câu nói đó đều có lý riêng của họ nhưng phải chăng trong suy nghĩ của một số người vẫn còn tâm lý phân biệt nam giới, nữ giới; cái nhìn của họ về sự bình đẳng giới chưa hoàn toàn thoát ly và công việc tôi đang theo đuổi lẽ ra phải dành cho nam giới. Giá như, họ hiểu rằng tôi đủ lớn, vững vàng để biết mình đang làm gì và có quyền theo đuổi nghề nghiệp đã chọn. Có thể, tôi không đủ mạnh để cầm lăng dập lửa, cứu người và tài sản cho dân nhưng với cách tuyên truyền của mình, tôi tin sẽ giúp ích cho nhiều người thấy được mức độ nguy hiểm của các vụ cháy, biết cách phòng và chữa cháy tại chỗ sao cho hiệu quả nhất… và sẽ còn làm được nhiều hơn thế nữa.
Tôi cần sự động viên, cảm thông, sẻ chia từ những người thân, đồng đội và xã hội hơn là cái nhìn khắt khe về công việc mà tôi đã làm. Bởi, tôi tin dù ở bất cứ thời đại nào thì “Anh hùng đâu cứ phải mày râu” (trích thơ Tố Hữu).
TUYẾT PHAN
(Phan Thị Ánh Tuyết,
Phòng Tổng hợp-Đội Công tác chính trị,
Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy)