Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế – chính trị thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, triển khai hiệu quả chủ đề năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Cổng Thông tin điện tử thành phố điểm lại 10 sự kiện nổi bật của thành phố Đà Nẵng trong năm 2023 (do Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng bình chọn).
1. Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội
Tháng 8-2023, Đảng bộ thành phố tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.
Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố
Nửa nhiệm kỳ qua, trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 chiếm 2/3 thời gian của đầu nhiệm kỳ, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, thành phố đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ.
Nhờ đó, tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của thành phố giữ được sự ổn định và có nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực công tác.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ thành phố thống nhất không thực hiện điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế – xã hội mà tiếp tục tập trung nỗ lực, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra. Đồng thời, thống nhất điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu về tổ chức Đảng, đảng viên theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 2023, Đà Nẵng thực hiện sơ kết 03 năm Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Năm 2023, Đà Nẵng thực hiện sơ kết 03 năm Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp nhất quán quan điểm và quyết tâm chính trị cao trong việc tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14.
Đồng thời, thống nhất đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020/QH14 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù mới, tạo động lực phát triển thành phố trong giai đoạn đến và đã được Quốc hội thống nhất chủ trương.
Cũng trong năm 2023, Đà Nẵng tổ chức sơ kết 01 năm thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước gắn với thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị giai đoạn 2021-2026. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 18/18 nội dung phân cấp; đồng thời bổ sung mới và hoàn thành 02 nội dung phân cấp. Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành các quyết định ủy quyền đối với 73/73 nội dung và hoàn thành ủy quyền thêm 10 thẩm quyền cho các sở, ngành, quận, huyện.
2. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố vào tháng 11/2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng.
Thành phố tổ chức lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh. Vì vậy, Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế – xã hội với các trụ cột gồm: Kinh tế tri thức với 02 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Du lịch gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, giá trị giá tăng; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 02 mũi nhọn là cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Tại Lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố Đà Nẵng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trong nước (1 dự án tăng vốn đầu tư) và 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép trên địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng.
3. Ban hành, tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng
Thành ủy Đà Nẵng ban hành và tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU về Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Tháng 12/2023, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU và các văn bản mới của Trung ương
Chỉ thị yêu cầu tăng cường quán triệt, tuyên truyền, tạo bước chuyển biến căn bản, rõ nét trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động, nhất là người đứng đầu trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, chính quyền chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt lợi ích người dân, tổ chức và doanh nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài.
Cùng với đó, Chỉ thị nhận diện, kiểm điểm, đánh giá trên tinh thần phê bình và tự phê bình, “tự soi, tự sửa” để có biện pháp kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và đẩy lùi tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tập trung 10 biểu hiện cụ thể.
Nội dung Chỉ thị yêu cầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kết hợp giữa xây và chống để chấn chỉnh, khắc phục, đẩy lùi tình trạng nêu trên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần quyết liệt thực hiện trong thời điểm hiện nay.
4. Khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Năm 2023, tình hình phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng tương đối ổn định và có sự tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2022; quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng, quy mô tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được thành phố triển khai tích cực ngay từ đầu năm để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của thành phố, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Tính đến ngày 15-11-2023, Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 46.698,5 tỷ đồng; Thu hút khoảng 181,006 triệu USD vốn đầu tư FDI; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.847 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 16.120,3 tỷ đồng.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 trở lại sau 03 năm gián đoạn vì dịch bệnh với hơn 942 ngàn lượt khách qua hơn một tháng tổ chức, tăng 29% so với dịp lễ hội pháo hoa năm 2019
Khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành năm 2023 ước đạt 10,3 nghìn tỷ đồng.
Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, trong đó Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 trở lại sau 03 năm gián đoạn vì dịch bệnh với hơn 942 ngàn lượt khách qua hơn một tháng tổ chức, tăng 29% so với dịp lễ hội pháo hoa năm 2019; Lễ hội Tận hưởng Đà Nẵng 2023 thu hút hơn 50.000 lượt khách, Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải Golf Phát triển châu Á – BRG Open Golf Championship Danang 2023 thu hút hơn 38.000 lượt khán giả theo dõi trực tuyến, Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023 đón 9.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới… cùng với các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn khác được tổ chức liên tục, thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng.
Lễ hội Du lịch Golf Đà Nẵng và Giải Golf Phát triển châu Á – BRG Open Golf Championship Danang 2023 thu hút hơn 38.000 lượt khán giả theo dõi trực tuyến
Qua đó không chỉ định vị Đà Nẵng là điểm đến của các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong việc khôi phục các ngành kinh tế chủ lực.
Đà Nẵng cũng tích cực làm việc với các nước và các hãng hàng không, đến nay đã khôi phục 15 đường bay quốc tế thường kỳ, 11 đường bay quốc tế thuê chuyến, 8 đường bay nội địa và trong năm 2023 đã mở mới đường bay đến Macau, Nhật Bản, Lào, Trung Quốc và Philippines.
5. Đà Nẵng trên hành trình tham gia chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn
Với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố theo hướng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, phù hợp với định hướng, lợi thế của thành phố, Đà Nẵng đã xây dựng chương trình hành động để từng bước đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trên lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Thành phố đã tổ chức thành công hội thảo về nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn
Thành phố đã tổ chức thành công hội thảo về nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn với sự tham gia của các doanh nhân, đại diện các trường đại học để đưa ra các ý kiến, đề xuất, gợi mở có tính định hướng quan trọng để thành phố triển khai các biện pháp, giải pháp cụ thể để phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Giữa tháng 11-2023, Đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng làm Trưởng đoàn đã có những buổi tiếp xúc, làm việc với các Công ty, Tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn như Qorvo, Marvell, Nvidia, tập đoàn Intel…
Tại đây, UBND thành phố Đà Nẵng và Công ty Synopsys trao bản ghi nhớ thể hiện cam kết chung, tạo cơ sở hợp tác chính thức, hỗ trợ thành phố phát triển nguồn nhân lực vi mạch ngành bán dẫn và mở rộng hợp tác ngành bán dẫn trong thời gian đến.
Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, UBND thành phố Đà Nẵng và Công ty Synopsys trao bản ghi nhớ thể hiện cam kết chung, tạo cơ sở hợp tác chính thức, hỗ trợ thành phố phát triển nguồn nhân lực vi mạch ngành bán dẫn và mở rộng hợp tác ngành bán dẫn trong thời gian đến
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đà Nẵng tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, ký kết ghi nhớ hợp tác xúc tiến, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ vào thành phố Đà Nẵng và hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung ứng giữa Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với Công ty ITSJ-G – một doanh nghiệp của Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các linh kiện điện, điện tử, có nhiều năm kinh nghiệm tham gia trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn.
Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư và Công ty ITSJ-G ký kết ghi nhớ hợp tác xúc tiến, thu hút đầu tư
Cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án khu phi thuế quan, Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam… Từ đó tạo nền tảng để thành phố triển khai thực hiện và phát triển toàn diện các lĩnh vực trong những năm cuối nhiệm kỳ và trong giai đoạn tiếp theo.
6. Khánh thành, đưa vào sử dụng các công trình mới, tiếp tục khởi công các công trình động lực, trọng điểm
Năm 2023, hạ tầng đô thị tiếp tục được Đà Nẵng đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp. Nhiều công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng, tiếp tục khởi công những công trình động lực, trọng điểm… Đà Nẵng đang tạo “đòn bẩy” vững chắc để phát triển kinh tế – xã hội với quan điểm đưa hạ tầng đi trước một bước.
Lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra thực tế và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Đến cuối năm 2023, có 30/38 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, 19/27 dự án khởi công mới theo cam kết, phấn đấu đến 31/01/2024, giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công.
Khánh thành công trình Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 tháng 3 (Giai đoạn 1)
Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng các công trình: Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 tháng 3 (Giai đoạn 1); Đường ven sông Tuyên Sơn – Túy Loan; Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày.đêm (giai đoạn 1); Tuyến kênh thoát nước Hòa Khánh – Cu Đê, Tuyến cống thoát nước Khe Cạn; Cải tạo Bể bơi thành tích cao Đà Nẵng; Đầu tư, mở rộng các tuyến đường có mặt cắt lòng đường 3,5m-4,0m thành 5,5m trên địa bàn các quận (giai đoạn 1 – phần đầu tư thí điểm),..
Khởi công công trình Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B
Song song đó, Đà Nẵng tổ chức khởi công các công trình, dự án: Đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu; Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B; Nâng cấp, tôn tạo Đài Tưởng niệm thành phố và cải tạo, mở rộng Quảng trường 29 tháng 3 (giai đoạn 2 – phân khu 3); Đầu tư xây dựng Nâng cấp bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng…
Đồng thời tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nạo vét, khơi thông hệ thống thu gom, thoát nước, triển khai các giải pháp khắc phục, xử lý tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão; đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô 1.000 tấn/ngày và cấp chủ trương đầu tư Dự án đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày.
7. Triển khai các quyết sách nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng thành phố Đà Nẵng vẫn dành nguồn lực đáng kể để triển khai nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, được Nhân dân đồng thuận và đánh giá cao.
Năm 2023, Đà Nẵng bố trí kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở cho 615 người có công trên địa bàn năm 2023 với tổng kinh phí 22,47 tỷ đồng; huy động các nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ cho người nghèo ước đạt gần 230 tỷ đồng. Đồng thời, vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 12,6 tỷ đồng.
Công tác giải quyết việc làm được chú trọng, tổ chức thường xuyên các hoạt động giới thiệu, ngày hội việc làm, chương trình đào tạo nghề. Năm 2023, giải quyết việc làm cho hơn 36.500 lao động, đạt 104,3% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo đạt 53,7%. Số hộ nghèo còn sức lao động ước còn lại đến cuối năm 2023 là 4.185 hộ, tỷ lệ 1,39%/tổng số hộ dân.
Thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu, ngày hội việc làm, chương trình đào tạo nghề
Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tiếp tục quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Thành phố triển khai đầu tư, xây mới, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở y tế; ban hành và triển khai hiệu quả các kế hoạch, đề án trên lĩnh vực y tế, đảm bảo đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác mua sắm, đấu thầu, đảm bảo thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cạnh đó, thành phố ban hành và thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cán bộ y tế tại các đơn vị y tế công lập, chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.
Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao với nhiều đổi mới trong công tác quản lý, dạy và học; năm học 2023-2024, thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông khối công lập, ngoài công lập nhưng không bao gồm trường có vốn đầu tư nước ngoài. Chính quyền thành phố thu hồi nhiều “khu đất vàng” doanh nghiệp hết hạn thuê để xây dựng trường học; ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây mới, nâng cấp các trường học, từng bước giải quyết bài toán thiếu trường lớp.
8. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử danh thắng Ngũ Hành Sơn
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn
Quy hoạch sẽ làm cơ sở để thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng; kết nối với các điểm di tích, danh thắng nổi tiếng khác của thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, là điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”.
Theo định hướng, khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn sẽ xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên cơ sở lấy các yếu tố gốc tạo nên giá trị của danh lam thắng cảnh là hạt nhân trong phát triển du lịch; Tổ chức các tour du lịch theo chuyên đề để gia tăng trải nghiệm cho du khách; Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; Tạo lập các sản phẩm dịch vụ, du lịch mới phù hợp như du lịch thiền, ẩm thực chay, các khóa tu tập…; Nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại làng nghề đá truyền thống Non Nước;…
Đà Nẵng đón nhận Bằng công nhận Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Trong năm 2023, Đà Nẵng đón nhận Bằng công nhận Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhằm phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, năm 2023, thành phố Đà Nẵng quyết định tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn trở lại sau 3 năm gián đoạn vì dịch COVID-19 với quy mô cấp thành phố với rất nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa đặc sắc, thu hút hàng ngàn phật tử, người dân và du khách thập phương đến chiêm bái.
Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn trở lại sau 3 năm gián đoạn vì dịch COVID-19 với quy mô cấp thành phố
9. Quảng Nam và Đà Nẵng bàn giao 2 chi tiết còn thiếu của bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara Đồng Dương
Bảo tàng Quảng Nam tổ chức Lễ bàn giao và tiếp nhận 2 chi tiết còn thiếu của bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara Đồng Dương về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Đầu tháng 12-2023, tại tỉnh Quảng Nam, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức Lễ bàn giao và tiếp nhận 2 chi tiết còn thiếu của bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara Đồng Dương về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Hiện nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đang lưu giữ 6 bảo vật quốc gia, trong đó, Tượng Bồ tát Tara, Đồng Dương được cán bộ và nhân dân thôn Đồng Dương phát hiện tại thôn Đồng Dương, xã Bình Định (nay là UBND xã Bình Định Bắc), huyện Thăng Bình và đưa vào Bảo tàng Chăm vào năm 1978.
Từ đó đến nay bảo vật này luôn được giữ gìn, bảo quản trong tình trạng tốt nhất. Tuy nhiên, trong quá trình khai quật, Bảo vật đã bị đứt gãy 2 chi tiết đóa sen và con ốc và 2 chi tiết này được nhân dân thôn Đồng Dương gìn giữ như là báu vật tại địa phương trong suốt 45 năm qua.
10. Đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC)
Giữa tháng 8-2023, Đà Nẵng tổ chức khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, Điều hành Thông minh thành phố (Trung tâm IOC).
Đà Nẵng tổ chức khai trương, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, Điều hành Thông minh thành phố (Trung tâm IOC)
Trung tâm là một hợp phần quan trọng được xác định trong kiến trúc tổng thể thành phố thông minh của Đà Nẵng và trong Khung Tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc khai trương Trung tâm IOC là điểm nhấn quan trọng và bước tiến lớn trong quá trình triển khai chuyển đổi số; thể hiện cam kết, quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thành phố trong việc xây dựng thành phố thông minh.
Năm 2023, thành phố đạt nhiều giải thưởng trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Đơn vị 13 năm liên tục (2009-2022) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Việt Nam ICT Index); xếp hạng A (dẫn đầu) về an toàn thông tin và thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử năm 2021; năm thứ tư liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; năm thứ ba liên tiếp (2020-2022) xếp Nhất khối các tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 03 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; năm 2020 và 2022, thành phố nhận được danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”…
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG